Cập nhật: 08/11/2021 07:39:00
Xem cỡ chữ

TP. Đà Nẵng sẽ là địa phương đầu tiên trong 4 địa phương trên cả nước triển khai chương trình “Thành phố sạch, đại dương xanh”.

Hội thảo giới thiệu chương trình “Thành phố sạch, đại dương xanh” (CCBO). Ảnh VGP/Lưu Hương

Ngày 2/11, TP. Đà Nẵng tổ chức Hội thảo giới thiệu chương trình “Thành phố sạch, đại dương xanh” (CCBO).

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với 14 điểm cầu từ các cơ quan Trung ương, các tổ chức, đối tác như: Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI), Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam...

“Thành phố sạch, đại dương xanh” là chương trình của USAID nhằm chống ô nhiễm nhựa đại dương, triển khai trong 5 năm (2019-2024). Chương trình hoạt động trên toàn cầu, nhằm giảm thiểu các nguồn rác thải nhựa trực tiếp đổ vào đại dương, tập trung vào các khu vực đô thị hóa nhanh chóng, ước tính khoảng 8 triệu tấn nhựa đổ vào đại dương mỗi năm.

TP. Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong 4 địa phương trên cả nước triển khai chương trình “Thành phố sạch, đại dương xanh”. Hoạt động của chương trình tại Đà Nẵng bao gồm: Hỗ trợ chính quyền thực hiện Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương; hỗ trợ thực hiện các sáng kiến thúc đẩy chống ô nhiễm rác thải nhựa về trang thiết bị, tư vấn, theo đề xuất; hỗ trợ thực hiện Dự án “Tăng cường hợp tác công- tư trong việc tái chế, phục hồi rác thải và kinh tế tuần hoàn tại Đà Nẵng”...

Chung tay làm sạch biển. Ảnh VGP/Lưu Hương

Trong đó, Dự án “Tăng cường hợp tác công – tư trong việc tái chế, phục hồi rác thải và kinh tế tuần hoàn tại Đà Nẵng” có ngân sách 161.000 USD, dự kiến thực hiện trong 20 tháng (từ tháng 12/2021 đến tháng 7/2023).

Các hoạt động chính của dự án gồm: Cải thiện việc thu hồi rác thải tái chế; nâng cao năng lực cho người, đơn vị thu gom rác; kết nối thị trường rác tái chế thông qua thương mại số; tài liệu hóa và chia sẻ mô hình.

Để chương trình triển khai có hiệu quả, TS. Phạm Phú Song Toàn, Đại học Đà Nẵng cho rằng, thành phố cần triển khai hiệu quả, đồng bộ về cách thức thu gom, phân loại rác thải đến từng quận huyện, phường xã. Trước hết cần can thiệp ngay bằng khoa học công nghệ như: Bẫy rác ngay tại cống, thu gom rác trên cửa sông để giảm đáng kể lượng rác ra biển.

Ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng đề nghị các cấp chính quyền, sở, ngành, địa phương cần ưu tiên hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn phân loại rác thải nhựa trong cộng đồng; lưu ý tuyên truyền, vận động thay đổi ý thức cho đối tượng học sinh, sinh viên. Đồng thời mong muốn các sở, ngành chủ động phối hợp, chia sẻ, trao đổi thông tin để Sở thúc đẩy, triển khai có hiệu quả, vận dụng hết nguồn hỗ trợ của chương trình CCBO.

Chương trình “Thành phố sạch, đại dương xanh” (CCBO) hoạt động để giảm ô nhiễm nhựa đại dương bằng cách: Khuyến khích tái chế nhựa thông qua các chính sách và quan hệ đối tác với khu vực tư nhân, đồng thời trao quyền cho phụ nữ và bảo vệ người lao động; nâng cao năng lực của chính quyền địa phương và quốc gia để cải thiện quản lý chất thải rắn và một nền kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy đổi mới và đầu tư vào các mô hình kinh doanh, công nghệ và cơ sở hạ tầng phù hợp với địa phương; xây dựng sự thay đổi hành vi và xã hội về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế.

Theo Lưu Hương/baochinhphu.vn - 2/11/2021

https://baochinhphu.vn/Bien-Viet-Nam/Da-Nang-trien-khai-chuong-trinh-Thanh-pho-sach-dai-duong-xanh/451764.vgp