Trong tiết se lạnh của những ngày cuối thu, đầu đông, du khách đến với miền non nước Cao Bằng được tham quan nhiều điểm đến hấp dẫn và thưởng thức các món ăn độc đáo theo phong cách bản địa.
Trong tiết se lạnh của những ngày cuối thu, đầu đông, du khách đến với miền non nước Cao Bằng ngoài tham quan nhiều điểm đến hấp dẫn như thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, khu di tích Pác Bó, quần thể hồ Thang Hen,… còn có cơ hội được thưởng thức rất nhiều món ăn độc đáo như bánh cuốn, phở vịt, xôi trám, măng nhồi, lợn quay, bánh áp chao, bánh khẩu sli,… Tất cả sẽ góp phần làm phong phú hơn hành trình trải nghiệm của du khách.
Xôi trám
Một trong những món ăn không thể bỏ qua khi đến Cao Bằng là xôi trám đen. Đây là món ăn rất thơm ngon, bùi ngậy mà không bị cảm giác ngấy. Xôi trám đen ngon nhất là ăn cùng lạc, vừng rang giã nhỏ và lạp sườn Cao Bằng.
Coóng phù (Phù noòng, bánh trôi)
Coóng phù được làm từ bột gạo nếp, có pha bột gạo tẻ theo tỉ lệ thích hợp, đôi khi người làm bánh còn pha thêm bột gấc hoặc nước lá cẩm để tạo màu sắc sinh động cho bánh. Vị ngọt của đường, vị cay ấm của gừng, vị bùi của lạc rang hòa trong hương vị đậm đà của loại bánh được làm từ gạo nếp chắc chắn sẽ làm ấm lòng thực khách.
Bánh áp chao
Bánh áp chao được chế biến khá đơn giản, vỏ bánh làm từ bột gạo nếp, gạo tẻ và khoai môn trộn sánh đều theo tỉ lệ thích hợp, nhân bánh làm từ thịt vịt hoặc thịt heo thái mỏng. Khi thưởng thức bánh áp chao, thực khách sẽ cảm nhận được miếng bánh bên ngoài giòn tan, bên trong mềm mại. Với vị bùi ngậy của bột nếp và khoai môn, vị ngọt béo của thịt chắc chắn sẽ khiến thực khách nhớ mãi không quên. Bánh áp chao được ăn kèm với nước mắm chua ngọt, rau thơm và đu đủ bào sợi mỏng. Vị ngậy của bánh và vị chua ngọt của nước chấm tạo nên sức hấp dẫn khó có thể cưỡng lại.
Bánh khảo
Nguyên liệu chính làm bánh khảo Cao Bằng là gạo nếp rang, xay mịn, hạ thổ trộn đều với đường, nhân bánh là lạc, vừng rang giã nhỏ; hoặc lạc trộn thịt mỡ ướp đường kính. Các nguyên liệu kết hợp nhau tạo ra một hương vị riêng của món bánh này khiến thực khách nhớ mãi.
Bánh khẩu sli
Nguyên liệu chính của bánh khẩu sli là gạo nếp, lạc, vừng và đường để tạo ra hương vị ngọt ngào, đặc trưng. Bánh khẩu sli ở Nà Giàng (huyện Hà Quảng) đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể và được nhiều người biết tới.
Mác cọt
Quả mác cọt có thể ăn chấm với muối ớt hoặc đem ướp, mỗi cách chế biến sẽ mang đến những hương vị riêng. Cách ướp mác cọt cũng rất đơn giản, chỉ cần dùng nước sôi để nguội pha với muối, ngâm quả trong khoảng 10 ngày. Món ăn này thường mang đến vị ngọt nhẹ, hơi chua và chát.
Mác kham
Mác kham (hay còn gọi là me rừng) là một loại quả có nguồn gốc tự nhiên được nhiều người ưa thích. Hương vị của loại quả này khá độc đáo, là sự kết hợp của 4 vị chua - chát - mặn - ngọt. Ăn xong vị ngọt vẫn còn lưu lại và kích thích vị giác, khiến thực khách ăn hoài, ăn mãi. Ngoài ra, người dân Cao Bằng sử dụng quả mác kham để điều trị mất ngủ, kháng viêm, tăng cường sức khỏe cho cơ thể.
Quýt Quang Hán, hồng ngâm
Nhãn hiệu quýt Trà Lĩnh, quýt Quang Hán được nhiều người ưa chuộng vì ít chua, vị ngọt thơm đặc trưng và vỏ căng đẹp, bên trong mọng nước.
Ngoài ra, quả hồng sẽ đươc ngâm khoảng 1 tuần sau khi thu hoạch về. Khi thưởng thức hồng ngâm Cao Bằng, du khách có thể cảm nhận cái sần sật và vị ngọt thanh mát. Quả hồng cũng có nhiều chất dinh dưỡng, giúp tăng cường hệ miễn dịch, bổ sung vitamin C cho cơ thể.
Hạt dẻ
Là sản vật nổi tiếng của Cao Bằng, hạt dẻ Trùng Khánh giàu dinh dưỡng, mùi vị thơm bùi, hấp dẫn được chế biến bằng nhiều cách khác nhau như luộc, hấp, rang, nướng, hầm với chân giò heo,… Hạt dẻ Trùng Khánh đã được lọt vào “Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam” 2020 - 2021.
Cốm
Cốm Cao Bằng được làm hoàn toàn thủ công bằng đôi bàn tay khéo léo và sức khỏe dẻo dai của người dân bản địa. Đến đây, du khách không chỉ thưởng thức hạt cốm dẻo, dai, thơm ngọt từ lúa nếp non Cao Bằng mà còn được trải nghiệm phương pháp làm cốm và tìm hiểu nét văn hóa độc đáo gắn với món ăn này.
Lạp sườn
Lạp sườn Cao Bằng được chế biến khá cầu kỳ. Nhân của lạp sườn được làm bằng thịt lợn đen đã tẩm ướp gia vị và không thể thiếu ít rượu trắng cùng một chút gừng núi. Khi ăn, lạp sườn có mùi thơm của thịt, có độ dai của lòng, độ đậm của gia vị, đặc biệt là vẫn còn hương vị của khói./.
Theo CTV Xuân Quỳnh/VOV.VN
https://vov.vn/du-lich/am-thuc/doc-dao-am-thuc-cao-bang-dip-thu-dong-907223.vov