Hằng năm, vào cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 Âm lịch, tiết trời vùng cao se lạnh là lúc báo hiệu “mùa vàng” bội thu, đồng bào các dân tộc thiểu số hối hả vào vụ gặt cũng là dịp họ làm lễ mừng cơm mới.
Thầy cúng cúng lúa mới cho gia đình ông Vương Văn Phô, thôn Lùng Vi, xã Nà Khương, huyện Quang Bình. (Nguồn: baohagiang)
Hằng năm, cứ vào cuối tháng Tám đến đầu tháng Chín Âm lịch, tiết trời vùng cao se lạnh, những tia nắng vàng nhạt chiếu xuống nương lúa chín vàng là lúc báo hiệu một “mùa vàng” bội thu, người dân hối hả vào vụ gặt.
Đây cũng là thời điểm đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao Hà Giang tổ chức lễ mừng cơm mới; là nghi lễ nông nghiệp hàm chứa giá trị văn hóa độc đáo về tín ngưỡng, tâm linh, thể hiện sự tôn vinh cây lúa - cây nông nghiệp quan trọng trong đời sống sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng dân tộc thiểu số nơi đây.
Thông thường, lễ cúng mừng cơm mới kéo dài khoảng vài ba tuần khi bước vào mùa gặt. Các gia đình chọn một ngày đẹp để tổ chức lễ, dâng thành quả lao động lên các vị thần linh cùng gia tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, mùa màng tươi tốt, con cháu mạnh khỏe.
Hoàng Su Phì là một trong 2 huyện vùng cao biên giới phía Tây của tỉnh Hà Giang, là địa bàn cư trú của 13 dân tộc như Dao, Tày, Nùng, Cở Lao, La Chí…
Với đặc điểm địa hình, địa lý cách biệt, nhiều thành phần dân tộc nên huyện Hoàng Su Phì hiện còn bảo tồn và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, đa dạng của nhân dân các dân tộc, đặc biệt là các nghi lễ trong nông nghiệp.
Hoàng Su Phì có trên 3.700ha ruộng bậc thang trải đều khắp các xã, thị trấn. Những thửa ruộng bậc thang uốn lượn trùng điệp và chạy từ ven suối lên đỉnh núi, tạo lên một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp. Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì được hình thành từ những bàn tay, khối óc và sự cần mẫn của người dân các dân tộc đời đời bám núi mưu sinh.
Lễ mừng lúa mới của người Dao
Các gia đình người Dao ở xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì thường tổ chức Lễ mừng lúa mới khi bước vào vụ gặt, khoảng từ 5-10/9 Âm lịch hàng năm.vVới tục thờ đa thần nên người Dao xã Hồ Thầu Hồ quan niệm rằng cây lúa cũng có linh hồn. Vì vậy theo nghi thức truyền thống, việc quan trọng nhất là rước hồn lúa mới về nhà. Trước khi tổ chức lễ mừng lúa mới, mỗi gia đình phải đi rước hồn lúa mới từ cánh đồng về nhà.
Vào buổi sáng sớm, người phụ nữ trong gia đình ra ruộng lúa tỉa những bông to trĩu hạt vừa chín, buộc thành những bó nhỏ phơi trước nhà. Sau đó, chọn ra những bông to nhất buộc thành cụm treo lên vách nhà. Còn lại đem tuốt để làm cốm, nấu xôi dâng lên tổ tiên, trời đất.
Người Dao cho rằng khi có cơm mới thì ông bà, tổ tiên, các vị thần linh phải là người được dùng trước, vì đã phù hộ cho gia đình có một mùa màng bội thu. Bởi vậy họ phải soạn một mâm lễ để dâng lên tổ tiên với những lễ vật gồm cơm mới, cốm, gà luộc, hoa quả và hương, tiền giấy và rượu.
Lễ vật quan trọng nhất trong lễ mừng cơm mới là xôi nếp nấu với nước lá gừng tươi. Xôi chín, cho xôi ra lá chuối và hòa nước lá gừng vào xôi tạo thành màu xanh và tăng thêm mùi thơm của gạo nếp, trên những bát xôi, họ xếp những bông lúa thành vòng tròn nối các bát với nhau. Ngoài ra còn có sâu măng, cá chép ruộng, nhộng ong... là những sản vật của ruộng đồng và các con vật đã phù hộ, giúp đỡ cho gia đình có một mùa vụ tươi tốt.
Trong bài cúng của lễ cúng cơm mới của người Dao nội dung quan trọng nhất là thành tâm tưởng nhớ đến tổ tiên. Ngoài ra, thầy cúng cũng thay mặt gia chủ làm lễ để đuổi tà ma, những điều không may mắn, sau đó cho vào một chiếc thuyền bằng giấy rồi mang đi đốt để tống khứ những điều không may mắn ra khỏi nhà.
Sau khi cúng xong, các thành viên trong gia đình mời khách rượu hoẵng ngọt trong sừng trâu. (Nguồn: baohagiang)
Sau khi hoàn thành lễ cúng tổ tiên, thầy cúng và gia đình sẽ lấy một ít thức ăn mang cho gia súc, gia cầm ăn trước. Điều này thể hiện lòng biết ơn tới các con vật nuôi, mong cho chúng luôn khỏe mạnh, bảo vệ gia đình, mùa màng tươi tốt. Sau đó, mâm cúng được gia đình dọn xuống, cùng những mâm cơm đã được chuẩn bị sẵn, các thành viên trong gia đình quây quần ăn uống vui vẻ, chúc cho nhau sức khỏe, bình an, mùa màng tốt tươi.
Lễ mừng cơm mới dân tộc Nùng
Lễ cúng cơm mới là một trong những nghi thức mang đậm tín ngưỡng nông nghiệp của dân tộc Nùng xã Pố Lồ, huyện Hoàng Su Phì. Nghi thức này tùy theo thời vụ lúa chín mà được các gia đình tổ chức vào tháng Tám hoặc tháng Chín Âm lịch hàng năm.
Trong lễ cúng mừng cơm mới, nghi lễ đón rước hồn lúa mới về nhà được coi là quan trọng nhất. Với nghi lễ này, gia chủ sẽ chuẩn bị một bình ống nứa đựng một ít nước ruộng, thúng đeo vai đựng gói tro bếp, bột ngô, gạo, trứng gà, liềm để xin các thần linh rước hồn lúa về nhà.
Khi ra đến đồng ruộng, gia chủ sẽ đứng về hướng Đông, lấy từng gói tro, bột ngô, gạo đặt vào gốc cây lúa trĩu hạt nhất để xin rước hồn lúa mới. Sau đó, gia chủ sẽ ngắt một cành cây nhỏ có gai, có thể là bưởi hoặc chanh cho vào thúng để cho hồn lúa không chạy mất khi gặp người cùng làng đi trên đường. Khi rước hồn lúa về tới nhà, gia chủ sẽ chia thành 2 túm lúa đặt trên một góc bàn thờ để chờ cúng.
Với nghi lễ này, gia chủ sẽ chuẩn bị một bình ống nứa đựng một ít nước ruộng, thúng đeo vai đựng gói tro bếp, bột ngô, gạo, trứng gà, liềm để xin các thần linh rước hồn lúa về nhà. Khi ra đến đồng ruộng, gia chủ sẽ đứng về hướng Đông, lấy từng gói tro, bột ngô, gạo đặt vào gốc cây lúa trĩu hạt nhất để xin rước hồn lúa mới. Sau đó, gia chủ sẽ ngắt một cành cây nhỏ có gai, có thể là bưởi hoặc chanh cho vào thúng để cho hồn lúa không chạy mất khi gặp người cùng làng đi trên đường. Khi rước hồn lúa về tới nhà, gia chủ sẽ chia thành 2 túm lúa đặt trên một góc bàn thờ để chờ cúng.
Còn lại đem tuốt làm cốm hoặc nấu thành xôi để dâng lên tổ tiên, trời đất. Nếu vì lý do nào đó mà gia đình không có đủ số thóc gạo mới để làm cốm hoặc nấu xôi thì có thể trộn lẫn một ít gạo cũ để nấu hoặc dùng một vài bông lúa mới đặt vào trong nồi xôi để lấy tinh chất hương hoa của hạt lúa mới dâng lên tổ tiên.
Tuốt lúa làm cốm hoặc nấu thành xôi để dâng lên tổ tiên, trời đất. (Nguồn: baohagiang)
Sau khi rước được hồn lúa về nhà, các gia đình sẽ chuẩn bị cho Lễ cúng cơm mới. Lễ vật trong mâm cúng rất phong phú, hầu hết đều là thức ăn được chế biến từ các sản vật do gia đình tự chăn nuôi và trồng cấy, như thịt gà, thịt lợn, cá chép ruộng và các loại rau, củ, quả, thực phẩm, bánh trái… Tuy nhiên, lễ vật quan trọng nhất không thể thiếu được trong mâm cúng này là xôi và bánh giầy.
Sau khi gia chủ khấn lễ cảm tạ trời đất và mời ông, bà tổ tiên về ăn cơm mới cùng con cháu, các thành viên trong gia đình cùng nhau quây quần ăn bữa cơm đoàn viên.
Lễ cúng lúa mới là một nghi thức tiêu biểu trong hệ thống các nghi lễ tín ngưỡng liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của dân tộc Nùng huyện Hoàng Su Phì. Bên cạnh đó, lễ cúng cơm mới còn là dịp để các gia đình thể hiện sự hiếu kính với tổ tiên và giáo dục thế hệ trẻ hiểu thêm về truyền thống văn hóa đặc trưng của dân tộc.
Lễ cúng cơm mới của người La Chí
Trong quan niệm của người La Chí xã Bản Phùng huyện Hoàng Su Phì, lễ cúng cơm mới là nghi lễ rất quan trọng. Trước ngày tổ chức, người vợ của chủ nhà được coi như "Mẹ lúa" sẽ phải dậy rất sớm chuẩn bị gùi và dao nhíp đi ngắt những bông lúa đầu tiên đồ cơm mới cúng tạ ơn tổ tiên.
Việc đi ngắt những bông lúa đầu tiên còn có ý nghĩa rất thiêng liêng, bởi đây còn là nghi lễ “rước” hồn lúa về, với mong muốn cầu cho mùa vụ mới của gia đình sẽ may mắn, thuận lợi. Mặt khác, chỉ sau khi cúng cơm mới thì các gia đình mới được đem thóc mới thu hoạch vào nhà và ăn cơm nấu từ gạo mới. Trước khi cúng cơm mới, các gia đình không được đốt rơm rạ vì khi đó hồn lúa vẫn còn ở trên cây rơm cây rạ, nếu đốt năm sau sẽ bị mất mùa.
Nghệ nhân Long Chính Phong thôn Na Léng, xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang cho biết theo quan niệm của người La Chí, khi đi ngắt lúa, người vợ chủ nhà kiêng không cho người khác biết, kiêng gặp người lạ, khi đi trên đường nếu gặp người khác cũng không chào, không hỏi; họ quan niệm nếu hỏi chuyện, hồn lúa hoảng sợ sẽ đi mất, năm sau mùa màng của gia đình sẽ không được may mắn.
Nghi lễ đón rước hồn lúa mới trong lễ cúng. (Nguồn: baohagiang)
Khi cắt bông lúa đầu tiên, “Mẹ lúa” nói nhỏ “Hồn gạo, hồn thóc đừng có chạy,” sau đó cắt ba bông gói vào một lá chuối tượng trưng cho việc hồn gốc lúa được cất vào trong gùi rồi mới tiếp tục cắt các bông lúa khác.
Các cum lúa (khóm) cắt về được cất trong kho thóc để tránh trẻ nhỏ trông thấy, sờ vào vì họ sợ sau này khi nấu cơm hay bị sống, sẽ không may mắn cho gia đình. Đến đêm, khi các thành viên trong gia đình đã ngủ say, “Mẹ lúa” lấy các cum lúa mới ra sấy trên bếp rồi cho vào cối giã, sàng, sảy thành gạo để sáng sớm hôm sau dậy đồ xôi và làm cốm.
Đồng thời, "Mẹ lúa" chuẩn bị các lễ vật gồm: rượu hoẵng, thịt chim, cá chép ruộng - là những sản vật được săn bắt từ rừng và do gia đình tự chăn nuôi trồng chọt, trong đó nhất định phải có thịt chuột nấu chín bởi quan niệm của người La Chí cho rằng con chuột là con vật thông minh, biết tự tìm thức ăn, ở đâu có thức ăn thì ở đó có chuột, nếu không cúng tế cho tổ tiên thì mùa màng sẽ bị loài vật này phá hoại.
Vào ngày này, các gia đình đều mời thầy cúng trong làng đến cúng giúp. Khi các món ăn đã chế biến xong, chủ nhà bày lên chiếc mâm đặt trước bàn thờ tổ tiên và tiến hành nghi lễ. Ý nghĩa của bài cúng là nhờ có tổ tiên dạy bảo biết làm ra hạt gạo nuôi sống con người, hôm nay gia đình làm cơm mới mời tổ tiên, thần lúa, thần gạo... chứng kiến lòng thành, phù hộ cho gia đình mạnh khỏe, sản xuất được nhiều lúa gạo.
Nghệ nhân Vương Đức Sinh, xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, cho biết di vết về "Mẹ lúa" còn được thể hiện ở việc người La Chí khi dựng nhà mới bao giờ cũng lấy một nắm thóc - thường là thóc giống để chôn vào giữa nền nhà để "Mẹ lúa" luôn ở lại với gia chủ và tổ chức nghi lễ cúng tế, sau đó mới được dựng nhà. Hoặc mỗi khi đến mùa thu hoạch, chỉ có người phụ nữ được địu lúa về nhà như tình cảm của người mẹ với con vậy.
Sự đa dạng trong cách thức thực hiện lễ cúng mừng cơm mới không chỉ thể hiện nét độc đáo trong văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng cao Hà Giang, mà còn góp phần xây dựng một bức tranh văn hóa nhiều màu sắc của các dân tộc thiểu số.
Ngày nay, đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang vẫn duy trì và thực hành các nghi lễ tín ngưỡng liên qua đến nông nghiệp. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc, đồng thời gắn kết cộng đồng các dân tộc với nhau./.
Theo (Vietnam+) - Ngày 28/9/2021
https://www.vietnamplus.vn/le-mung-com-moi-cua-dong-bao-cac-dan-toc-thieu-so-vung-cao-ha-giang/743462.vnp