Ngày 30/11, tại Ninh Bình, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học toàn quốc lần thứ 56 năm 2021.
Khai quật khảo cổ tại khu vực phía nam Khu tích lịch sử Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình).
Ngày 30/11, tại Ninh Bình, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học toàn quốc lần thứ 56 năm 2021.
Đây là hoạt động thường niên thu hút gần 300 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học và hơn 100 đại biểu tham dự bằng hình thức trực tuyến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước cùng trao đổi thông tin về những phát hiện mới trong công tác khảo cổ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Năm 2021, ngành khảo cổ học thu được nhiều thành quả đáng ghi nhận, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các nhà khoa học tiếp tục có thêm nhiều phát hiện về di tích, di vật minh chứng cho quá trình tiến hóa của con người, cùng di tồn văn hóa thời tiền sử và sơ sử ở Việt Nam thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Yên Bái, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, Bình Phước, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...
Những phát hiện và thành quả nghiên cứu mới nổi bật được công bố lần này là: Khảo cổ, khai quật, nghiên cứu tại khu vực Điện Kính Thiên (Hà Nội), Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang), khu di tích Cát Tiên (Lâm Đồng), một số di tích văn hóa Champa ở Trung Bộ. Tiếp tục triển khai hoàn thiện chương trình khai quật và làm hồ sơ khoa học Khu di tích văn hóa Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Nam Bộ) thuộc Đề tài cấp Nhà nước do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì. Đặc biệt, tiếp tục khai quật Khu di tích Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) với nhiều phát hiện mới làm rõ thêm diện mạo kiến trúc cung điện và bản sắc văn hóa thời Đinh-Lê trong lịch sử dân tộc.
Tại hội nghị, các đại biểu trao đổi thẳng thắn, đóng góp nhiều ý kiến sôi nổi, góp phần bổ sung, làm sáng tỏ các thông tin khoa học, tạo nên diễn đàn khoa học cởi mở, bổ ích. Ngoài ra, ngành khảo cổ học còn tư vấn cho các cơ quan quản lý văn hóa, một số địa phương tiến hành công tác quy hoạch bảo tồn, phát huy gia trị các di tích khảo cô và di sản văn hóa.
Theo LÊ HỒNG - YẾN TRINH/nhandan.vn
https://nhandan.vn/di-san/nhieu-phat-hien-khao-co-hoc-co-gia-tri-trong-nam-2021-676149/