Sáng 10/10, tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến Kỷ niệm Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới (10/10).
Các đại biểu tại hội thảo.
Chủ đề Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới (World Mental Health Day) năm nay do WHO đưa ra là "Chăm sóc sức khỏe tâm thần toàn dân: hãy biến điều đó thành hiện thực", nhằm kêu gọi tất cả các nước thành viên và công chúng cùng chung tay để hiện thực hóa các sáng kiến, ý tưởng, các kế hoạch thành hành động cụ thể và thiết thực nhằm bảo đảm mọi người có nhu cầu được chăm sóc sức khỏe tâm thần một cách chất lượng, hiệu quả và toàn diện.
WHO ước tính trên toàn cầu cứ 4 người có 1 người có vấn đề về sức khỏe tâm thần; có 10 nguyên nhân chủ yếu gây mất khả năng lao động là do các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Thế kỷ XXI là thế kỷ của sức khỏe tâm thần.
Ngày sức khỏe tâm thần thế giới năm nay diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm gia tăng một cách đáng kể các rối loạn tâm thần, làm trầm trọng thêm hố ngăn cách bất bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội kèm theo các hậu quả của nó.
Kết quả phân tích 66 nghiên cứu trên thế giới về tỷ lệ hiện mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch Covid-19 cho thấy, tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu, căng thẳng, rối loạn giấc ngủ tăng hơn với tỷ lệ tương ứng là 31,4%; 31,9%; 41,1% và 37,9%. Dịch Covid-19 gây tác động đặc biệt tới một số nhóm dễ bị tổn thương như nhân viên y tế, những người ở tuyến đầu phòng, chống dịch, người có bệnh lý nền, những người sống độc thân. Ngoài ra, Covid-19 cũng khiến việc cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh và điều trị các rối loạn tâm thần bị gián đoạn.
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, WHO đã định nghĩa “Sức khỏe là trạng thái hoàn toàn thoải mái về thể chất, tâm thần và xã hội chứ không chỉ là không có bệnh hay tật”. Như vậy sức khỏe tâm thần là một trong ba cấu phần không thể tách rời và có mối quan hệ mật thiết với thể chất và xã hội, sức khỏe tâm thần ngày càng có tầm quan trọng và WHO đã nhấn mạnh thông điệp “Không có sức khỏe tâm thần là không có sức khỏe”.
Năm 1992, Liên đoàn tâm thần học thế giới đại diện cho hơn 150 quốc gia lần đầu tiên đưa ra sáng kiến chọn ngày 10/10 làm ngày sức khỏe tâm thần thế giới. Kể từ đó, Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới được tổ chức hằng năm với mục đích giáo dục, nâng cao nhận thức và ủng hộ sự nghiệp chăm sóc sức khỏe tâm thần. Mỗi năm, Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới sẽ có 1 chủ để trọng tâm để định hướng các quốc gia trong công tác tuyên truyền, giáo dục và thay đổi hành vi liên quan đến chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân.
Tại Hội thảo kỷ niệm Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới năm nay, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về một số giải pháp tiến tới chăm sóc sức khỏe tâm thần toàn dân như: Kiện toàn mạng lưới và nâng cao năng lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần theo bốn cấp từ Trung ương đến địa phương theo phương châm vừa phát triển chuyên sâu cho tuyến tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, phổ cập kiến thức cho tuyến y tế cơ sở là tuyến huyện xã để có khả năng lồng nghép hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần vào hoạt đông khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu của tuyến y tế cơ sở.
Đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành tâm thần, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa tâm thần và một số chuyên khoa sâu như tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên, tâm thần người cao tuổi, pháp y tâm thần,…
Xây dựng chế độ chính sách nhằm giữ chân và thu hút nguồn nhân lực chuyên ngành tâm thần, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao nhằm kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được của chuyên ngành tâm thần những năm qua.
Đầu tư cho chăm sóc sức khỏe tâm thần vào các cơ sở khám chữa bệnh bảo đảm giường bệnh cho bệnh nhân nội trú đối với bệnh tâm thần nặng và các cơ sở khám chữa ngoại trú. Áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, điều trị và phát hiện bệnh cũng như trong nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Theo MINH HOÀNG/nhandan.vn – 10/10/2021
https://nhandan.vn/tin-tuc-y-te/dich-covid-19-lam-gia-tang-dang-ke-cac-roi-loan-tam-than-668811/