Cập nhật: 23/10/2021 07:59:00
Xem cỡ chữ

Như mạch ngầm cuộn chảy, không ồn ào mà âm thầm trong nhịp sống hiện đại hối hả, gấp gáp, nghệ thuật dân tộc đã và đang được duy trì, trao truyền từ họ, những người trẻ đam mê các giá trị văn hóa của ông cha. Cùng chung một tình yêu, họ đã có những cách tiếp cận riêng, sáng tạo để lan tỏa tình yêu đó đến mọi người, nhất là các bạn cùng trang lứa. 

Các bạn trẻ biểu diễn trong chương trình “Mắt xẩm” tôn vinh nghệ nhân Hà Thị Cầu. Ảnh: ÐINH THẢO

Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Vĩnh Long, cải lương và những làn điệu đờn ca tài tử ngọt ngào của miền Tây sông nước là một phần khắc sâu trong ký ức tuổi thơ của Hồ Phương Thảo (Thảo Hồ), cô gái sinh năm 1992 và hình thành ở cô niềm đam mê, say đắm với nghệ thuật dân tộc. Cô kể: “Hồi nhỏ, mỗi lần có gánh hát, đoàn nghệ thuật nào về biểu diễn tại quê nhà, tôi vô cùng háo hức ngóng đợi, đòi ba má cho đi xem và mê mệt với những màn diễn của các nghệ sĩ có khi thâu đêm. Chẳng hiểu sao, sau này lớn lên mình lại đi theo những ngả rẽ khác”. Cho dù đã trưởng thành và làm việc ở lĩnh vực quản trị nhân sự của doanh nghiệp, không liên quan gì đến nghệ thuật, nhưng cô vẫn dành phần lớn tâm hồn và nhiệt huyết của mình cho các loại hình diễn xướng dân gian. Do công việc và có điều kiện đi nhiều, Thảo Hồ và nhóm bạn của mình đã có những trải nghiệm, tìm hiểu, học hỏi và ghi chép về các loại hình diễn xướng dân gian ở các vùng đất nước. Cũng từ khối tư liệu đồ sộ ấy họ mong muốn được sẻ chia những kiến thức có được và tình yêu với nghệ thuật dân tộc đến đông đảo các bạn trẻ. Dự án về một artbook (sách ảnh nghệ thuật) “Gánh hát lưu diễn muôn phương” đã ra đời từ đó, nhằm giới thiệu đến giới trẻ các loại hình diễn xướng nghệ thuật và lễ hội dân gian tiêu biểu, đặc sắc ở các vùng, miền.  Và sau những trải nghiệm trên trang sách dưới góc nhìn của những người trẻ, họ có thể cảm nhận bằng thực tế thưởng thức để thêm hiểu, thêm yêu và thấy được các giá trị đặc biệt như Thảo Hồ và các bạn cộng sự đã có.

Tham gia vào dự án cùng Thảo Hồ có họa sĩ Hoàng Tấn (Tấn Nguyên) và nữ biên dịch trẻ Triều Giang. Họ đã tập trung thực hiện “Gánh hát lưu diễn muôn phương” trong hai năm qua để kịp hoàn thành dự án đúng vào những ngày giãn cách xã hội vì Covid-19. Ra mắt đúng vào dịp Giỗ Tổ Sân khấu (12/8 âm lịch) trên nền tảng trực tuyến, nhóm dự kiến hằng năm vào dịp này sẽ tiếp tục có những ấn phẩm mới tương tự ở các loại hình nghệ thuật trong khuôn khổ dự án. Cuốn sách không mang tính khoa học mà đơn thuần chỉ là sản phẩm của hành trình tìm hiểu, gợi mở khám phá và cảm nhận theo cách tiếp nhận của những người trẻ dưới sự hướng dẫn, tư vấn của nhiều chuyên gia, nghệ sĩ tên tuổi được mời cộng tác cùng các tư liệu tham khảo, sách, tạp chí khoa học, cho nên bảo đảm được tính chính xác về thông tin, tư liệu.

Ngay sau khi giới thiệu đến công chúng, cuốn sách của nhóm Thảo Hồ đã tạo được sự quan tâm trong dư luận, nhất là với khá đông bạn trẻ trên cộng đồng mạng xã hội với những thông tin lý thú về nguồn gốc, đặc điểm của 30 loại hình nghệ thuật diễn xướng và sáu lễ hội dân gian truyền thống trên khắp mọi miền đất nước. Ở đó, người đọc có thể bắt gặp điệu hát xoan, dân ca quan họ, ca trù, múa rối nước, chèo, chầu văn, hát xẩm của miền bắc; cũng có thể khám phá làn điệu dân ca ví giặm, nhã nhạc cung đình Huế, ca bài chòi của miền trung; làm quen với cải lương tuồng cổ, đờn ca tài tử, sân khấu dù kê… của miền nam; hay tìm hiểu những lễ hội dân gian đặc sắc như: Tết Nào Pê Chầu, lễ cấp sắc, hội Gióng, lễ cầu mưa… của ba miền. Trong đó, có những loại hình thậm chí nghe tên còn lạ như: hát dô, hát sình ca, múa tân “tung da” dá, múa lâm thôn, múa bóng rỗi… 

Nghệ thuật truyền thống trong lòng người trẻ -0

 Các bạn trẻ nhóm “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” trong một buổi tập hát xẩm. Ảnh: MẠNH HÀO

Làm dự án trong thời điểm dịch bệnh bùng phát là nỗ lực của cả nhóm Thảo Hồ trong quá trình kết nối, trao đổi, phối hợp công việc chủ yếu trên môi trường mạng. Cuốn sách dày gần 200 trang, có tới trên dưới 100 hình ảnh minh họa sinh động, cụ thể về cách thức thực hành, họa tiết, nhạc cụ đi kèm từng loại hình nghệ thuật, từ đó giúp người xem hình dung rõ hơn về nét tương đồng cũng như khác biệt của các điệu múa, điệu hát trong đời sống nghệ thuật diễn xướng vốn phong phú, sôi động của cha ông. Thực hiện artbook theo song ngữ Việt-Anh, nhóm tác giả còn muốn đem những nét đẹp của nghệ thuật truyền thống Việt Nam giới thiệu tới bạn bè quốc tế. Trong tương lai, dự án sẽ cho ra mắt thêm những sản phẩm đi kèm như bộ 36 sticker (nhãn dán) các loại hình gánh hát, bản đồ A3 đánh dấu chiến tích trải nghiệm 36 loại hình nghệ thuật… để gia tăng sự tương tác của công chúng trên hành trình tiếp cận văn hóa cha ông.

Cùng tìm về dòng chảy truyền thống dân gian như Thảo Hồ và các bạn, nhóm các bạn trẻ “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” tại Hà Nội, đã thực hiện chương trình “Mắt xẩm” với mong muốn “chạm” vào xẩm bằng nhiều lăng kính đa dạng. Diễn ra vào thời điểm giữa năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp không thể tập trung đông người, song chương trình “Mắt xẩm” vẫn gây được chú ý với hàng loạt hoạt động trực tuyến ý nghĩa. Những buổi trò chuyện cùng các chuyên gia để nhìn nhận xẩm trong sự thích ứng văn hóa, soi chiếu xẩm dưới góc độ nghệ thuật thị giác, nghệ thuật trình diễn và âm nhạc đương đại đã thật sự mang đến những góc nhìn thú vị về di sản văn hóa quý giá này. Chương trình “Mắt xẩm” còn hé mở một không gian triển lãm đa giác quan với những tác phẩm mỹ thuật, sắp đặt thể hiện những sắc thái biểu đạt khác nhau của xẩm, gợi cảm hứng từ những câu chuyện của tổ nghề hát xẩm… Ðinh Thị Thảo, thành viên sáng lập nhóm “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” cho hay, hơn sáu năm qua, trên hành trình bền bỉ truyền cảm hứng, khơi dậy tình yêu, lòng tự hào với văn hóa dân tộc cho người trẻ, dự án đã tổ chức hàng chục khóa học không chuyên cùng nhiều sự kiện biểu diễn, điền dã, tọa đàm nghệ thuật về một số loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Gần đây, dự án hướng tới thực hiện những chuỗi hoạt động đem đến cách tiếp cận mới như “Tái sinh nghệ thuật chèo với tư duy thiết kế” hay “Mắt xẩm”, để nghệ thuật truyền thống được khơi mở một cách sáng tạo và gần gũi…

 Trước đó, từng có nhóm 40 họa sĩ trẻ đã triển khai thực hiện và tổ chức triển lãm “Vẽ về hát bội” từng gây được tiếng vang lớn trong làng hội họa TP Hồ Chí Minh, lan tỏa tình yêu nghệ thuật truyền thống đến giới trẻ  bằng ngôn ngữ mỹ thuật hiện đại. Họ đã tiếp thêm sức sống cho sân khấu hát bội của ông cha qua  các tác phẩm độc đáo, đa dạng về chất liệu, phương pháp thể hiện. Cách thể hiện tinh tế, sáng tạo và mang đậm dấu ấn trẻ của họ đã giúp người xem hiểu được tính ước lệ và đặc tả qua các nhân vật tiêu biểu trên sân khấu tuồng và thấu hiểu hơn những vất vả, nhọc nhằn cùng sự hy sinh, cống hiến của các nghệ sĩ trong công cuộc duy trì và bảo tồn nghệ thuật dân tộc. Không những vậy, họ còn mang đến những buổi diễn tuồng cổ và các hoạt động tương tác công chúng qua lớp học ứng dụng, các buổi giao lưu nghệ sĩ. Cũng từ “Vẽ về hát bội”  nhiều dự án cá nhân về loại hình nghệ thuật này đã được nối dài, phát triển theo những cách thức mới. Tiêu biểu như dự án “Má ơi đừng đánh con đau, để con hát bội làm đào má coi” của họa sĩ Rồng Phạm bao gồm nhiều bức vẽ ở các chất liệu khác nhau thể hiện các nhân vật, nghệ sĩ hát bội khi trên sân khấu, phía sau cánh gà… Hay gần đây là dự án “Bội Tự” của Nguyễn Phương Vy, sinh viên năm cuối Trường đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, lồng gắn những thông tin về hát bội với những ký tự chữ cái được thiết kế cách điệu dựa theo những chi tiết về nhân vật, phục trang… gắn liền loại hình nghệ thuật này. Phương Vy cho rằng khi nghệ thuật truyền thống được tiếp cận qua góc nhìn trẻ tức khắc sẽ tìm ra con đường gần gũi nhất để lan tỏa giá trị tới nhiều người trẻ khác.

Thảo Hồ, Tấn Nguyễn, Triệu Giang, Ðinh Thị Thảo, hay Phương Vy chỉ là một trong số nhiều bạn trẻ đang miệt mài, trăn trở tìm hướng đi mới góp phần hồi sinh các loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một. Qua góc nhìn đầy sáng tạo của họ, công chúng trẻ không những được hiểu hơn về nghệ thuật dân tộc mà còn có thể nhìn thấy, chạm vào, một cách cụ thể, sống động. Ðó cũng là con đường để bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa của ông cha trong cuộc sống hôm nay. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, TS Lư Thị Thanh Lê, Giảng viên Việt Nam học, Trường đại học Việt - Nhật, đây chính là tín hiệu vui cho thấy xu hướng tìm về truyền thống của những người trẻ. Càng có điều kiện hội nhập sâu rộng, đón nhận văn hóa toàn cầu thuận tiện thì khi có cơ duyên tiếp cận văn hóa truyền thống, họ càng nhận diện được rõ ràng hơn những gì thuộc về nguồn cội trong sự kỳ thú xen lẫn tự hào, thôi thúc họ tái hiện lại một cách sáng tạo. Những người trẻ hôm nay không hề quay lưng với văn hóa nghệ thuật dân tộc, họ sẵn sàng yêu và gắn bó nếu tìm thấy những rung cảm thật sự…

Theo PHAN TRANG/nhandan.vn - Ngày 23/10/2021

https://nhandan.vn/dong-chay/nghe-thuat-truyen-thong-trong-long-nguoi-tre-670700/