Cập nhật: 03/12/2021 16:27:00
Xem cỡ chữ

Các mô hình du lịch bền vững đã được giới thiệu trực quan và ấn tượng tại triển lãm “Greenlens 2021”. Đây là dự án do các sinh viên, giảng viên khoa Quản trị kinh doanh và Du lịch, trường Đại học Hà Nội thực hiện.

Với thông điệp “A vision of a sustainable world” (tạm dịch: Hướng tới một thế giới bền vững), triển lãm “Greenlens 2021” mong muốn lan tỏa và quảng bá phát triển bền vững tới cộng đồng du lịch, qua đó nâng cao ý thức và trách nhiệm của các chủ thể liên quan đối với môi trường, cộng đồng và xã hội.

Giới thiệu về dự án này, ông Nguyễn Đức Hoa Cương - Trưởng Bộ môn Du lịch trường Đại học Hà Nội cho biết triển lãm “Greenlens 2021” sử dụng phương pháp Photovoice (còn gọi là “Trao máy ảnh cho nhân vật”), trong đó các bức ảnh do chính người tham gia tạo ra để gây ấn tượng, thu hút công chúng ủng hộ các hành động và sự thay đổi.

“Đây là một trong những chương trình đầu tiên ứng dụng Photovoice trong đào tạo du lịch tại Việt Nam. Trong quá trình triển khai, chúng tôi đã ghi nhận những hưởng ứng tích cực từ cộng đồng, đây là cơ sở để mở rộng dự án với quy mô lớn hơn. Các nghiên cứu này sẽ được hoàn thiện và công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong thời gian tới” - ông Nguyễn Đức Hoa Cương nói.

Giới thiệu du lịch cộng đồng ở thôn Pác Ngòi (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) bằng phương pháp Photovoice tại triển lãm "Greenlens 2021".

Giới thiệu du lịch cộng đồng ở thôn Pác Ngòi (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) bằng phương pháp Photovoice tại triển lãm "Greenlens 2021".

Thông qua các thông điệp và hình ảnh về nhiều điểm đến của Việt Nam như Sa Pa, Bắc Kạn, Ba Vì, Thanh Hóa...; người xem hiểu hơn về cách thức và tác động tích cực của du lịch bền vững. Công chúng có thể xem triển lãm tại phòng trưng bày 3D trực tuyến tại nền tảng Artstep với tên gọi "Greenlens - Photovoice Project Hanu".

Tại triển lãm, người xem sẽ đến với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Tày ở thôn Pác Ngòi (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn). Không chỉ tạo việc làm cho người dân địa phương và lưu giữ những tập tục, nét văn hóa truyền thống, nghề dệt thổ cẩm còn tham gia vào tour du lịch, quảng bá văn hóa tới du khách trong nước và quốc tế. Đến Pác Ngòi, du khách còn được tự mình trải nghiệm dệt vải hoặc tạo ra một sản phẩm cho riêng mình.

Ở Thanh Hóa, du khách đến bản Kho Mường (huyện Bá Thước) có thể trải nghiệm, tìm hiểu nét văn hóa, phong tục tập quán của người dân tộc Thái, hòa mình vào cuộc sống bản địa và thưởng thức những món ăn truyền thống đậm đà hương vị núi rừng như: cơm lam, nộm hoa chuối rừng, canh đắng, rượu ngô, kiệu muối chua… Hướng tới du lịch bền vững, địa phương chỉ giới hạn các nhóm nhỏ, tránh du lịch ồ ạt để du khách có những trải nghiệm tốt nhất. Điều này cũng giúp duy trì được giá trị văn hóa nguyên bản, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên tại đây./.

Theo Hải Nam/VOV.VN

https://vov.vn/du-lich/hieu-ve-du-lich-ben-vung-qua-trien-lam-greenlens-2021-909189.vov