Cập nhật: 23/08/2021 07:46:00
Xem cỡ chữ

Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng do hậu quả của sức ép tăng trưởng kinh tế, sự phát triển của các ngành du lịch, dịch vụ biển; khai thác khoáng sản, dầu khí... và sử dụng kém hiệu quả các nguồn tài nguyên biển.

 Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Sức ép từ hoạt động phát triển kinh tế

Theo đánh giá của các chuyên gia, giai đoạn 2016-2020, công tác quản lý và kiểm soát môi trường biển đã có nhiều nỗ lực với hàng loạt công cụ pháp lý được ban hành, đây là giai đoạn hình thành, kiện toàn hệ thống quản lý tổng hợp biển từ trung ương đến địa phương; chất lượng môi trường biển được duy trì khá tốt.

Tuy nhiên tại một số khu vực nuôi trồng thủy sản (NTTS), khu vực cửa sông, cảng biển, môi trường nước biển còn bị ô nhiễm cục bộ và mang tính thời điểm. Bên cạnh đó, một số sự cố môi trường do xả thải chất thải công nghiệp, sự cố tràn dầu trên biển, tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng làm gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển.

Theo báo cáo Hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia vừa được Bộ TN&MT công bố, phần lớn các chất thải từ đất liền đã tác động gián tiếp đến môi trường nước biển và hải đảo thông qua các cửa sông ven biển, mức độ gia tăng tại các cửa sông chảy qua hoặc gần các thành phố biển.

Kết quả thống kê cho thấy, có 74% lượng chất thải rắn của các địa phương có biển được thu gom; lượng nước thải sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 122-163 triệu m3/ngày; có đến 70% các khu, điểm du lịch trong cả nước tập trung ở khu vực ven biển... Hệ quả không chỉ gây áp lực lên hạ tầng đô thị mà còn tác động đến không gian của các đô thị ven biển, tác động rõ nhất là sự thay đổi cảnh quan ven biển, điển hình như các dự án lấn biển làm khu nghỉ dưỡng.

Bên cạnh đó, sự gia tăng chất thải nhựa đại dương trong những năm gần đây là vấn đề lớn mang tính toàn cầu và cũng là áp lực lớn trong công tác quản lý chất thải trên biển ở nước ta. 

Tại các cảng biển, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường có thể phát sinh từ các hoạt động nạo vét luồng cảng và đổ thải vật liệu nạo vét, làm tăng độ đục, thay đổi chế độ thủy hải văn, ô nhiễm trầm tích đáy biển; quá trình bốc dỡ hàng hóa gây phát tán các chất ô nhiễm như dầu mỡ, các loại quặng chứa kim loại nặng, thuốc trừ sâu, phân bón, khí độc, bụi….

Báo cáo Hiện trạng môi trường biển của Bộ TN&MT cũng chỉ rõ, nguồn gây ô nhiễm còn phát sinh từ hoạt động vận tải biển bao gồm: sự cố rò rỉ dầu và hóa chất; xả thải từ quá trình vận hành phương tiện; chất độc hại phát tán từ các loại sơn vỏ tàu chống hà… Trong đó, ô nhiễm môi trường biển do sự cố rò rỉ dầu là hiện tượng được biết đến phổ biến trên thế giới. Ước tính 10 – 15% lượng dầu phát tán trên biển là từ những tai nạn tàu chở dầu.

Cùng với đó, hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tiềm ẩn nhiều áp lực tới môi trường trong tất cả các giai đoạn từ thăm dò, khai thác, vận chuyển đến tháo dỡ giàn khoan. Ước tính có có khoảng trên 1.000 sản phẩm để pha chế dung dịch khoan, hầu hết các dung dịch khoan chứa khoảng 8 – 12 thành phần khác nhau, bao gồm nhiều kim loại Asen, Barium, Chromium, Cadmi, Đồng, Sắt, Chì, Thủy ngân, Nickel và Kẽm…. Đây là những kim loại có nguy cơ gây độc đối với môi trường biển.

Đáng quan ngại hơn là các hoạt động khai thác khoáng sản biển cũng gây nhiều yếu tố ảnh hưởng đến môi trường. Nước thải từ các mỏ than có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến vùng ven bờ như gây bồi lấp, làm mất nguồn thuỷ sinh, suy giảm chất lượng nước…Có thể thấy những bãi thải tại Quảng Ninh, nhất là khu vực gần vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long là minh chứng điển hình. Điều này đã tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm và ảnh hưởng tới cảnh quan khu vực xung quanh.

Phát triển kinh tế biển phải gắn với bảo vệ môi trường

Theo các chuyên gia môi trường, biển và đại dương hứng chịu những tác động nghiêm trọng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm và suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học… Điều này cũng có nghĩa là sự phát triển, tồn vong của nhiều dân tộc, quốc gia bị đe dọa. Những thách thức này ngày càng bị trầm trọng hơn do đại dịch COVID-19 đang gây ra những hệ lụy to lớn và làm phân tán nguồn lực dành cho các nỗ lực phát triển kinh tế biển và bảo vệ đại dương. Vì vậy, nếu chúng ta không khẩn khẩn trương hành động và có giải pháp ngay từ bây giờ thì những hệ lụy phải gánh chịu do ô nhiễm và suy thoái là rất lớn.

Tại một hội nghị về phát triển bền vững kinh tế biển do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng ô nhiễm, suy thoái môi trường biển đã ảnh hưởng trực tiếp đến cơ sở nguồn lợi của các khu bảo tồn biển nước ta. Đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa, túi ni lông ở nước ta hiện nay rất nghiêm trọng; khiến các rạn san hô của Việt Nam đang biến đổi theo chiều hướng xấu, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính bền vững nghề cá biển nước ta.

Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, để bảo tồn và bảo vệ môi trường biển, phát triển kinh tế biển hiệu quả, cần thực hiệp pháp luật tốt, truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức cho dân cư sống trong và lân cận khu bảo tồn biển để họ tham gia chủ động hơn vào việc quản lý khu bảo tồn biển, ủng hộ ban quản lý trong thực hiện kế hoạch quản lý, góp phần giảm sức ép khai thác bất hợp lý tài nguyên, nguồn lợi thủy sản.

Tổng cục Trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi cho rằng, nước ta cần có những chiến lược sinh kế biển cụ thể cho ngư dân trong tương lai; quản lý và phát triển kinh tế biển gắn chặt với bảo vệ môi trường là điều hết sức quan trọng để Việt Nam hướng tới.

“Cần phải lấy việc sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển là những yếu tố nền tảng cho phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững dựa trên việc bảo toàn nguồn vốn tự nhiên biển; bảo vệ và đầu tư cho các hệ sinh thái biển, ven biển, hải đảo. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cần tăng cường giám sát, rà soát và quản lý các nguồn thải gây ô nhiễm ra môi trường biển; đầu tư, thiết lập hệ thống quan trắc, giám sát môi trường tại các địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về những tác hại của các vấn đề môi trường xuyên biên giới đối với tài nguyên và môi trường biển trong khu vực…”, Tổng cục trưởng cho biết.

Để giải quyết những thách thức về ô nhiễm môi trường biển, hiện Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang xây dựng và áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường biển như: lệ phí ô nhiễm, lệ phí xả thải, phí sử dụng biển, phí sản phẩm, lệ phí hành chính thuế, cấp phép và thu hồi giấy phép khai thác, sử dụng biển, đảo, các quỹ môi trường biển và các khoản trợ cấp khác.

Đồng thời, các công cụ pháp lý liên quan đến hệ thống kiểm tra, kiểm soát liên ngành trong kiểm soát môi trường biển cũng được xây dựng, hoàn thiện như: tiêu chuẩn môi trường, đánh giá tác động môi trường, quan trắc cảnh báo môi trường, xác định các điểm nóng môi trường hoặc ô nhiễm, các loại giấy phép và biện pháp kiểm soát sử dụng đất ven biển và mặt nước biển và hải đảo…/.

Theo Bích Liên/dangcongsan.vn - Ngày 16/8/2021  

https://dangcongsan.vn/bien-dao-viet-nam/tin-tuc/can-tang-cuong-bao-ve-moi-truong-bien-588246.html