Các biến thể phát triển liên tục kể từ khi xuất hiện SARS-CoV-2: biến thể Delta được phát hiện tại Ấn Độ, biến thể Gamma xuất hiện đầu tiên ở Brazil, trong khi biến thể Beta và Omicron là tại Nam Phi.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tại Melbourne, Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Sự xuất hiện của biến thể Omicron (B.1.1.529) của virus SARS-CoV-2 ở Nam Phi được cho là có khả năng lây lan và kháng vaccine cao hơn các biến thể trước đang khiến cả thế giới lo ngại.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là ngoài biến thể Alpha xuất hiện đầu tiên ở Vương quốc Anh, nhiều biến thể mới khác của virus SARS-CoV-2 lại được phát hiện ở các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới.
Đơn cử như biến thể Delta được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ, biến thể Gamma xuất hiện đầu tiên ở Brazil, trong khi biến thể Beta và Omicron là tại Nam Phi.
Tại thời điểm hiện tại, sự xuất hiện các biến thể mới ở các nước trên có thể là do tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Thực tế cho thấy tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 ở các nước giàu hơn hiện nay đều đạt mức cao, qua đó hạn chế khả năng virus tạo ra các đột biến mới.
Trong khi đó, các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp hoặc người dân có tâm lý do dự tiêm vaccine ngừa COVID-19 lại vô tình tạo cơ hội cho SARS-CoV-2 tìm ra “cách thức mới” để vượt qua các hàng rào bảo vệ và biến đổi.
Trong khi những quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Italy, Hàn Quốc và Canada có thể tự hào rằng gần 70% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, số liệu của hãng tin Bloomberg cho thấy có tới 110 trong số 200 quốc gia và vùng lãnh thổ lại có chưa tới 50% dân số đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.
Trong số đó, 64 quốc gia thậm chí có tỷ lệ tiêm phòng chưa đạt 25%, trong đó có Nam Phi. Ấn Độ mới chỉ có 31% dân số đã tiêm đủ liều, trong khi Nga là 37%.
Trong số 37 quốc gia với tỷ lệ tiêm vaccine đầy đủ chưa đến 10% có tới 32 quốc gia thuộc khu vực Nam sa mạc Sahara ở châu Phi.
Trong thư gửi lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), những người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Di cư quốc tế và Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn đã nhấn mạnh tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận và tiêm vaccine ngừa COVID-19 đang khiến thế giới trả giá bằng chính mạng sống của người dân mỗi ngày, đồng thời tiếp tục đẩy con người đối mặt với nhiều rủi ro.
Dù vẫn còn quá sớm để xác định được việc mức độ ảnh hưởng của biến thể Omicron, song các nhà khoa học cho biết với số lượng đột biến cao bất thường, Omicron có thể né tránh phản ứng miễn dịch của cơ thể, đồng thời làm tăng khả năng lây lan.
Biến thể này có thể lây lan nhanh ở những người chưa được tiêm phòng, hay thậm chí phá vỡ khả năng miễn dịch ở những người đã từng mắc COVID-19 hoặc đã tiêm chủng.
Khi khả năng miễn dịch tự nhiên hoặc được hình thành sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 tăng lên, quá trình tiến hóa của virus sẽ ngày càng phải “khôn khéo” hơn để né tránh sự phòng thủ của con người.
Cho đến nay, mới chỉ có hơn 50% dân số thế giới đã tiêm 1 mũi vaccine ngừa COVID-19. Điều này đồng nghĩa vẫn còn hơn 3,4 tỷ người chưa được bảo vệ và những người này có thể trở thành “những phòng thí nghiệm” di động để virus SARS-CoV-2 tìm cách phát triển các đột biến mới./.
Theo Phương Oanh (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/cac-bien-the-sarscov2-lien-tuc-bien-doi-toi-khi-the-gioi-mien-dich/756757.vnp