Sẽ ít người có thể hình dung, để có một Thủ đô Hà Nội-thành phố của hòa bình với nhịp điệu yên ả, thanh bình, điểm đến an toàn, thân thiện của bạn bè quốc tế... thì thời gian qua, lãnh đạo Hà Nội và những người có trách nhiệm của ngành tuyên giáo thủ đô ngày đêm lăn xả, dấn thân vào cuộc chiến không tiếng súng; kịp thời phát hiện, đấu tranh, đẩy lùi mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần mang lại sự bình yên cho thủ đô ngàn năm văn hiến.
Bài 1: “Sóng dữ”... giữa lòng thủ đô
Những năm qua, Hà Nội chứng kiến nhiều làn sóng dư luận tiêu cực, mang theo không ít "biến chủng virus", gieo rắc mầm bệnh nguy hại vào đời sống tư tưởng, tâm lý xã hội. Đây thực chất là những biến tướng, trá hình của dư luận, do các thế lực thù địch, phản động cố tình tạo dựng, hòng thực hiện những ý đồ chính trị xấu xa, thâm độc.
Biến tướng... của dư luận?
Hà Nội vào Đông, cái lạnh se sắt nhưng trong câu chuyện với chúng tôi, nhiều vấn đề nóng được các đồng chí ở Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội thẳng thắn chia sẻ. Theo đó, những năm gần đây, chưa bao giờ dư luận xã hội trên địa bàn Thủ đô vơi bớt những đợt sóng trái chiều, tiêu cực, kết nên điểm nóng dư luận trên cả không gian mạng và ngoài đời sống thực tế, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần của người dân; thậm chí còn cản trở, kéo chậm nhịp điệu phát triển của thành phố.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội so ví, nếu như những con sóng biển ập vào bờ ngày đêm thì ắt sẽ xói mòn cát đá; còn sóng dư luận tiêu cực liên tục vỗ vào tâm trí người dân, thì lâu ngày sẽ gây ra sự bào mòn niềm tin trong quần chúng nhân dân. Trong khi đó, những con sóng dư luận tiêu cực và tin đồn thất thiệt vẫn hằng ngày, hằng giờ ngấm ngầm, tiềm ẩn và có thể bùng phát bất cứ lúc nào trên địa bàn Hà Nội.
|
Hồ Gươm. Ảnh: Báo An ninh Thủ đô
|
Một thực tế là, có không ít cơn sóng dư luận tiêu cực ở Hà Nội bỗng trỗi dậy một cách bất thường, trái với quy luật tâm lý xã hội. Chỉ cần một câu chuyện dân sinh, một vấn đề mâu thuẫn nhỏ, hay xuất hiện các vướng mắc, bất cập chưa kịp thời giải quyết thỏa đáng thì ngay lập tức dư luận bùng lên theo một cách nào đó.
Thế mới có chuyện, giữa thủ đô thân thiện, bình yên, vẫn thi thoảng xuất hiện một vài người, nhóm người đứng trước trụ sở cơ quan nhà nước, mang theo băng rôn, khẩu hiệu, ra sức "kiến nghị", “kêu oan”, đặt điều yêu sách... Những hiện tượng ấy thật sự gây phản cảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của thủ đô.
Trong khi đông đảo quần chúng thủ đô vẫn ngờ vực rằng: Những công dân kia có thật sự bị oan sai hay chỉ là những con rối bị lợi dụng, bị mua chuộc bằng những đồng tiền rẻ rúng để thực hiện phần việc bẩn thỉu vì những mưu đồ chính trị nào đó?.
Thật bất thường và chẳng hiểu vì lý do gì mà nhiều sự vụ, sự việc, vấn đề diễn ra không hề hàm chứa các yếu tố gây bức xúc cộng đồng; thậm chí, nhiều chuyện còn chưa rõ đúng-sai, trắng-đen thì dư luận đã hình thành nhiều chiều đa cực. Còn nhớ, cách đây gần 5 năm, Hà Nội triển khai việc đánh chuyển, di dời, chặt hạ hơn 1.300 cây xanh hai bên đường Phạm Văn Đồng phục vụ dự án mở rộng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch-cầu Thăng Long.
Đây là chủ trương đúng, vì lợi ích chung, vậy mà dư luận lại một phen dậy sóng? Trên không gian mạng xuất hiện không ít “chuyên gia” ở nước ngoài và một số cá nhân tự xưng có chức tước, hùng hồn nêu quan điểm, lớn tiếng lên án, rồi “hiến kế”, đưa ra lời khuyên cho tập thể Đảng bộ TP Hà Nội phải thế này, thế kia.
Chính việc này vô hình trung gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội đương nhiệm và vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng bộ TP Hà Nội trước ánh nhìn của nhân dân.
Hay như hàng loạt vấn đề, sự việc dù lớn hay nhỏ, dù trong nước hay ngoài nước, ở thủ đô hay diễn ra ở một địa phương khác, nhưng lại “ngẫu nhiên” thổi bùng làn sóng dư luận có tính chất cực đoan trên địa bàn Hà Nội.
Ví như những câu chuyện liên quan đến Formosa (Hà Tĩnh) gây ô nhiễm môi trường biển miền Trung; những vi phạm pháp luật tại giáo xứ Thái Hà; các vấn đề liên quan đến tình hình Biển Đông; vấn đề về xây dựng Luật Đơn vị Hành chính-Kinh tế đặc biệt và Luật An ninh mạng; vấn đề mở rộng địa giới hành chính Hà Nội... đều gây ra những cao trào dư luận dậy sóng ở Hà Nội một cách không đáng có.
Hệ quả, những làn sóng dư luận tiêu cực ấy đã gây ra nhiều phương hại, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội và phần nào bào mòn niềm tin của quần chúng. Cùng với đó là những tổn thất về mặt kinh tế, gây mất trật tự an toàn xã hội, an ninh chính trị; ảnh hưởng xấu đến “thanh danh” của thủ đô ngàn năm văn hiến, thành phố của hòa bình.
Tạo sóng dư luận... hòng bào mòn niềm tin
Kết quả khảo sát người dân tại 9 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc TP Hà Nội cho thấy, sở dĩ ở thủ đô sóng dư luận xã hội thường dâng cao là bởi đặc thù văn hóa riêng có và trình độ dân trí địa phương. Theo các chuyên gia tâm lý, Hà Nội có trình độ dân trí cao, thậm chí rất cao; trong đó, phần đông là những công dân có học thức và thái độ trách nhiệm cộng đồng.
Thế nhưng, chính những yếu tố ấy lại tiềm ẩn những tiêu cực. Có nghĩa là, vì quá quan tâm đến các vấn đề chính trị nên người dân thường có tâm lý muốn thể hiện chính kiến, lập trường, quan điểm cá nhân. Một số người cho rằng mình là trí thức, có năng lực, có khả năng đóng góp trí tuệ, công sức cho cộng đồng nên tự trao cho mình cái quyền được nói, được viết, được tự do phát ngôn...
Nắm rõ đặc thù đó, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội tập trung triệt để lợi dụng. Chúng gieo rắc các tin đồn, tin giả... hòng lôi cuốn, dẫn dắt dư luận xã hội. Thực tế cho thấy, có không ít cán bộ, quần chúng đã vô tình góp sức cho những “cơn sóng... tiêu cực” trong dư luận thủ đô.
Thông qua internet, các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Youtube), không ít cán bộ, đảng viên vô tình comment, like, share những bài viết mang màu sắc phản động. Không ít cá nhân vô tình cổ súy, đăng tải, like, share thông tin sai sự thật, gây bất lợi cho nỗ lực của chính quyền và nhân dân thành phố.
Trong số đó, có cả những thành phần tha hóa, biến chất, đã thật sự "trở cờ" và có sự móc nối, liên kết với thế lực bên ngoài để chống phá Đảng, Nhà nước, cố tình quấy rối, gây nhiễu loạn thông tin về đất nước và thủ đô. Chúng cố tình kéo theo sự cổ súy, tán dương, ngợi ca, like, share những nội dung trên, dẫn đến tư tưởng, tâm lý xã hội bất ổn và gián tiếp tạo ra các nguy cơ gây mất an toàn chính trị-xã hội.
Từ thực tế đó có thể khẳng định, phía sau những cơn sóng dư luận tiêu cực luôn có bóng dáng của các thế lực thù địch ngày đêm muốn phá sự bình yên của thủ đô. Chúng luôn săn đón, sẵn sàng can thiệp để tạo sự đồng cảm, ủng hộ của một bộ phận quần chúng, dựng lên những màn kịch hỗ trợ, tung tin giả, thông tin sai sự thật, “kêu gọi” sự giúp đỡ quốc tế.
Mục đích của chúng là dụ dỗ, lôi kéo người dân lên tiếng phản đối chính quyền, tiến tới gây rối an ninh, trật tự. Đó là những chiêu bài “cũ” mà như “mới” của âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ do các thế lực thù địch luôn âm thầm tiến hành trong lòng Thủ đô Hà Nội.
Đó là những bước hiện thực hóa mưu đồ bóp nghẹt “trái tim của cả nước”, rồi từng bước gây tê liệt các địa phương khác, dẫn đến phá hỏng hệ thống, gây sụp đổ chế độ từ bên trong.
Nhìn lại những vụ việc được nêu ra ở trên để nhận rõ bộ mặt ẩn giấu của các thế lực thù địch, phản động. Việc chặt cây ở đường Phạm Văn Đồng sẽ không nóng nếu không có sự xuất hiện các thế lực thù địch, phản động, chống đối “té nước theo mưa” để kích động dư luận lên tiếng theo những thông tin do chúng suy diễn, bịa đặt.
Rồi, hàng loạt tờ báo mạng, website có trụ sở ở nước ngoài và blogger "hăng hái" vào cuộc, cố tình bóp méo sự thật, “lái” những bức xúc, bất bình của người dân sang bôi nhọ cấp ủy, chính quyền, phủ nhận chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa. Như vậy, mục đích của những kẻ bên kia chiến tuyến không phải là phê bình việc “chặt cây” mà là cố tình “đốn người”, nhằm thay thế những nhà lãnh đạo thành phố, từ đó tạo sự bất ổn chính trị, kích động quần chúng chống phá chính quyền.
Hay như sự vụ ở Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) có nguyên nhân trực tiếp chính là hoạt động chống đối của một số đối tượng trong cái gọi là “tổ đồng thuận”, có sự hậu thuẫn, chỉ đạo từ lực lượng phản động. Những kẻ hiềm khích này đánh lừa dư luận, kích động bức xúc trong nhân dân để hiện thực các ý đồ chính trị và kinh tế của chúng.
Đặc biệt nguy hiểm, sự việc này đã bị các thế lực thù địch, phản động kêu gọi, hướng lái dư luận, quốc tế hóa. Một số đài báo nước ngoài với cái nhìn thiếu thiện chí, thường xuyên xuyên tạc tình hình Việt Nam, như: BBC tiếng Việt, VOA, RFA, RFI... tiếp tục có nhiều bài viết sai sự thật. Tổ chức khủng bố Việt Tân cũng kêu gọi các tổ chức quốc tế can thiệp, cổ súy cho việc quyên góp ủng hộ “các nạn nhân Đồng Tâm”.
Qua tài liệu thu thập được sau công tác rút kinh nghiệm về sự vụ ở Đồng Tâm cho thấy, một số tổ chức lưu vong, phần tử chống đối đã tài trợ tiền, hướng dẫn “tổ đồng thuận” cách làm bom xăng, tạo quả nổ, hướng dẫn mua sắm vật tư làm vũ khí... “Tổ đồng thuận” đã thể hiện rõ là một ổ, nhóm tội phạm có tổ chức.
Ngoài tuyên bố “tử chiến giữ đất”, sẵn sàng tiêu diệt lực lượng chức năng; số người này còn đe dọa lãnh đạo xã và người dân không hợp tác với chúng. Chúng cũng thường xuyên viết đơn gửi các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế lu loa chính quyền đàn áp “dân oan”, hòng “quốc tế hóa” vấn đề, biến Đồng Tâm thành điểm nóng chính trị.
Như vậy, dễ nhận thấy, đằng sau câu chuyện dân sinh, bức xúc của người dân là những màn kịch được dựng lên để “tấn công” Thủ đô Hà Nội bằng những cơn sóng dư luận tiêu cực. Thủ đoạn của chúng thường bám sát diễn biến các điểm nóng, lợi dụng các trang tin chuyên chống phá Việt Nam, các trang mạng xã hội để liên tục đăng tải các tin bài về sự vụ, xen lẫn những bình luận xuyên tạc, những câu chuyện sai sự thật, định hướng, kêu gọi dư luận trong và ngoài nước lên tiếng.
Đồng thời, thông qua các tổ chức phản động lưu vong, các hội dân chủ, nhân quyền... chúng gửi đơn, thư nhằm “bảo vệ” các nạn nhân đang “đấu tranh” ở Hà Nội. Chúng từng bước tìm cách liên lạc, hỗ trợ, can thiệp cả về vật chất và tinh thần cho các phần tử cực đoan, chống đối ở các “điểm nóng”.
Và đỉnh điểm, thông qua các phần tử đó, chúng sẽ kích động quần chúng nhân dân phản đối chống chính quyền, tụ tập đông người, gây rối với lực lượng chức năng, sử dụng bạo lực để gây bạo loạn lật đổ ở từng địa phương.
Từ chính những âm mưu, thủ đoạn đó, muốn giữ sự bình yên cho Hà Nội, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền phải thật sự quyết tâm, quyết liệt ngăn chặn những “con sóng ngầm” trong dư luận xã hội, mà trong đó, những người làm công tác tuyên giáo của Hà Nội có vai trò và sứ mệnh không hề nhỏ.
(còn nữa)
Theo ANH THU - TẤN TUÂN - TRẦN CHIẾN/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/nganh-tuyen-giao-ha-noi-voi-no-luc-giu-binh-yen-cho-thu-do-van-hien-679613