Thời gian qua, những người yêu thích điện ảnh ở Việt Nam đã dành khá nhiều sự quan tâm đối với dòng phim độc lập trong nước. Dù có một số đóng góp nhất định, song so với tiềm năng phim độc lập vẫn chưa thật sự chinh phục được khán giả trên chính "sân nhà". Ngoài những lý do khách quan, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng dòng phim này còn không ít bất cập về đề tài, nội dung, cách thể hiện,... khiến nỗ lực của các nhà làm phim độc lập cũng như kỳ vọng của khán giả chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Một cảnh trong phim "Bi, đừng sợ!" của đạo diễn Phan Đăng Di.
Thời gian qua, những người yêu thích điện ảnh ở Việt Nam đã dành khá nhiều sự quan tâm đối với dòng phim độc lập trong nước. Dù có một số đóng góp nhất định, song so với tiềm năng phim độc lập vẫn chưa thật sự chinh phục được khán giả trên chính "sân nhà". Ngoài những lý do khách quan, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng dòng phim này còn không ít bất cập về đề tài, nội dung, cách thể hiện,... khiến nỗ lực của các nhà làm phim độc lập cũng như kỳ vọng của khán giả chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Tuy dòng phim độc lập không còn mới mẻ đối với công chúng Việt Nam, nhưng trên thực tế, nhiều người còn hiểu khá mơ hồ, thậm chí cho rằng đó là phim không chiếu rạp, không doanh thu. Về quan niệm chung, phim độc lập là dự án điện ảnh không thuộc các hãng phim lớn và người thực hiện phải tự tìm kinh phí sản xuất, tự quảng bá, phát hành. Nhiều đạo diễn trẻ, tên tuổi còn quá mới đã lựa chọn cách làm phim này như một lối đi riêng, nhằm xác lập tên tuổi của họ.
Thời gian qua, mặc dù dịch Covid-19 khiến nhiều ngành nghề lao đao nhưng ở Việt Nam, nhiều tác giả làm phim độc lập vẫn nỗ lực cho ra mắt cả phim điện ảnh và phim tài liệu. Tiêu biểu có thể kể đến: "Ròm" (đạo diễn Trần Thanh Huy), "Mây nhưng không mưa" (đạo diễn Vũ Minh Nghĩa và Phạm Hoàng Minh Thy), "Thiên đường gọi tên - Dòng sông không nhìn thấy - An act of Affection" (đạo diễn Dương Diệu Linh, Phạm Ngọc Lân, Việt Vũ), "Đoạn trường vinh hoa" (đạo diễn Lê Mỹ Cường), "Màu cỏ úa" (đạo diễn Lan Nguyên)…
Có thể thấy phim độc lập đã có một số đóng góp nhất định với điện ảnh Việt Nam, khi mang đến thêm những góc nhìn, tiếng nói khá trẻ trung và đa dạng. Một số phim tham dự các liên hoan phim quốc tế ít nhiều để lại ấn tượng tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam với khán giả nước ngoài với những cảnh quay, câu chuyện khá hấp dẫn và sinh động. Tuy nhiên, dòng phim này vẫn chưa thật sự có được nhiều khán giả trên chính "sân nhà".
Có nhiều nguyên nhân, trong đó đầu tiên phải kể đến việc tìm kiếm cơ hội làm phim và ra rạp đối với các nhà làm phim độc lập không hề đơn giản. Thậm chí, quá trình này được ví như "tay không bắt giặc", bởi vô vàn khó khăn, từ khâu tìm kinh phí thực hiện đến tìm đơn vị chấp nhận phát hành, rồi chi phí quảng bá. Không phải đơn vị phát hành nào cũng dám "liều lĩnh" với một tác phẩm dán nhãn phim độc lập. Nguyên do vì đạo diễn còn ít tên tuổi, thiếu diễn viên "ngôi sao", truyền thông kém hiệu quả, một số phim có nội dung nặng nề, nhà làm phim quá coi trọng yếu tố nghệ thuật, và cách thức truyền tải có phần đánh đố khán giả nên không tạo được sự hấp dẫn với số đông công chúng…
Ngoài ra, sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý đối với các nhà làm phim độc lập bằng cơ chế, chính sách vẫn mới chỉ dừng lại ở các dự định. Như Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, dù đã có tới 11 năm bàn thảo, lấy ý kiến đóng góp song đến nay vẫn im hơi lặng tiếng.
Các năm trước, thành công của một số nhà làm phim độc lập là người Việt ở nước ngoài như Trần Anh Hùng - người Pháp gốc Việt, Timothy Linh Bùi - người Mỹ gốc Việt, và tiếp đó là đạo diễn Phan Đăng Di ở trong nước… phần nào đã tạo cú huých và sự kỳ vọng về các đạo diễn trẻ làm phim độc lập. Từ đây, một số tác phẩm điện ảnh thuộc dòng phim độc lập đã mạnh dạn ra mắt. Tuy nhiên, giá trị thực về giải thưởng của một số bộ phim đã được quảng bá quá mức nên gây nhiều tranh cãi.
Có phim nhận giải thưởng phụ tại liên hoan phim quốc tế nhưng khi về nước, cách thông tin lại khiến nhiều người lầm tưởng về giá trị thật của giải thưởng. Ngay cả phim "Vị" của đạo diễn Lê Bảo được trao giải đặc biệt của Ban giám khảo ở hạng mục Encounters (Những cuộc gặp gỡ) tại Liên hoan phim Berlin lần thứ 71 cũng thực ra là hạng mục giải thưởng nhằm thúc đẩy nhà làm phim độc lập sáng tạo về cấu trúc, thẩm mỹ, áp dụng những quan điểm mới trong điện ảnh.
Về bản chất, Encounters là hạng mục có tính giao lưu, như sự ghi nhận, động viên của Ban tổ chức, Ban giám khảo, còn hạng mục chính thức của Liên hoan phim Berlin là Competition sẽ chọn và trao giải Gấu Vàng, Gấu Bạc. Theo Cục trưởng Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vi Kiến Thành, thang giá trị của các giải thưởng khác nhau vì mỗi nền văn hóa có giá trị chuẩn mực khác nhau, do đó nhiều phim được giải quốc tế nhưng chưa chắc được hội đồng thẩm định và công chúng trong nước đánh giá cao.
Bên cạnh đó, dù đề tài của dòng phim độc lập đã có nhiều đổi mới, gần gũi với người xem hơn, nhưng do một số nhà làm phim độc lập chọn góc nhìn khá u tối, dị biệt để phản ánh nên thiếu hấp dẫn, không gần gũi với cuộc sống cũng như văn hóa dân tộc, thậm chí ít nhiều còn gây nên hiệu ứng ngược từ phía khán giả do làm xấu đi hình ảnh đất nước, văn hóa con người Việt Nam.
Có thể các kiểu đề tài như vậy dễ được một số giám khảo các liên hoan phim quốc tế quan tâm, nhưng theo nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt, chính cách suy nghĩ này lại khiến một số nhà làm phim Việt Nam đã tự khu biệt mình, áp mình vào khuôn khổ của các liên hoan phim quốc tế, để rồi cuối cùng huyễn hoặc mình với những giải thưởng. Vì thế, phim ra mắt thường "khó xem", ít nhận được sự đồng cảm của khán giả trong nước. Ngoài ra, một số phim các tác giả muốn tăng sự thu hút bằng "cảnh nóng", song lại không phù hợp, khiên cưỡng, chưa kể một số cảnh quay còn thô tục, phản cảm, không phù hợp cảm quan thẩm mỹ và truyền thống văn hóa của người Việt Nam cũng tạo nên hiệu ứng ngược từ phía khán giả.
Hiện tượng một số nhà làm phim độc lập bất chấp quy định phim dự thi quốc tế cần qua thẩm định, xin giấy phép phổ biến của Cục Điện ảnh đang có chiều hướng gia tăng cũng là vấn đề cần được đặt ra. Dù biết quy định của cơ quan chức năng, nhưng một số nhà làm phim vẫn tự ý gửi tác phẩm dự thi quốc tế trước khi xin phép, sẵn sàng chấp nhận nộp phạt. Điển hình như phim "Ròm" bị phạt 40 triệu đồng vì nhà sản xuất đã gửi phim dự Liên hoan phim Busan khi chưa được Cục Điện ảnh cấp phép phổ biến.
Không những thế, dù Cục Điện ảnh yêu cầu rút phim về nhưng nhà sản xuất vẫn tiếp tục tham dự liên hoan phim. Tương tự, phim "Vị" bị phạt 35 triệu đồng vì tham dự Liên hoan phim Berlin khi chưa xin cấp phép phổ biến. Dù có nhiều lý do đã được đưa ra nhưng hiện tượng "tiền trảm hậu tấu" bất chấp quy định lặp lại ở một số phim độc lập như vậy đang tạo ra tiền lệ xấu trong hoạt động nghệ thuật.
Để phim độc lập phát triển lành mạnh, rất cần sự chia sẻ, đồng hành từ các đơn vị phát hành, xã hội như có sự hỗ trợ thiết thực cho nhà làm phim độc lập thông qua các quỹ đầu tư hỗ trợ phát triển điện ảnh, có hệ thống phát hành cho phim độc lập, tạo hành lang pháp lý cần thiết… Tuy nhiên, quan trọng hơn, để một bộ phim độc lập tiếp cận được với công chúng cần có tài năng, sự nỗ lực, tâm huyết và đam mê đến tận cùng của người làm phim. Câu chuyện của đạo diễn Cao Thúy Nhi cùng các đồng sự làm phim "Nhắm mắt thấy mùa hè" phần nào minh chứng cho điều đó. Ê-kíp làm phim đã từng mang dự án phim của họ đi "gõ cửa" và nhận được vô số lời từ chối, nhưng sau nhiều nỗ lực, ê-kíp đã nhận được sự đồng ý của nhà tài trợ.
Hay Jack Cary On (tên thật là Trịnh Tài Việt) - một đạo diễn trẻ, đã mang kịch bản phim của mình đến rất nhiều nơi với niềm tin có thể làm ra một tác phẩm vừa thu hút được công chúng mà vẫn thỏa mãn được cảm quan nghệ thuật mang dấu ấn cá nhân, rốt cục Jack đã may mắn có được tài trợ cho bộ phim của riêng mình sau rất nhiều lần thất bại. Đáng mừng là công chúng đã ngày càng dành nhiều quan tâm đến dòng phim độc lập. Đây cũng được coi như một sự "đền đáp" cho nỗ lực của các nhà làm phim độc lập.
Như mọi loại hình nghệ thuật khác, điện ảnh cần phải hướng đến công chúng, đáp ứng nhu cầu lành mạnh của công chúng. Và phim độc lập cũng không thể là ngoại lệ. Vì thế, để phim độc lập tìm được chỗ đứng trong lòng khán giả, bên nỗ lực đổi mới đề tài, cách thể hiện,… nên chăng các nhà làm phim độc lập cũng cần lựa chọn những câu chuyện gần gũi đời thường, giàu tính nhân văn, hấp dẫn người xem.
Về điều này, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã rất thẳng thắn khi cho rằng: "Dân tộc nào, đất nước nào cũng có bản năng tự vệ văn hóa. Tôi nghĩ các nhà làm phim nên nhìn nhận lại vấn đề, đừng chiều chuộng những đôi mắt tò mò của một bộ phận giám khảo nước ngoài đầy định kiến với đất nước, xã hội và văn hóa Việt. Lịch sử Việt Nam với những khúc mắc mang tính định mệnh đã tạo nên một dân tộc mềm mại như nước, kiên cường như nước. Bản sắc ấy có dư địa vô cùng rộng lớn để khai thác và xây dựng những câu chuyện đẹp".
Theo KHÁNH MINH/nhandan.vn – 5/11/2021
https://nhandan.vn/dien-dan/tim-cho-dung-cho-phim-doc-lap-672582/