Cập nhật: 26/10/2021 07:42:00
Xem cỡ chữ

Trong hàng tháng ròng, CNN đã điều tra về hiện tượng nhập khẩu găng tay y tế không đạt chuẩn, đã qua sử dụng từ Đông Nam Á sang Mỹ để bán lại cho các bệnh viện tại đây trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19.

Bắt quả tang hành vi phạm pháp

Những túi rác chất đầy găng tay y tế đã qua sử dụng, một số găng trong đó có thấy đã dính đất, một số thậm chí còn dính máu, nằm rải rác trên sàn một nhà kho ở ngoại ô thủ đô Bangkok, Thái Lan.

Cạnh đó là một chiếc bát nhựa đầy chất nhuộm màu xanh và một số găng tay. Các quan chức Thái Lan cho hay, các lao động nhập cư đang cố gắng “làm mới” các găng tay này, khi giới chức đột kích vào cơ sở này hồi cuối năm 2020.

Các găng tay bẩn đã qua sử dụng bị Thai FDA phát hiện trong một cuộc đột kích vào một cơ sở làm ăn gian lận ở Thái Lan. Ảnh: Thai FDA.

Các găng tay bẩn đã qua sử dụng bị Thai FDA phát hiện trong một cuộc đột kích vào một cơ sở làm ăn gian lận ở Thái Lan. Ảnh: Thai FDA.

Ngày nay (2021) vẫn có nhiều nhà kho như vậy tiếp tục hoạt động ở Thái Lan, cố gắng hốt tiền từ việc đáp ứng nhu cầu cao về các găng tay y tế làm từ chất liệu nitrile – nhu cầu này tăng vọt do đại dịch Covid-19.

Và thế rồi người ta đóng gói hàng triệu chiếc găng tay không đạt tiêu chuẩn như thế này để xuất khẩu sang Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới giữa lúc toàn cầu thiếu hụt nghiêm trọng các vật phẩm y tế đó.

Một cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng của đài CNN (Mỹ) phát hiện ra rằng hàng chục triệu găng tay nitrile giả hoặc đã qua sử dụng đã tới đất Mỹ, theo các ghi chép về nhập khẩu và các nhà phân phối đã mua số găng nay. Và đấy mới chỉ là đỉnh của tảng băng trôi. Giới chức Mỹ và Thái Lan cũng tiến hành điều tra hình sự song song về vụ việc.

Douglas Stein - một trong các chuyên gia về lĩnh vực này, nói rằng găng tay nitrile “giờ là mặt hàng nguy hiểm nhất trên Trái Đất”.

Stein nói: “Có một lượng lớn sản phẩm xấu đang tuồn vào nước Mỹ, một dòng chảy bất tận các găng tay bẩn, đã qua sử dụng và chưa đạt chuẩn. Dường như giới chức liên bang đến giờ mới chỉ bắt đầu hiểu được quy mô khủng khiếp của vấn nạn này”.

Mặc dù có nguy cơ lớn đối với các nhân viên y tế ở tuyến đầu cũng như các bệnh nhân, giới chức Mỹ vẫn loay hoay xử lý nghề buôn bán bất hợp pháp này, một phần do các quy định về nhập khẩu đồ bảo hộ đã tạm thời bị vô hiệu hóa do dịch bệnh diễn biến phức tạp và việc này vẫn kép dài cho tới nay.

Hồi tháng 2 và tháng 3/2021, một công ty Mỹ đã cảnh báo với 2 cơ quan liên bang của Mỹ (Hải quan và Quản lý dược phẩm) rằng họ đã nhận từ một công ty ở Thái Lan các lô hàng đầy các găng tay dưới tiêu chuẩn và dính đất.

Bất chấp điều đó, công ty Thái Lan trên vẫn xoay sở để xuất tiếp hàng chục triệu găng tay trong các tháng tiếp theo, một số lô hàng đến gần đây nhất là vào tháng 7/2021.

Nhu cầu tăng cao tại Mỹ về găng tay y tế

Đầu năm 2020, nhu cầu về đồ bảo hộ cá nhân (PPE) “tăng xuyên trần” khi đại dịch Covid-19 lan khắp thế giới. Và giá găng tay nitrile vẫn cao. Găng tay y tế nitriel thường được các bác sĩ và nhân viên y tế sử dụng để khám bệnh nhân. FDA (Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ) đã cấm sử dụng chất liệu powdered latex trong ngành y, còn găng tay làm từ vinyl chất lượng thấp thì phổ biến hơn trong ngành công nghiệp và chế biến thực phẩm.

Các găng tay nói trên chủ yếu được sản xuất ở Đông Nam Á, dựa trên nguồn cung có giới hạn từ các nhà máy chuyên sản xuất cao su tự nhiên. Lượng cung không thể tăng mạnh trong một sớm một chiều và việc sản xuất cho các thương hiệu lớn thì đã được đặt hàng trước nhiều năm.

Trong bối cảnh các chính phủ và các hệ thống y tế đổ xô đi kiếm găng tay y tế, hàng chục công ty ngầm liền tìm cách thu lợi nhanh chóng từ cơ hội này.

Cuối năm 2020, doanh nhân Tarek Kirschen ở Miami, đặt hàng khoảng 2 triệu găng tay từ một công ty có trụ sở ở Thái Lan tên là Paddy the Room. Sau đó doanh nhân này bán lại số găng tay trên cho một nhà phân phối tại Mỹ.

Tarek Kirschen nhớ lại: “Chúng tôi bắt đầu nhận được các cuộc gọi từ các khách hàng hết sức thất vọng. Hóa ra, đây toàn là găng tay đã sử dụng. Chúng được đem rửa để tái chế. Một số vẫn còn bẩn lắm. Một số dính cả vết máu. Một số còn in dấu ngày sản xuất cách đây 2 năm... Tôi không tin nổi vào mắt mình nữa”.

Doanh nhân Kirschen nói ông đã trả lại tiền cho khách hàng, đem chôn số găng này, và cảnh báo cho FDA vào tháng 2/2021.

Một bàn đựng thuốc nhuộm dùng để “làm mới” găng tay. Ảnh: Thai FDA.

Một bàn đựng thuốc nhuộm dùng để “làm mới” găng tay. Ảnh: Thai FDA.

Theo Kirschen, không có găng nào mà ông đặt hàng là được sử dụng trong ngành y. Nhưng một phân tích của CNN đối với các sổ sách về nhập khẩu cho thấy các nhà phân phối Mỹ khác đã tiếp nhận gần 200 triệu găng tay từ công ty Paddy the Room trong thời dịch bệnh. Không rõ chuyện gì đã xảy ra tiếp theo với số găng đó sau khi được nhập vào Mỹ.

CNN cố gắng liên lạc với tất cả các nhà nhập khẩu. Đa số không trả lời nhưng có 2 nhà nhập khẩu nói rằng các lô hàng đó là dưới tiêu chuẩn và các găng tay thậm chí không phải làm bằng nitrile. Một trong 2 công ty này, Uweport, nói với CNN rằng họ không thể bán lại số găng đã mua cho các công ty y tế như kế hoạch. Thay vào đó, họ đành bán số găng này với giá thấp hơn cho các bên chuyên cung cấp găng cho các nhà máy chế biến thực phẩm, các khách sạn và nhà hàng ở Mỹ.

Công ty còn lại, US Liberty LLC, cũng có trải nghiệm tương tự với Paddy the Room. Họ nói họ nhận được hàng từ một công ty khác ở Đông Nam Á. Họ kể, “găng bị thủng lỗ, có vết bẩn, và có các màu sắc khác nhau”.

Bị bắt chỗ này, lại chuyển sang địa điểm khác

Trong khi đó, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và thực phẩm Thái Lan (Thai FDA) đã phải vất vả đấu tranh với nạn buôn bán lừa đảo găng tay nitrile.

Khi nhân viên của Thai FDA đột kích vào cơ sở của công ty Paddy the Room vào tháng 12/2020, họ phát hiện hàng đống túi rác đầy các găng tay nhão lỏng với các màu sắc, chất liệu và chất lượng khác nhau. Công nhân tại nhà kho này đang tống các găng cũ vào các hộp Sri Trang nhái mới. Stri Trang là thương hiệu hợp pháp và nổi tiếng của một hãng sản xuất găng ở Thái Lan. Thương hiệu này cho biết, họ không làm ăn với Paddy the Room.

Thai FDA đã bắt giữ chủ nhà kho nhưng không truy tố được họ. Cuộc đột kích cũng không khiến Paddy the Room bị đóng cửa. Các tháng sau đó, Phó Tổng thư ký của Thai FDA, Supattra Boonserm, cho biết cơ quan của bà đã tiến hành đột kích tiếp vào một cơ sở tương tự.

Bà Boonserm nói: “Họ mới chuyển sang một địa điểm mới, một nhà kho mới. Vì sao lại thế? Là vì nhu cầu về găng tay vẫn cao. Vẫn có khách hàng muốn mua”.

Thai FDA cho biết họ đã tiến hành ít nhất 10 cuộc vây bắt trong các tháng gần đây và thu giữ các găng tay hàng nhái hoặc đã qua sử dụng được đóng gói lại như hàng mới. Trong vài cuộc kiểm tra như vậy, giới chức Thái Lan phát hiện công nhân các cơ sở này đang rửa găng tay rồi nhuộm lại màu cho găng.

Bà Boonserm nghi ngờ số găng này được thu mua từ Trung Quốc hoặc Indonesia rồi xuất sang Thái Lan để rửa, làm khô, rồi đóng gói lại. “Nói một cách đơn giản, đây là gian lận”./.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN lược dịch. Nguồn: CNN – 26/10/2021

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/cnn-dieu-tra-vu-my-nhap-hang-chuc-trieu-gang-tay-y-te-ban-da-su-dung-tu-dong-nam-a-900431.vov