Với các nhà thơ trẻ, những sáng tác về Bác Hồ là nơi họ thể hiện lòng kính trọng và biết ơn đối với Bác. Dẫu tác phẩm của họ chưa vang danh trong và ngoài nước nhưng lại chất chứa tình cảm chân thành.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận cho các văn nghệ sỹ nhiều thế hệ. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận cho các văn nghệ sỹ nhiều thế hệ, dẫu đề tài Bác Hồ luôn là một thách thức lớn với người cầm bút. Bên cạnh những tác phẩm lớn viết về Bác, đã vang danh trong và ngoài nước, ngày nay các tác giả trẻ vẫn bền bỉ sáng tác về Người để bày tỏ lòng kính yêu và lan tỏa tình cảm đó đến với người đọc.
“Tìm hiểu, sáng tác về Bác giúp tôi giảng dạy tốt hơn”
Trần Văn Lợi sinh năm 1976 tại Nam Định. Anh là Ủy viên thường trực Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định, biên tập viên Tạp chí Văn Nhân.
Qua nhiều bài thơ trên báo và những tập thơ đã in như “Miền gió cát,” “Lật mùa,” “Bàn tay châu thổ,” độc giả đã cảm nhận được ở anh một hồn thơ giản dị và đôn hậu.
Chùm thơ về Bác gồm 11 bài của anh đã đoạt giải B tại Cuộc vận động sáng tác “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” 2011-2013 do Ban Tuyên giáo tỉnh Nam định tổ chức.
Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là niềm tự hào và sự ngưỡng vọng của mỗi người Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Chính vì vậy, Người là nguồn cảm hứng vô tận đối với mọi văn nghệ sỹ nói chung trong đó có nhà thơ Trần Văn Lợi.
Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, nhà thơ cho hay khi còn là học sinh, anh đã được làm quen với những tác phẩm viết về Bác của các tác giả Chế Lan Viên, Tố Hữu, Trần Đăng Khoa… Nhiều tác phẩm của Bác cũng để lại cảm xúc sâu sắc trong anh.
“Đó là niềm tự hào, lòng biết ơn, sự kính trọng. Cảm xúc đó được hình thành khi tôi còn nhỏ và càng thấm nhuần theo thời gian. Tôi viết về Người từ rất sớm, khi bắt đầu sáng tác,” anh chia sẻ.
Nhà thơ, nhà giáo Trần Văn Lợi. (Ảnh: NVCC)
Ngoài thơ, Trần Văn Lợi còn có một số chuyên luận, biên khảo, như: “Thư Bác Hồ qua những mùa trăng,” “Nhà thơ Hải Như và những bài thơ về Bác Hồ,” “Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục lòng yêu nước cho thanh, thiếu nhi”…
“Vừa là người sáng tác, vừa là giáo viên dạy Ngữ văn nên tôi tìm hiểu khá nhiều tác phẩm của Bác. Điều mà tôi ấn tượng nhất là tinh thần chiến sỹ và phẩm chất nghệ sỹ luôn hòa quyện trong con người Bác,” nhà thơ chia sẻ.
Trong số những sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bài thơ “Về Tỉn Keo nhớ Bác” lưu giữ ấn tượng của Trần Văn Lợi khi lên thăm Khu lán Tỉn Keo (Thái Nguyên) năm 2000.
Với sự xúc động trước sự giản dị, đơn sơ ở nơi Người từng sống và làm việc, anh đã viết những câu thơ chân thực, hồn hậu:
“Nơi đây Bác đã gieo trồng
Cải xoong cùng với những vồng bí xanh
Bản người Dao cắm xung quanh
Lòng dân là bức tường thành chở che…”
Với nhà thơ, nhà giáo Trần Văn Lợi, việc sáng tác, nghiên cứu tác phẩm về Bác Hồ luôn hỗ trợ trong công việc giảng dạy bởi anh có thể hiểu sâu sắc hơn những tác phẩm văn học của Bác, nhận thấy tình thương yêu bao la của Người dành cho mọi tầng lớp nhân dân và nhân loại yêu chuộng hòa bình.
“Quá trình sáng tác, nghiên cứu đã hun đúc trong tôi sự kính yêu và cảm phục phẩm chất và sự nghiệp của Người, để rồi từ đó, tôi lại lan tỏa tình cảm này đến các em học sinh của mình,” anh chia sẻ.
Lan tỏa hình ảnh giản dị của vị Cha già dân tộc
Trong khi nhà thơ Trần Văn Lợi viết về Bác với niềm kính yêu sâu sắc từ thời thơ ấu, nhà thơ Hạnh Vân lại tìm thấy nguồn cảm hứng sáng tác từ cuộc đời giản dị của Bác.
Nhà thơ Hạnh Vân (Phạm Thanh Vân) sinh năm 1980 tại Đồng Nai, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Chị được biết tới với tập thơ “Ru miền cổ tích,” nói thay tiếng lòng của người trẻ về truyền thống dân tộc, lòng biết ơn đối với các thế hệ đi trước. Tập thơ này đã giành giải A tại giải thưởng Trịnh Hoài Đức (2011-2015, do Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai tổ chức).
Ngoài ra, chùm thơ về Bác của Hạnh Vân đạt giải B giải thưởng Cuộc vận động sáng tác “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (2011-2013) do Ban Tuyên giáo tỉnh Đồng Nai tổ chức. Đánh giá về chùm thơ này, nhà thơ Đàm Chu Văn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai bảo rằng thơ Hạnh Vân có những tìm tòi, phát hiện để lại nhiều ấn tượng.
“Một tiếng thơ trẻ trung, mới trong giọng điệu, đa dạng đề tài trong chừng mực, không sa vào những cách tân hình thức rậm lời, khó hiểu như một số cây bút trẻ. Đặc biệt, với đề tài truyền thống yêu nước và cách mạng, tấm lòng kính yêu đối với Bác Hồ, chị đã có những thành công bước đầu,” nhà thơ Đàm Chu Văn nhận xét.
Nhà thơ nữ Hạnh Vân. (Ảnh: NVCC)
Hạnh Vân kể rằng, khi còn học phổ thông, cô được biết đến tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp.” Cô học trò nhỏ thấy bất ngờ khi chương “Thuế máu” của tác phẩm này có nhắc đến một công trình kiến trúc ở ngay trên quê hương mình: Đài Kỷ niệm Biên Hòa. Công trình ấy đã trở thành Di tích lịch sử cấp quốc gia, là chứng nhân cho nỗi đau của dân tộc trong đêm trường nô lệ.
“Mỗi lần đi ngang qua công viên nhỏ nằm giữa giao lộ trung tâm thành phố Biên Hòa, nhìn thấy bia tưởng niệm những người Việt trận vong trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ Nhất nằm lặng lẽ giữa phố phường tấp nập là lòng tôi lại buốt xót,” chị tâm sự.
Cảm xúc này đã đọng lại thành bài thơ “Đài Kỷ niệm trong trang viết của Bác”:
“Đài Kỷ niệm vươn lên như ngọn lửa sáng bừng
‘Bản án’ đã vạch trần trò mị lừa thâm độc
Ngôn từ của Bác là tiếng lòng dân tộc
Lớp lớp sóng tràn, ào ạt hờn căm…”
Nhà thơ cho rằng viết về Bác rất khó vì đề tài này đã có rất nhiều tác giả khai thác. Việc tìm một nét riêng để tác phẩm của mình không trùng hoặc lẫn vào tác giả khác là một điều không dễ dàng.
“Là phụ nữ nên mình dễ rung động trước những điều gần gũi nhỏ bé quanh mình, có lẽ vì thế nên thơ cũng giản dị như tâm hồn người vậy,” chị chia sẻ.
Bởi thế, thơ của Hạnh Vân tìm đến những điều giản dị nhất song vẫn chạm đến trái tim độc giả nhờ sự chân thành và nhạy bén rất riêng của một tác giả nữ.
Những bài thơ nổi bật của chị bao gồm: “Ngắm chân dung Bác Hồ làm từ dây lá buông” (một loại lá dân dã mọc nhiều ở Đồng Nai), “Hoa râm bụt ở đồi ATK,” “Hoa khoai lang trong vườn Bác”…
Với “Hoa khoai lang trong vườn nhà Bác,” bài thơ được viết khi Hạnh Vân về thăm làng Sen.
Hướng dẫn viên du lịch kể rằng, một lần Bác về thăm quê, bà con xóm giềng ngỏ ý trồng hoa trong vườn nhà, Bác nói: “Bác đồng ý cho các cô các chú trồng hoa, nhưng mà phải là hoa khoai. Bác thấy hoa khoai rất đẹp, củ và lá đều dùng vào bữa ăn hàng ngày.”
Câu chuyện bình dị và những luống khoai lang nở hoa tím biếc trở thành điều ấn tượng nhất với Hạnh Vân. Chị bỗng thấy hoa khoai vườn nhà Bác thật đẹp bởi loài hoa ấy chứa đựng tình thương bao la của Bác dành cho mọi người. Nhà thơ đã chọn một hình ảnh giản dị để nói về nhân cách lớn lao của lãnh tụ:
“Bác thương người nông dân tay bùn chân lấm
Nên thương cả loài hoa biết xoa dịu những nhọc nhằn
Hoa đã cùng người vượt mọi khó khăn
Lặng lẽ kết nên mùa bình yên no ấm…”
Là giáo viên Lịch sử, nhà thơ Hạnh Vân luôn nhắc nhở học sinh về quá khứ, giáo dục cho các em tình yêu quê hương đất nước.
“Để học sinh không thấy môn Lịch sử khô khan, nhàm chán, ngoài những kỹ năng và phương pháp dạy học tích cực, giáo viên cũng cần có cảm xúc thì mới có thể truyền cảm hứng cho học sinh, giúp cho những giờ học trở nên mềm mại hơn,” chị chia sẻ.
Với cô giáo Hạnh Vân, những tác phẩm văn học, đặc biệt là những tác phẩm viết về Bác Hồ giúp chị nuôi dưỡng cảm xúc tích cực, từ đó lan tỏa đến học sinh của mình./.
Theo Minh Thu (Vietnam+) - 3/9/2021
https://www.vietnamplus.vn/nhung-nha-tho-tre-va-niem-tu-hao-khi-sang-tac-ve-bac-ho/737774.vnp