Thấy rõ được vị trí, vai trò của cây chè và văn hóa trà trong thúc đẩy du lịch, tỉnh Thái Nguyên đã và đang phát huy thế mạnh nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù gắn với thương hiệu trà Thái.
Thái Nguyên có nhiều tiềm năng để khai thác phát triển du lịch, với các loại hình như du lịch về nguồn, du lịch văn hóa, sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc hay du lịch gắn với các vùng chè đặc sản. Khi xây dựng sản phẩm đặc thù, Thái Nguyên chú trọng vào sản phẩm du lịch gắn với văn hóa trà Thái Nguyên, bên cạnh loại hình du lịch văn hóa và du lịch về nguồn.
Theo bà Nguyễn Thị Mai – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên, do có thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, cây chè tại Thái Nguyên phát triển tốt và cho ra những sản phẩm trà thơm ngon nổi tiếng cùng chất trà đặc biệt. Thái Nguyên hiện nay có 6 vùng chè đặc sản gồm: Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), La Bằng (huyện Đại Từ), Trại Cài – Minh Lập (huyện Đồng Hỷ), Tức Tranh (huyện Phú Lương), Phú Ninh (huyện Định Hóa). Thấy rõ được vị trí, vai trò của cây chè và văn hóa trà trong phát triển du lịch, tỉnh Thái Nguyên đã và đang đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với các sản phẩm từ chè, văn hóa trà.
Du khách tham quan đồi chè tại Thái Nguyên. Nguồn: HTX Tâm Trà Thái
Thái Nguyên đã công nhận vùng chè Tân Cương là điểm du lịch địa phương và duy trì tổ chức Festival Trà Thái Nguyên – Việt Nam (các năm 2011, 2013, 2015 và tiếp tục trong thời gian tới). Với những hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch hấp dẫn và mang tính cộng đồng, Festival Trà Thái Nguyên đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị vật thể, phi vật thể của trà Thái Nguyên; thúc đẩy sự phát triển của ngành chè Việt Nam nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng.
Ngoài ra, Thái Nguyên đã định hướng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã đầu tư, phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà. Người dân các hợp tác xã được hỗ trợ về nguồn lực, kinh phí, tập huấn kiến thức, kỹ năng để vừa sản xuất chế biến, vừa quảng bá sản phẩm của mình tới du khách. Trong đó, một số mô hình tiêu biểu về du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà là HTX Tâm Trà Thái, HTX Trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên, HTX Chè Hảo Đạt...
Đặc biệt, phát triển sản phẩm du lịch gắn với văn hóa trà được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 với các sản phẩm như: Du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà; du lịch nông nghiệp gắn với văn hóa trà; du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh gắn với văn hóa trà; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, MICE gắn với văn hóa trà; du lịch khám phá hang động, thể thao gắn với văn hóa trà.
Cụ thể, loại hình du lịch về nguồn gắn với văn hóa trà được triển khai tại các điểm đến như Khu di tích lịch sử quốc gia 60 Liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Khu di tích lịch sử quốc gia ATK Định Hóa, Không gian văn hóa Trà – vùng chè Tân Cương. Các tour du lịch sinh thái gắn với văn hóa trà kết nối Không gian văn hóa Trà – vùng chè Tân Cương với Khu du lịch sinh thái Hồ Núi Cốc. Tour du lịch văn hóa, cộng đồng đưa du khách tới Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải và trải nghiệm tại Không gian văn hóa Trà – vùng chè Tân Cương.
Nhiều cơ sở tại Tân Cương đón khách tới tham quan, trải nghiệm quy trình sản xuất chè.
Hàng năm, vùng chè Tân Cương đã đón hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Tại Không gian văn hóa Trà - vùng Chè Tân Cương, du khách sẽ được giới thiệu về lịch sử cây chè, văn hóa trà; được trực tiếp tìm hiểu, tham gia quy trình sản xuất, tạo thành phẩm và trải nghiệm văn hóa bản địa. Ngoài ra, nhiều cơ sở sản xuất chè, hợp tác xã chè đã đầu tư khu trưng bày, khu sản xuất, khu trải nghiệm, check-in, lưu trú nhà dân (homestay) phục vụ du khách.
Như vậy, phát triển du lịch gắn với văn hóa trà đã góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đồng thời quảng bá thương hiệu trà Thái đến đông đảo du khách trong và ngoài nước. Thương hiệu trà Thái giờ đây không chỉ là sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Thái Nguyên mà đang từng bước trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo lợi thế cạnh tranh để thu hút khách du lịch./.
Theo Hải Nam/VOV.VN
https://vov.vn/du-lich/phat-trien-san-pham-du-lich-dac-thu-voi-thuong-hieu-tra-thai-908992.vov