Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai khuyến cáo người dân "hồi hương" tránh dịch trong dịp này phải đặc biệt chú ý cơn bão, áp thấp nhiệt đới đang vào Biển Đông gây ra các hiện tượng thiên tai cực đoan, khó lường.
Nguy cơ cao xảy ra bão chồng bão, các hình thái thiên tai liên hoàn
Sáng 10/10, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT), tổ chức cuộc họp trực tuyến với các bộ, ban, ngành và các địa phương có liên quan để bàn phương án ứng phó với bão số 7. Cuộc họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT cho biết, cơn bão số 7 hình thành từ 5/10 và có diễn biến phức tạp. Hướng di chuyển ban đầu được dự báo sẽ ảnh hưởng đến khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên, nhưng hiện nay bão lại ngược lên phía Bắc và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Hải Phòng đến Thanh Hóa.
"Mặc dù bão số 7 được đánh giá không mạnh nhưng các địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt để ứng phó. Trong đó, các địa phương đã kiểm đếm, hướng dẫn, đảm bảo an toàn cho hơn 61.000 phương tiện, với gần 280.000 lao động từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa", ông Hoài cho hay.
Các khu dân cư ven biển, khu vực trũng thấp, cửa sông, ngoài bãi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đã rà soát phương án, sẵn sàng sơ tán dân tình huống bão mạnh đổ bộ (Quảng Ninh đến Hà Tĩnh: hơn 41.000 hộ, với hơn 151.000 người; Quảng Bình - Phú Yên: hơn 71.000 hộ, với 256.000 người).
Ngoài ra, các địa phương đã rà soát các đối tượng trong diện F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng cũng như biện pháp y tế phù hợp để an toàn dịch bệnh (hiện có 3.000 đối tượng F0, F1 ở 3 tỉnh phía Bắc).
Thông tin về diễn biến cơn bão số 7, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hiện tại bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, ông Khiêm lưu ý, mưa lớn vẫn tiếp tục diễn ra ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Theo ông Khiêm, dự báo khoảng đêm 11 đến sáng 12/10, cơn bão Kompasu đang hoạt động ở ngoài khơi Philippines có khả năng đi vào phía Bắc Biển Đông và trở thành cơn bão số 8.
"Đây là một cơn bão mạnh khi ở trên biển, di chuyển nhanh với cường độ mạnh hơn bão số 7 và di chuyển nhanh, có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh phía Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong khoảng ngày 13 và 14/10, và có thể gây ra một đợt mưa lớn cho các khu vực này trong giai đoạn 13 đến 15/10. Các tính toán dự báo của chúng tôi cũng cho thấy, có khả năng ngày 16 và 17/10 sẽ xuất hiện một cơn áp thấp nhiệt đới hoặc bão khác trên Biển Đông", ông Khiêm thông tin.
Phải đảm bảo an toàn cho dòng người đang hồi hương tránh dịch
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh đến dòng người đang hồi hương bằng xe máy từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch có thể sẽ gặp nguy hiểm khi nhiều tỉnh đã có mưa lớn do bão số 7. Dự báo, thời tiết xấu còn kéo dài tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong khoảng 10 ngày tới, do đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT đã có văn bản gửi các địa phương để thông báo cho người dân, đảm bảo an toàn cho bà con trong quá trình di chuyển về quê tránh dịch.
"Ban Chỉ đạo đã có công văn gửi tới 4 tỉnh là TP.HCM, Bình Dương, Long An, Bình Dương, nơi có lượng công nhân, lao động các tỉnh lớn, để thông báo cho bà con nắm được diễn biến thời tiết trong 10 ngày tới. Không cấm bà con về quê, nhưng thông báo cho bà con nắm được thông tin thời tiết 10 ngày tới, từ đó để bà con có thể lùi thời điểm về quê nhằm tránh được rủi ro thiên tai", ông Hiệp cho hay.
Về việc chủ động trong khâu ứng phó, ông Hiệp đề xuất, thiên tai thường có quy luật, giai đoạn này là cao điểm của mùa mưa bão. Chính vì vậy, cần điều các tàu cứu hộ vào các khu vực phù hợp, để khi có tình huống xấu điều động sẽ nhanh hơn.
Liên quan đến nội dung này, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị phải giao trách nhiệm cho các địa phương để có giải pháp thật cụ thể nhằm đảm bảo an toàn cho bà con.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các địa phương cần tiếp tục chủ động ứng phó với bão số 7. Bởi bão số 7 suy yếu nhưng vẫn tiếp tục mưa lớn cho nhiều khu vực. Bên cạnh đó, các địa phương phải sớm có kịch bản ứng phó với bão số 8, bởi cơn bão này được dự báo mạnh hơn.
Phó Thủ tướng ghi nhận, từ Trung ương đến địa phương đã rất quyết liệt, chủ động ứng phó với bão số 7, nên tính đến thời điểm này thiệt hại do bão số 7 là không đáng kể. Về vấn đề các tàu, thuyền cố tình ở lại trên biển cho đủ 15 ngày mới được nhận hỗ trợ tiền dầu, Phó Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo cần nghiên cứu, từ đó có đề xuất tháo gỡ vấn đề này.
Đối với bão số 8, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cần bám sát diễn biến bão, đưa ra dự báo về cường độ, hướng đi chính xác, để từ đó có chỉ đạo ứng phó sát thực tế hơn./.
Theo Văn Ngân/VOV.VN – 10/10/2021
https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/bao-so-8-cuong-do-manh-dang-vao-bien-dong-nguoi-dan-han-che-ve-que-trong-10-ngay-toi-896894.vov