Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 433.100 ca mắc mới và 5.335 ca tử vong. Mỹ là nước có số ca nhiễm mới cao nhất thế giới, trong khi Nga là nước có số ca tử vong cao nhất trong ngày qua.
Nhân viên an ninh kiểm tra chứng nhận COVID-19 của khách tham quan tại Rome (Italy), ngày 6/8/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng ngày 23/11 (giờ Việt Nam), trên toàn thế giới có 258.347.405 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.173.988 ca tử vong. Số ca hồi phục là 233.805.596 và vẫn còn 19.367.821 ca đang điều trị, trong đó có 80.366 ca nặng.
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 433.100 ca mắc mới và 5.335 ca tử vong. Mỹ là nước có số ca nhiễm mới cao nhất thế giới, với 63.990 ca, trong khi Nga là nước có số ca tử vong cao nhất với 1.241 ca chỉ trong vòng một ngày qua.
Trong bối cảnh dịch bệnh đang quay trở lại hoành hành tại châu Âu, một số nước tiếp tục đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza tuyên bố người dân Italy có thể tiêm liều vaccine tăng cường sau 5 tháng kể từ khi hoàn thành chu kỳ tiêm vaccine đầu tiên. Đối tượng có thể tiêm liều thứ 3 là những người từ 40 tuổi trở lên. Trong khi đó, Italy dự kiến sẽ thắt chặt các quy định về "thẻ xanh" từ tháng 12 tới, khi tỷ lệ lây nhiễm và nhập viện tiếp tục tăng.
Theo đài truyền hình quốc gia Rai, Thủ tướng Mario Draghi đang họp với các nhà lãnh đạo vùng để thảo luận về một nghị định mới của chính phủ về “siêu thẻ xanh,” những biện pháp hạn chế mới đối với những người chưa tiêm vaccine, trong bối cảnh tình hình đại dịch COVID-19 ngày càng phức tạp, nhất là ở khu vực Đông Bắc Italy.
Hiện tại, toàn bộ các khu vực ở Italy vẫn được xếp là “vùng trắng” có nguy cơ lây nhiễm thấp nhất. Tuy nhiên, một số khu vực hiện đã gần đến ngưỡng mà họ có khả năng bị chuyển thành "vùng vàng" vào tuần tới và nếu tình hình tiếp tục xấu đi thì có nguy cơ bị áp dụng các hạn chế đối với “vùng cam” sau 2 tuần nữa.
Đức: Nguy cơ phong tỏa cục bộ
Tại Đức, trong bối cảnh số ca mắc mới không ngừng gia tăng, có nguy cơ đẩy các hoạt động kinh tế-xã hội của Đức vào tình trạng phong tỏa cục bộ, hệ thống y quá tải trầm trọng, Đức đã tính đến phương án áp đặt quy định tiêm chủng bắt buộc.
Bộ trưởng Y tế Jens Spahn tuyên bố không loại trừ khả năng Đức sẽ áp đặt quy định tiêm chủng bắt buộc trong tương lai. Quyết định này chưa thể đưa ra ngay lập tức, nhưng quan điểm tiêm chủng bắt buộc đang ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ từ cả các nhà khoa học và chính giới Đức.
Chủ tịch Viện Robert Koch (RKI) Lothar Wieler mặc dù không hoàn toàn ủng hộ việc tiêm chủng bắt buộc nhưng nhấn mạnh: “Đây có thể được coi là biện pháp cuối cùng. Chúng tôi phải đảm bảo rằng ngày càng có nhiều người tiêm chủng càng tốt để tăng số người đã hoàn thành việc tiêm chủng cơ bản.”
Tỷ lệ tiêm chủng tại Đức, dù đã có dấu hiệu tích cực hơn trong vài ngày qua, song tính đến ngày 21/11, mới chỉ có 68% (khoảng 56,5 triệu người) trong tổng dân số đã được tiêm chủng đầy đủ. Theo số liệu thống kê mới nhất của RKI, tỷ lệ mắc COVID-19 trong 7 ngày qua tại Đức là 386,5/100.000, mức cao mới trong ngày thứ 15 liên tiếp.
Thủ tướng Bỉ và 4 bộ trưởng thực hiện cách ly
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo và 4 bộ trưởng trong chính phủ nước này ngày 22/11 đã thực hiện cách ly sau khi Thủ tướng Pháp Jean Castex có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.
Thông báo của Chính phủ Bỉ cho biết Thủ tướng Alexander De Croo và 4 bộ trưởng nói trên sẽ tiến hành xét nghiệm PCR và duy trì cách ly đến khi có kết quả âm tính trở lại. Trước đó, những quan chức này đã tham gia một cuộc họp với Thủ tướng Jean Castex và các quan chức cấp cao khác của Pháp.
Nhân viên giao hàng đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Berlin (Đức). (Ảnh: THX/TTXVN)
Trong khi đó, ở khu vực châu Phi, Kenya đã công bố quy định mới về y tế, theo đó người dân nước này sẽ phải chứng minh rằng họ đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 để được tiếp cận với các dịch vụ công, phương tiện giao thông công cộng và các địa điểm công cộng như công viên quốc gia, quán bar và nhà hàng.
Theo Bộ trưởng Y tế Kenya Mutahi Kagwe, nước này sẽ yêu cầu người dân xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng từ ngày 21/12 tới và đang lên kế hoạch cho một chiến dịch tiêm chủng đại trà kéo dài 10 ngày, bắt đầu từ ngày 26/11.
Theo quan chức này, Kenya đã chứng kiến sự "giảm rõ rệt" về số ca bệnh nặng và số ca tử vong, với tỷ lệ khả quan trong 14 ngày qua, dao động từ 0,8-2,6%. Kể từ khi đại dịch bắt đầu đến nay, quốc gia Đông Phi này đã ghi nhận tổng cộng 254.629 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 5.325 người tử vong.
Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 2,4 triệu người, tức chưa đến 9% người trưởng thành của Kenya, đã được tiêm chủng, trong khi mục tiêu của chính phủ là 30 triệu người được tiêm chủng vào cuối năm nay./.
Theo Trần Quyên (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/hon-258-trieu-ca-mac-covid19-tren-the-gioi-dich-hoanh-hanh-o-chau-au/755504.vnp