Tỉnh Vĩnh Phúc từng có giai đoạn dịch bùng lên, nhưng với chính sách chống dịch "đúng và trúng", vây Covid-19 bằng mở rộng xét nghiệm đã giúp tỉnh sớm chế ngự được dịch.
Tính từ ngày 31/7/2021 đến nay đã qua 43 ngày trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng. Tính từ ngày 19/8/2021 đến nay đã có 25 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới.
Dịch được kiểm soát ở mức cơ bản tại các khu vực dân cư; nhiệm vụ trước mắt mà tỉnh này tập trung là ngăn chặn dịch xâm nhập khu công nghiệp.
Khởi nguồn của mọi chính sách chống dịch ‘đúng và trúng’ mà Vĩnh Phúc triển khai đều dựa trên nền tảng các chủ trương, chính sách của Chính phủ đề ra để sáng tạo cách làm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, HĐND tỉnh là cơ quan ra nhiều quyết sách căn cơ.
Có ba nghị quyết của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành được ví như “chìa khóa vàng” giúp tỉnh chế ngự Covid-19. Đó là nghị quyết cho phép mở rộng đối tượng xét nghiệm; mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 và nghị quyết về hỗ trợ tiêm vắc xin Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Vây Covid-19 bằng mở rộng xét nghiệm
Thông tin 79% F1 sau đó đều thành F0 tại Bắc Giang khiến nhiều người sửng sốt về tốc độ lây nhiễm của biến chủng mới của Covid-19. Trước khi số liệu trên công bố (25/5), tỉnh Vĩnh Phúc gần như chiếm thế chủ động trong chiến lược bao vây, đánh chặn của mình khi mở rộng đối tượng xét nghiệm với các trường hợp F1, F2, F3 và thậm chí là cả khu dân cư có F0.
Vướng mắc đặt ra với tỉnh là mở rộng xét nghiệm trong bối cảnh quy định của Bộ Y tế chỉ xét nghiệm đến F1. Vậy xét nghiệm các F2, F3 và các trường hợp khác thì cơ quan nào chi trả các chi phí phát sinh. Bài toán được giải khi HĐND tỉnh ra nghị quyết về cơ chế đặc thù trong chống dịch. Theo đó, Vĩnh Phúc sẽ hỗ trợ về chi phí cách ly, miễn phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho các trường hợp theo tiêu chuẩn nêu trên.
Ngay lập tức, Ban Chỉ đạo chống dịch Covid-19 tỉnh thần tốc xét nghiệm, trong vòng hơn 20 ngày, đã có hơn 200 nghìn mẫu được lấy và cho kết quả. Trong đó, những trường hợp dương tính SARS-CoV-2 được khẩn trương đưa đi cách ly điều trị trước thời điểm có kết quả chính thức từ Bộ Y tế. Việc mở rộng xét nghiệm đã tạo được thế trận chủ động khi đối diện với dịch Covid-19.
Bảo vệ thành quả, đợi “vũ khí” vắc xin
Thống kê cho thấy, tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 250 nghìn công nhân làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp. Bài học về dịch bùng phát tại khu công nghiệp ở Hải Dương và mới đây nhất là Bắc Giang cho thấy hậu quả nặng nề khi để vị trí trọng yếu này bị tấn công.
Khu công nghiệp là một trong hai mặt trận chính mà Vĩnh Phúc ưu tiên, dồn tổng lực để phòng ngừa. Khi các ca mắc Covid-19 ở các tỉnh lân cận tăng vọt, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đồng ý chủ trương cho UBND ra văn bản yêu cầu 100% các doanh nghiệp phải tổ chức xét nghiệm cho công nhân.
Chỉ trong vòng vài ngày, gần 100 nghìn mẫu xét nghiệm sàng lọc của công nhân được lấy và cho kết quả. Kết quả xét nghiệm là căn cứ, mấu chốt quan trọng nhất để Vĩnh Phúc triển khai đồng bộ các chính sách ngăn dịch xâm nhập.
Đó là việc yêu cầu lao động ngoại tỉnh ở lại Vĩnh Phúc nếu muốn làm việc tại các khu công nghiệp (tỉnh hỗ trợ chỗ ở). Các chuyên gia nước ngoài nếu di chuyển qua các tỉnh phải thực hiện lấy mẫu xét nghiệm 3 ngày/lần; Hàng loạt các chính sách đối với từng khu vực, cá nhân cụ thể tại các khu công nghiệp được quy định chặt chẽ nhằm chặt đứt mọi con đường tấn công của dịch bệnh.
Các chính sách trên được siết chặt nhằm mục tiêu bảo vệ thành quả trong bối cảnh chờ vắc xin. Và giải pháp vắc xin Covid-19 cũng sớm được HĐND tỉnh ra nghị quyết hỗ trợ kinh phí tiêm vắc xin miễn phí giai đoạn 2021-2022. Theo đó, đối tượng hướng đến là mọi người từ 18 tuổi trở lên có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú hơn sáu tháng trên địa bàn tỉnh; số tiền chi cho hoạt động này khoảng 342 tỷ đồng.
Đáng chú ý, động thái tăng thời gian tại 9 chốt trọng yếu vào tỉnh cho thấy, quá trình nguồn cung vắc xin đang gặp khó khăn, Vĩnh Phúc lo ngại các nguồn lây từ bên ngoài tấn công vào. Khi cuộc bao vây dịch bên trong đã nắm được thế chủ động, thì mức độ cảnh giác cao độ, chuyển sang trạng thái chống dịch mới theo Chỉ thị 08 của UBND tỉnh được thực hiện quyết liệt hơn.
Việc vài tháng làm trong vài ngày
Có rất nhiều bài học rút ra, tuy nhiên điểm cốt lõi trong chống dịch của Vĩnh Phúc là xác định mọi biện pháp đưa ra trước hết phải hướng đến sự an toàn của người dân.
Vĩnh Phúc tạo được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhân dân và các dân tộc trong tỉnh. Nếu không có sự đồng thuận này, chỉ cần một mắt xích, một bộ phận, thậm chí là một người dân không tuân thủ thì thành quả chống dịch cũng có thể đổ bể hoàn toàn.
Hai là chủ động tấn công dịch bệnh. Không phải ngẫu nhiên Vĩnh Phúc chọn việc kích hoạt các biện pháp chống dịch ở mức cấp bách ngay khi phát hiện những ca bệnh đầu tiên. Xuất phát từ việc nhận định đúng về biến chủng mới của dịch Covid-19 trên cơ sở khoa học là căn cứ để tỉnh đổi chiến lược từ “truy tìm” sang “đánh chặn”.
Đối thoại là cách Vĩnh Phúc ưu tiên để làm bước đệm trước các chính sách sắp ban hành. Đó là việc người đứng đầu Tỉnh ủy, UBND ngồi lắng nghe tất cả các ý kiến của doanh nghiệp, tiếp thu và đối thoại để tháo gỡ khó khăn trên quan điểm, chống dịch là bảo vệ cho chính bản thân tổ chức, cá nhân.
Thần tốc trên mọi mặt trận, trong đó, việc đẩy nhanh việc ban hành các nghị quyết của HĐND là một trong những yếu tố cốt lõi giúp chế ngự Covid-19. Điều đó thể hiện ở chỗ, các nghị quyết HĐND thay vì phải chờ vài tháng mới ban hành thì nay được làm trong vài ngày để giảm tối đa thiệt hại.
Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng năm 2021, tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh đạt 14,2% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2015.
Xuất khẩu tăng 26%, thu hút vốn đầu trong nước đạt hơn 7.500 tỷ đồng và FDI đạt hơn 177 triệu USD. Thu ngân sách của tỉnh ước đạt hơn 17.000 tỷ đồng, đạt gần 60% dự toán.
Theo Đoàn Bổng/vietnamnet.vn - 13/9/2021
https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chia-khoa-vang-giup-vinh-phuc-che-ngu-covid-19-774423.html