Tuy dịch bệnh tạo nên sự xa cách về không gian, nhưng sự rung động, đồng cảm vô cùng nguyên sơ, tự nhiên và đáng trân quý trên tranh của họa sỹ Nguyễn Thị Thanh Lưu đã phá tan khoảng cách đó.
Khách tham quan tại triển lãm ''Có nhau.'' (Ảnh: Hoàng Đạt/Vietnam+)
Một trong những yếu tố đáng trân trọng nhất thời kỳ hậu giãn cách vì COVID-19 là được gặp mặt trực tiếp, trao nhau những cảm xúc chân thực trong không gian gần gũi, ấm áp. Vừa khai mạc tối ngày 4/12, triển lãm "Có nhau" của Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Lưu là một không gian gần gũi và đầy cảm xúc như vậy.
Triển lãm trưng bày 24 bức tranh lụa, sẽ kéo dài đến hết ngày 13/12, tại không gian nghệ thuật Manzi Art Space (số 14 Phan Huy Ích, Ba Đình, Hà Nội).
Họa sỹ Nguyễn Thị Thanh Lưu (sinh năm 1983) là tiến sỹ ngành Văn học, từng có thời gian công tác tại Viện Văn học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. "Có nhau" đánh dấu cho bốn năm thử sức với mỹ thuật và cũng là triển lãm cá nhân đầu tiên của chị.
Với tên gọi đó, "Có nhau" chính là lời khẳng định dù chúng ta có một mình, phải xa cách nhau trong mùa dịch vừa qua... thì đó cũng không phải là sự cô đơn.
Tranh của Nguyễn Thị Thanh Lưu tại triển lãm. (Ảnh: Hoàng Đạt/Vietnam+)
Xem tranh của Nguyễn Thị Thanh Lưu, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng: "Từng chủ thể mà nữ họa sỹ vẽ trong tranh dù chỉ có một mình, nhưng luôn có một sự tương tác với hòn đá, cái cây hay một chú mèo... Tranh của Thanh Lưu gợi nên sự ấm áp từ màu sắc đến hình khối, chính điều đó giúp toát lên một vẻ gần gũi với mọi người xem."
Theo Đinh Quang Huy-một họa sĩ thuộc thế hệ trẻ cùng theo đuổi tranh lụa, những tương tác nhỏ trên tranh của Nguyễn Thanh Lưu dù ít ỏi mhưng xuyên suốt tạo cảm giác ấm cúng, thân quen.
Những người xuất hiện trên tranh của nữ họa sỹ đều là những người thân, người bạn đã quen từ lâu, cũng có khi chỉ là những người bạn mới quen trên mạng xã hội. Thế nhưng với mỗi chân dung mà Nguyễn Thị Thanh Lưu khéo léo lưu giữ trên lụa, chị đều cất giữ trong đó một sự đồng điệu về cảm xúc, một rung cảm rất riêng.
Chất liệu lụa với tác giả luôn có nét truyền thống và cổ điển, song song với đó là sự mềm mại và dịu dàng song buộc người vẽ phải đặt lên đó sự tỉ mỉ, tinh tế.
"Tranh lụa nước ta dù không lâu đời như Trung Quốc, Nhật Bản... song vẫn có những nét rất riêng," nữ họa sỹ chia sẻ. "Tôi mong khi có triển lãm tại Mỹ sẽ mang theo nhiều nét đặc trưng riêng của tranh lụa Việt Nam về cả bút pháp lẫn chủ đề."
Họa sỹ Nguyễn Thị Thanh Lưu tại triển lãm. (Ảnh: NVCC)
Người yêu thích văn học có thể biết đến Tiến sỹ Thanh Lưu qua những tự truyện "Làm dâu nước Mỹ" (2015), tập truyện dành cho thiếu nhi "Nhật kí Cà Kiu" (2016) và tập thơ "Anh chỉ là sực nghĩ của em thôi" (2019).
"Thanh Lưu là người mới trong lĩnh vực tranh lụa, bút pháp ban đầu có thể có sự non nớt và sai khác. Tuy nhiên, chính trong những non nớt đó là những rung động ban đầu, những cảm xúc nguyên sơ rất đáng quý và đáng trân trọng," nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên khẳng định.
Một số hình ảnh từ buổi triển lãm:
(Ảnh: Hoàng Đạt/Vietnam+)
(Ảnh: Hoàng Đạt/Vietnam+)
(Ảnh: Hoàng Đạt/Vietnam+)
(Ảnh: Hoàng Đạt/Vietnam+)
Theo Minh Anh - Hoàng Đạt (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/trien-lam-co-nhau-khi-nhung-rung-cam-thoi-dich-ngung-dong-tren-lua/757984.vnp