Cập nhật: 08/11/2021 13:47:00
Xem cỡ chữ

Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, bên cạnh gần 20.000 người chết vì Covid-19, còn nhiều trường hợp không được chăm sóc y tế tốt trong giai đoạn này và có thể gián tiếp ra đi vì Covid-19. Vì vậy, cần tập trung hơn về vấn đề y tế cơ sở.

Sáng 8/11, ngày đầu tiên của đợt họp tập trung, Quốc hội thảo luận trên nghị trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và công tác phòng, chống dịch.

Hầu hết các đại biểu đánh giá cao vai trò của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, ngành cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể nhân dân, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, các tình nguyện viên đã chủ động tham gia tích cực, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch. 

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (tỉnh Bình Thuận) cho rằng, thời gian qua, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã quan tâm quyết liệt chỉ đạo vận động để có vaccine Covid-19 tiêm chủng miễn phí cho nhân dân như thành lập quỹ vaccine, tích cực triển khai ngoại giao vaccine, tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng với quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam. Ngành y tế không ngại khó khăn nguy hiểm, luôn đi đầu trong phòng, chống dịch, đã tập trung mọi nguồn lực quyết liệt để triển khai các biện pháp cấp bách như xây dựng và ban hành các hướng dẫn chuyên môn để thực hiện có hiệu quả công tác truy vết, xét nghiệm, tổ chức công tác tiếp nhận và phân tầng điều trị và đã điều trị thành công cho nhiều trường hợp mắc bệnh nặng.

Lực lượng vũ trang đã vượt qua mọi khó khăn vất vả luôn là lực lượng xung kích, trách nhiệm trên tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch, đã kịp thời điều động quân đội, chi viện giúp đỡ cho thành phố Hồ Chí Minh trong công tác chống dịch Covid-19. Huy động tối đa các nguồn lực tài chính, trang thiết bị về nguồn ngân sách nhà nước để vận động tài trợ, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, Chính phủ, các nước cho công tác chống dịch.

Tuy nhiên, theo nữ đại biểu, bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng, chống dịch còn bộc lộ nhiều hạn chế. Dự báo tình hình dịch Covid-19 có lúc chưa sát với thực tiễn, có nơi còn lơ là, cứng nhắc trong việc chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể.

Đại biểu Linh cho rằng, Việt Nam là 1 trong 4 nước đầu tiên trên thế giới đã phân lập được virus nhưng việc sản xuất Kit xét nghiệm còn yếu, không đủ cung cấp trong nước và phải nhập xuất khẩu với số lượng rất lớn, khiến việc tầm soát tốn kém. Việc phân bổ số lượng vaccine cũng chưa đồng đều, nhiều địa phương ở vùng nguy cơ cao lượng vaccine phân bổ cũng còn ít. Bên cạnh đó, hệ thống y tế cũng còn bộc lộ những yếu kém, nhất là y tế tại cơ sở cũng chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch xảy ra và số lượng bác sĩ vẫn còn thấp. Nhân lực y tế tại chỗ cũng chưa đáp ứng được yêu cầu.

 Xem lại về thực trạng y tế cơ sở, hệ thống y tế cơ sở

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan.

Cũng đề cập đến hệ thống y tế cơ sở, nêu ý kiến với báo cáo phòng, chống dịch của Chính phủ, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) nhìn nhận Việt Nam đã tương đối kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, theo bà, bên cạnh gần 20.000 người chết vì Covid-19, còn nhiều trường hợp không được chăm sóc y tế tốt trong giai đoạn này và có thể gián tiếp ra đi vì Covid-19.

Theo bà Phong Lan, phải xem lại về thực trạng y tế cơ sở, hệ thống y tế cơ sở. “Bản thân tôi tham gia đại biểu Quốc hội đến nay là khóa thứ ba và chúng tôi nhớ trong tất cả các khóa chỉ có 1 chỉ tiêu 30% ngân sách dành cho y tế dự phòng, y tế cơ sở nhưng số địa phương thực hiện được điều này vẫn còn đếm trên đầu ngón tay, chưa kể 30% đó cũng không đáng kể gì nếu so với cái cần thiết, nhu cầu của người dân. Chúng ta phải có phân bổ như thế nào để thật sự đáp ứng với quy mô dân cư chứ không phải chỉ trên vấn đề phân chia về địa lý” - bà Lan nêu rõ. 

Đại biểu TP.HCM cho rằng Chính phủ cần có chính sách, chủ trương xuyên suốt và chỉ đạo Bộ Y tế về xây dựng quan điểm phòng chống dịch.

“Bộ Y tế đã rất cực khổ, không chỉ làm nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn cho các địa phương, mà Bộ Y tế cũng đã thực sự vào cuộc. Về y tế cơ sở, tôi nghĩ không phải chỉ vấn đề về tiền, mà còn vấn đề về nhân lực” - đại biểu Lan nhấn mạnh.

Theo bà, hiện chính sách của Việt Nam còn chắp vá, thường xuyên thay đổi về tổ chức. Ví dụ khoảng năm 2006-2007, từ các trung tâm y tế của các quận huyện, chúng ta chia ra thành bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng và phòng y tế, tức “đã yếu mà còn chia ra”. Còn hiện nay, ngay cả tại TP.HCM, theo chỉ đạo thì tất cả trung tâm y tế dự phòng và các bệnh viện thuộc quận, huyện lại trực thuộc Sở Y tế. Như vậy, UBND của các địa phương sẽ rất khó khăn trong việc điều phối lực lượng và thực sự đơn vị phụ trách công tác y tế ở địa phương chính là phòng y tế, trong khi phòng y tế chỉ làm chức năng quản lý Nhà nước.

Một bộ phận cán bộ ở cơ sở còn lơ là, chủ quan trong chống dịch

Đề cập đến vấn đề thực thi công vụ trong phòng chống dịch, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho rằng vẫn có những bất cập ở nhiều nơi. Điển hình như việc Chính phủ chỉ đạo thống nhất lưu thông hàng hóa, thông suốt giao thông vận tải, không ban hành giấy phép con, không cát cứ, nhưng ở một số địa phương đã đặt ra yêu cầu cao hơn, vượt quá mức cần thiết, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. "Trong khi lãnh đạo Chính phủ thì sát sao chỉ đạo, thì một bộ phận cán bộ ở cơ sở còn lơ là, chủ quan trong chống dịch. Đây có thể là căn bệnh trầm kha ở một số nơi, nhưng đến thời kỳ dịch bệnh càng bộc lộ rõ hơn" - đại biểu Hoa cho hay.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định)

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định)

Đặc biệt, đại biểu cũng nêu thực trạng có một số cán bộ địa phương đã có hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch như đi đánh golf trong thời gian giãn cách xã hội, khi bị phát hiện lại khai báo không trung thực; có trường hợp xô xát giữa cán bộ với nhân viên lấy mẫu xét nghiệm; hoặc có trường hợp cán bộ thi hành công vụ còn xa rời thực tế, chưa bám sát nhu cầu của người dân như việc coi bánh mì không phải là mặt hàng thiết yếu…Một số cán bộ địa phương vào nhà dân, bắt ép 1 người phụ nữ làm xét nghiệm Covid-19.

“Những vấn đề này tạo ra hình ảnh phản cảm, làm mất uy tín của chính quyền. Tôi cho rằng với bất kỳ vấn đề gì thì cán bộ phải nêu gương, chấp hành trước” - bà Hoa nói.

Theo đại biểu, với bất gì việc gì, phải tạo đồng thuận của người dân. Trong tình thế cấp thiết, với vi phạm thì phải xem xét xử lý hành chính, thậm chí là xử lý hình sự; tránh xử lý cảm tính, bất chấp quy định pháp luật.

Việc đưa ra quyết sách, biện pháp gì phải cân nhắc việc bảo đảm sức khỏe, tính mạng và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân lên trên hết, trước hết. Khi chính quyền đã đưa ra quyết sách đúng, vì lợi ích chung, hợp lòng dân thì dân luôn ủng hộ và chấp hành, kể cả những việc khó khăn, gây bất tiện cho cuộc sống hàng ngày của họ.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cũng ủng hộ quan điểm của Thủ tướng là thay đổi tư duy và cách chống dịch theo hướng quản lý rủi ro, chứ không theo đuổi chính sách "không Covid". Nhiều quốc gia trên thế giới cũng xác định cần thích ứng an toàn và lâu dài với Covid-19. Vì vậy, theo đại biểu, trước mắt cần thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid 19". Đồng thời, cần khẩn trương hoàn thiện Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả đại dịch Covid 19, trong tình hình mới. Theo đó cần thực hiện 6 mục tiêu lớn, gồm 1 tăng, 2 giảm, 3 bảo đảm. Cụ thể: Tăng tỷ lệ bao phủ vaccine; Giảm tỷ lệ người mắc Covid-19; Giảm tỷ lệ tử vong vì Covid 19; Bảo đảm phục hồi KT-XH gắn với tình hình kiểm soát dịch bệnh; Bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội; Bảo đảm xử lý hiệu quả một số vấn đề mới phát sinh như: sức khỏe tinh thần của người dân; tình trạng thiếu lương thực ở 1 bộ phận người dân nghèo; tình trạng gia tăng người vô gia cư tại một số thành phố lớn…/.

Theo Minh Khánh/VOV.VN - 8/11/2021

https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/tu-dich-covid-19-dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-xem-lai-thuc-trang-y-te-co-so-903549.vov