Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã cơ bản được kiểm soát. Các hoạt động kinh tế-xã hội đang từng bước trở lại trạng thái bình thường mới.
Nhiều chủ tàu cá Kiên Giang đã và đang đưa tàu ra khơi khai thác đánh bắt, khôi phục lại hoạt động sản xuất trên ngư trường.
Tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và huyện, thành phố hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch vụ cung ứng vật tư, trang thiết bị, phương tiện tàu, xe của các doanh nghiệp khai thác, thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản, người lao động, ngư phủ làm việc trên tàu cá, cảng cá, nhà máy chế biến thủy sản... trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa đảm bảo được thông suốt, không để trì trệ chuỗi sản xuất.
Ngành chức năng phối hợp với các địa phương và chủ tàu cá, ngư dân tổ chức lại sản xuất theo tổ, đội thực hiện linh hoạt việc cung cấp lương thực, vật tư và vận chuyển sản phẩm sau khai thác về đất liền để giảm thiểu chi phí chuyến biển. Ngành y tế sắp xếp, triển khai nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng lao động trên tàu cá, làm việc trong khu vực cảng cá.
Tỉnh cũng tiếp tục đầu tư hạ tầng cảng cá đáp ứng năng lực neo đậu, lên hàng cho vùng biển Tây Nam Bộ và hoàn chỉnh các điều kiện, thủ tục công bố mở cảng, công bố cảng cá chỉ định theo Luật Thủy sản. Ngành chức năng hỗ trợ chủ tàu cá từng bước cải tiến bảo quản sản phẩm sau khai thác, cải tiến ngư cụ, khai thác có tính chọn lọc cao, nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác.
Trước tình hình khó khăn trong hoạt động khai thác thủy sản và ảnh hưởng dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chỉ đạo các sở, ngành chức năng phối hợp tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển và thực hiện hiệu quả chính sách phát triển kinh tế thủy sản. Tỉnh giao Sở Công Thương làm đầu mối, kết nối với các cơ sở kinh doanh, thu mua, chế biến thủy sản để ổn định giá cả thu mua.
Tỉnh đề nghị hệ thống ngân hàng thương mại vận dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ vay vốn hiện hành; kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp khai thác thủy sản, chủ tàu cá có nhiều khó khăn theo quy định, nhằm giúp doanh nghiệp, chủ tàu giảm bớt khó khăn về vốn, đưa tàu ra khơi khai thác đánh bắt thủy sản. Đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiến nghị Chính phủ có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ cho chủ tàu cá trong thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19.
Cùng với đó, tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang khẩn trương xây dựng đề án khôi phục ngành khai thác thủy sản chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; trong đó, đánh giá sâu thực trạng, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong từng lĩnh vực ngành nghề và đề ra các giải pháp hữu hiệu phục hồi và phát triển ngành kinh tế này trong thời gian tới.
Kiên Giang là một trong những tỉnh có nghề khai thác thủy sản khá phát triển, với đoàn tàu cá lớn hoạt động thuộc 5 nhóm nghề chính gồm: lưới kéo, lưới vây, lưới rê, nghề câu và hậu cần nghề cá. Hiện nay, tỉnh đã thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) cho 99,15% tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, từ đầu năm đến nay, nhất là trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19, số lượng tàu cá sau khi khai thác thủy sản về cập các cảng của tỉnh giảm hơn 50% so với trước khi thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg; giá sản phẩm thủy sản giảm mạnh từ 20 - 40%, thậm chí có những mặt hàng giảm đến 50% nhưng vẫn không có thương lái mua, trong khi đó giá dầu tăng trên dưới 3.000 đồng/lít.
Số lượng tàu cá có lợi nhuận thấp ít hơn số tàu bị thua lỗ sau chuyến biển nên từ thời điểm giữa tháng 9/2021 trở đi đã có khoảng 40% số tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên của tỉnh nằm bờ, ngừng hoạt động do đánh bắt thua lỗ, thiếu lao động trên tàu, thiếu vốn cho tàu ra khơi khai thác, nguồn lợi thủy sản suy kiệt…
Nhiều chủ tàu cá ở tỉnh Kiên Giang cho biết, những tàu cá đã hoạt động dài ngày trên biển từ 3 - 4 tháng trở lên quay về đất liền, nhưng việc huy động lao động mới phục vụ khai thác đánh bắt cho chuyến biển tiếp theo gặp nhiều khó khăn và gần như không có ngư phủ. Hoạt động hậu cần nghề cá đình trệ, tài chính của chủ tàu gặp nhiều khó khăn... dẫn đến tàu nằm bến, tạm ngừng hoạt động.
Nhiều chủ tàu cố gắng cầm cự cho tàu hoạt động trên biển, nhưng giá sản phẩm thủy sản giảm sâu, hiệu quả kinh tế kém nên cũng chỉ duy trì được thời gian ngắn buộc phải cho tàu nằm bến. Hiện nay, hầu hết các chủ tàu bán sản phẩm cho các chủ vựa, các mối lái quen, nhưng chủ yếu là bán cho nợ nên xoay vòng đồng vốn khó khăn, ngư dân gặp khó khăn về tài chính, nhất là việc tái hoạt động khai thác trên ngư trường.
Ngoài ra, không ít chủ tàu ở Kiên Giang e ngại dịch COVID-19 nên không cho tàu hoạt động khai thác trong thời gian dịch bệnh chưa thực sự ổn định. Vì nếu có lao động nhiễm bệnh khi đang khai thác trên biển thì vốn đầu tư xem như mất trắng do phải đưa người lao động về bờ điều trị bệnh, tàu không thể tiếp tục hoạt động.
Tình hình tàu cá nằm bờ gia tăng và kéo dài sẽ làm phát sinh chi phí cho các chủ tàu cá như: chi phí giữ tàu, sửa chữa tàu do không hoạt động lâu sẽ gây hư hỏng và ảnh hưởng đến an sinh, kinh tế - xã hội; phát sinh lao động nhàn rỗi, sản lượng khai thác đánh bắt giảm, thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu dẫn đến các nhà máy chế biến hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa, tạm ngừng hoạt động.
Theo Lê Huy Hải (TTXVN) - Ngày 25/10/2021
https://baotintuc.vn/bien-dao-viet-nam/ho-tro-tao-thuan-loi-cho-ngu-dan-vuon-khoi-tro-lai-20211025153916393.htm