Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị chỉ rõ thế mạnh của Thừa Thiên Huế là di sản văn hóa, môi trường tự nhiên, là bản sắc đặc biệt của văn hóa vùng đất. Mục tiêu Nghị quyết đề ra là xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở là một cố đô di sản.
Cửa Ngọ Môn - Đại nội Huế, một công trình kiến trúc biêu biểu của di sản Huế.
Thừa Thiên Huế hiện đang sở hữu bảy di sản đã được UNESCO vinh danh: Quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ. Ý thức sâu sắc di sản văn hóa là tài sản vô giá của các thế hệ tiền nhân để lại, Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế đã nỗ lực gìn giữ, bảo tồn, phát huy và tôn vinh các giá trị di sản.
Hội tụ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử
Nhiều di tích cấp quốc gia, như: Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại 112 Mai Thúc Loan và làng Dương Nỗ, di tích nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu, Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh… đã được bảo tồn, trùng tu, tôn tạo. Huế cũng là thành phố khai sinh Festival ở Việt Nam. Các kỳ Festival Huế thu hút sự tham gia của nhiều quốc gia, trở thành Festival văn hóa có thương hiệu. Thừa Thiên Huế cũng thực hiện tốt việc bảo tồn nhà vườn truyền thống, làng cổ Phước Tích, bảo vệ và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, vịnh biển Lăng Cô, Vườn Quốc gia Bạch Mã…
TS Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế cho rằng, Thừa Thiên Huế đã làm được nhiều việc trong quá trình xây dựng trung tâm văn hóa. Hệ sinh thái cảnh quan đã được nhận diện và trân trọng. Những can thiệp vật lý tạo ra sự hài hòa cho cảnh quan đường phố, công viên, sông ngòi… bảo đảm đúng tinh thần, hồn cốt của một thành phố vườn. Hệ thống phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa nhà vườn, nhà rường đã được trân trọng, tiêu biểu là đề án bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn. Sự can thiệp của Nhà nước đã nhận được sự đồng tình, tham gia của người dân theo đúng tinh thần xã hội hóa để làm cho cảnh quan của thành phố đẹp lên, các di sản văn hóa được bảo vệ.
Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang thực hiện một số đề án, tiêu biểu là Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế, từ đó, thực hiện trùng tu, bảo tồn, khai thác Quần thể di tích Cố đô Huế. Tuy nhiên, cần có đầu tư lớn để từng bước phục hồi, tôn tạo, trùng tu hệ thống di sản, diện mạo của Hoàng cung Huế, phục hồi những di tích nổi bật trong quần thể di tích cố đô, như: Hệ thống lăng tẩm hoàng gia, Văn Miếu, Võ Miếu, hệ thống đàn tế, vườn ngự, những hành cung, Hổ Quyền, điện Voi Ré…
Thừa Thiên Huế còn có hệ thống di tích gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh, hệ thống di tích thời các chúa Nguyễn, những di tích gắn với triều đại Tây Sơn, các di tích liên quan đến thời tiền sử, di tích Chăm pa… Dĩ nhiên không thể nóng vội mà phải có chiến lược thực hiện trong khoảng từ 10 đến 15 năm tới.
Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, những thành tựu về văn hóa di sản là cơ sở để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54, chỉ rõ con đường phát triển của Thừa Thiên Huế là dựa trên nền tảng di sản văn hóa. Điều đó cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt với cố đô Huế, một trung tâm văn hóa, di sản ở tầm vóc khu vực và trên thế giới.
Bảo đảm sự phát triển bền vững, đúng hướng
Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, điểm nhấn trong phát triển du lịch, dịch vụ, thế mạnh trong phát triển kinh tế của địa phương.
Để xây dựng Huế trở thành trung tâm văn hóa đặc sắc, các nhà nghiên cứu cho rằng, cần phải định vị được hệ giá trị đặc sắc, đặc trưng của Huế. Nếu không nhận diện một cách cụ thể thì sẽ rất lúng túng khi “bơi” trong một di sản quá phì nhiêu, nhiều tầng lớp, nhiều khía cạnh như văn hóa Huế. Nhận diện những câu chuyện cụ thể và nắm được tinh thần Huế, một tinh thần tinh tế, sang trọng, hài hòa với con người, thiên nhiên, đất trời để ứng xử đúng tinh thần của văn hóa Huế.
TS Phan Thanh Hải nhấn mạnh, để đưa Huế trở thành trung tâm văn hóa, chúng ta phải làm rất nhiều việc. Trước tiên là phải thật sự coi trọng văn hóa di sản, có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. Chúng ta phải có quy hoạch phù hợp để giữ gìn một cách bền vững các di sản, thiên nhiên, bảo đảm sự phát triển bền vững và đúng hướng. Cần có sự đầu tư thích đáng cho văn hóa di sản, hệ thống thiết chế văn hóa cơ bản tại đô thị trung tâm như nhà hát, bảo tàng, thư viện, trung tâm biểu diễn nghệ thuật, trung tâm triển lãm… nhằm khai thác, phát huy tốt kho tàng di sản văn hóa đặc sắc vốn có, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ, đưa Huế xứng tầm là một trung tâm văn hóa lớn của đất nước. Sự đầu tư này phải được đặt trong một tầm nhìn dài hạn, quy hoạch chiến lược để 50 năm hay 100 năm sau vẫn còn nguyên giá trị. Đồng thời cần có cơ chế chính sách và đào tạo con người; mở rộng mô hình xã hội hóa nhằm tạo điều kiện và môi trường cho các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế và cộng đồng cùng tham gia vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Có thể nói, Thừa Thiên Huế chưa có sự đầu tư cho văn hóa di sản tương xứng, vì vậy rất khó để khai thác phát huy hết tiềm năng giá trị vốn có. Hiện nay, trong năm bảo tàng công lập chỉ có Bảo tàng Hồ Chí Minh được đầu tư xây dựng, bốn bảo tàng còn lại đều mượn tạm các không gian di tích, không phù hợp. Huế chưa có nhà hát dành cho ca Huế, chưa có trung tâm lưu trữ-thư viện, trung tâm hội nghị quốc tế xứng tầm để tổ chức các hội nghị quốc tế có quy mô lớn. Những thiết chế này không chỉ có lợi cho việc quảng bá vai trò, vị thế văn hóa của vùng đất mà còn góp phần quan trọng để khai thác phục vụ kinh tế, du lịch, dịch vụ.
Đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54 thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với Thừa Thiên Huế. Nhất là tìm ra hướng đi, định hướng cho Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô Huế và văn hóa Huế; tiếp tục đầu tư, hình thành các trung tâm về văn hóa du lịch, về y tế chuyên sâu, về khoa học công nghệ, về giáo dục đào tạo xứng tầm của khu vực và các nước. Nghị quyết này đã tạo ra một hướng đi mới rõ nét, cụ thể hơn. Thừa Thiên Huế sẽ thực hiện mục tiêu nghị quyết đã đề ra, trước mắt là hoàn chỉnh công trình đô thị di sản đặc thù của tỉnh Thừa Thiên Huế. Bước tiếp theo là phát triển kinh tế trên nền tảng bảo tồn, phát triển và tiếp tục đầu tư xây dựng các khu kinh tế vùng ven, tạo việc làm cho người dân và tăng thu nhập, tăng thu ngân sách cho tỉnh. Đây là những bước đi để phát huy những giá trị riêng của Huế.
Theo NGUYỄN CÔNG HẬU/nhandan.vn
https://nhandan.vn/dong-chay/gin-giu-phat-huy-gia-tri-di-san-o-thua-thien-hue-677786/