Năm 2021, Đại hội XIII của Đảng mở ra một giai đoạn phát triển mới, với tầm nhìn không phải chỉ cho nhiệm kỳ 2021 - 2025 mà còn tới 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, với Khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.
2021 cũng là năm đầy sóng gió, đất nước kiên cường chống chọi, vượt qua đại dịch COVID-19. Năm nhiều niềm vui và cả những mất mát, đau thương. Nhưng trên hết, vẫn là một Việt Nam ghi dấu ấn thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội và nhiều lĩnh vực khác. Chúng ta cùng nhìn lại 10 sự kiện nổi bật do Tiền Phong bình chọn.
1. Đại hội Đảng XIII và Khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường
|
Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ra mắt Đại hội Ảnh: Như Ý
|
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra từ 25/1 đến 1/2/2021, tại Thủ đô Hà Nội, với 1.500 đại biểu tham dự. Đại hội bầu Ban chấp hành Trung ương gồm 180 Ủy viên chính thức, 20 Ủy viên dự khuyết; Ban Chấp hành Trung ương đã bầu 18 Ủy viên Bộ Chính trị, 5 Bí thư Trung ương Đảng. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu giữ chức Tổng Bí thư.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra các mục tiêu cụ thể:
-Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
- Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
-Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra mục tiêu không phải chỉ cho nhiệm kỳ 2021 - 2025 mà còn tầm nhìn tới 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước và chúng ta gọi đây là khát vọng phồn vinh dân tộc.
2. Bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XV và HĐND các cấp
|
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức tại Quốc hội
|
Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ngày 23/5, gần 70 triệu cử tri đi bỏ phiếu - đây là con số lớn nhất từ trước đến nay. Cử tri cả nước đã bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội, trong đó 01 đại biểu không được xác nhận tư cách đại biểu trúng cử. Do đó, có 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Ngày 20/7, Quốc hội khoá XV họp kỳ thứ nhất bầu và phê chuẩn 50 nhân sự lãnh đạo bộ máy nhà nước. Quốc hội đã bầu đồng chí Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch nước, đồng chí Phạm Minh Chính làm Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Vương Đình Huệ làm Chủ tịch Quốc hội.
3. “Biệt dược” phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Tháng 10/2021, Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII thống nhất ban hành Kết luận về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tiếp tục thể hiện quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi cán bộ tham nhũng, tiêu cực; xử nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Trung ương sửa đổi, ban hành Quy định số 37 về những điều đảng viên không được làm (thay thế Quy định số 47). Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những quy định mới được ví như “biệt dược” ngăn ngừa, đặc trị các loại bệnh tật phát sinh trong cơ thể của Đảng, hệ thống chính trị; giúp cán bộ, đảng viên tăng cường sức đề kháng, không bị tha hoá, biến chất về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống.
4. 90 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - Tuổi trẻ cả nước xung kích trên tuyến đầu dập dịch
|
Màu áo xanh lan tỏa, lay động, góp mặt trên mọi mặt trận phòng, chống dịch bệnh
|
Nhiều hoạt động kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, ý nghĩa của đoàn viên, thanh, thiếu nhi cả nước. Tại lễ mít tinh kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn, đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Tiền đồ xán lạn của dân tộc đang nằm trong tay và chờ đón tuổi trẻ nước ta”. Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ, nhân kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, BCH T.Ư Đoàn ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, với 8 chương trình và 13 chỉ tiêu, góp phần sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống.
Năm 2021 là năm chiến dịch Thanh niên tình nguyện có nhiều hoạt động chưa từng có - vượt lên tầm của một chiến dịch tình nguyện hè. Với phương châm “3T” (Tiên phong - Tương trợ - Thích ứng), Đoàn và tuổi trẻ cả nước đã thành lập được hơn 34.000 đội hình tình nguyện hỗ trợ các khu cách ly tập trung, hơn 49.000 đội hình hỗ trợ trực chốt kiểm soát… Gần 2,4 triệu lượt ĐVTN tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên mọi miền đất nước, đặc biệt là tâm dịch TPHCM. Tuổi trẻ đã xung kích trên mặt trận chống dịch, truy vết, lấy mẫu, hỗ trợ tiêm vắc xin, điều trị F0, trực chốt, tiêu thụ hàng hóa, nông sản giúp người dân. Cùng đó là các chương trình xã hội - thiện nguyện quy mô rộng lớn và đầy ý nghĩa của Đoàn - Hội như Triệu túi an sinh, Máy tính cho em, Nối vòng tay thương (đỡ đầu trẻ mồ côi do đại dịch)…
5. Cả dân tộc đoàn kết, nỗ lực vượt qua đại dịch COVID-19
|
Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TPHCM
|
Năm 2021, biến chủng Delta xuất hiện đã khiến dịch bệnh bùng phát dữ dội ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận rồi lan ra cả nước. Hơn 1,6 triệu người nhiễm bệnh, hơn 30.000 người tử vong. Hệ thống y tế nhiều tỉnh thành phía Nam, đặc biệt là TPHCM quá tải, ngành y tế cả nước phải huy động một lượng lớn nhân lực, trang thiết bị để hỗ trợ. Hà Nội, TPHCM, 16 tỉnh thành phía Nam và nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Chuỗi sản xuất, giao thông - vận tải đứt gãy. Ngày 11/10/2021 Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” mở ra giai đoạn mới, áp dụng biện pháp chống dịch thống nhất toàn quốc. Dịch bệnh khiến ngành Giáo dục đối mặt nhiều thách thức, nhiều địa phương phải đóng cửa hàng loạt trường học, học sinh và sinh viên học trực tuyến kéo dài, các trường mầm non đóng cửa hoàn toàn. Dịch bệnh diễn biến rất phức tạp ở TPHCM và xung quanh khiến Đảng, Chính phủ quyết điều động lực lượng Quân đội vào trận.
Nhờ các biện pháp kiên quyết, tổng lực, dịch bệnh tuy vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng đã được kiểm soát.
Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Báo cáo Nền Kinh tế số Đông Nam Á ngày 10/11 khẳng định: Năm 2021 nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam bùng nổ mạnh mẽ, tăng trưởng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 21 tỷ đô la Mỹ.
6. Bất chấp khó khăn, GDP tăng trưởng dương
|
Kinh tế tăng trưởng dương, chứng khoán, bất động sản bùng nổ
|
Năm 2021, đại dịch COVID-19 tàn phá nặng nề nền kinh tế Việt Nam. Các “đầu tàu” kinh tế TPHCM, Hà Nội, Bình Dương phải cách ly xã hội trong thời gian dài. Có thời điểm, nền kinh tế gần như ngưng trệ, đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Như lò xo bị nén, khi dịch tạm được kiểm soát, nền kinh tế lập tức bật tung, góp phần giữ đà tăng trưởng GDP dương. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), GDP năm 2021 của Việt Nam tăng khoảng 2%. Dù không đạt mục tiêu tăng trưởng GDP đề ra từ đầu năm nhưng giữ được đà tăng trưởng dương là một kỳ tích của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
Điểm sáng là xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt kỷ lục 44 tỷ USD. Nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao như hạt điều, hồ tiêu. Theo Bộ Công Thương, cả năm 2021, dự báo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ vượt mốc 660 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Cùng đó, xuất khẩu nông sản gặt hái tích cực, đang hướng tới mốc lịch sử 47 tỷ USD. Theo Bộ NN&PTNT đây là thành quả hướng đi đúng đắn: Xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo tiêu chí cho các thị trường xuất khẩu; nỗ lực của nông dân, doanh nghiệp trong điều kiện dịch bệnh, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để chinh phục thị trường Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
7. Chứng khoán bùng nổ - Đấu giá đất lập kỷ lục khó tin
Vàng SJC tăng giá hơn 10% trong năm nay. Tháng 11 vàng vượt 62 triệu đồng/lượng. Sản xuất ngưng trệ, lãi suất ngân hàng xuống thấp, người dân đổ tiền vào chứng khoán, tạo nên nhiều kỷ lục mới. Quy mô vốn hoá thị trường tương đương 133% GDP. VN-Index lập đỉnh lịch sử, vượt 1.500 điểm. Tiền cuồn cuộn chảy vào chứng khoán, thanh khoản thị trường có phiên kỷ lục gần 52.000 tỷ đồng. Cá nhân trong nước mở mới hơn 1,3 triệu tài khoản, lớn hơn 4 năm gần nhất (2017 - 2020) cộng lại.
Dòng tiền dường như cũng đang đổ mạnh sang lĩnh vực bất động sản, dù các chủ đầu tư không có thêm nhiều dự án mới. Giá đất nền một số địa phương tăng 20-45%; giá giao dịch nhà ở riêng lẻ trong các dự án tăng bình quân khoảng 8 - 10%. Thị trường căn hộ ghi nhận giá kỷ lục lên tới 800 triệu đồng/m2 xuất hiện tại Hà Nội và TPHCM. Đặc biệt, phiên đấu giá đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm vào những ngày cuối năm đã gây choáng váng giới đầu tư bởi đỉnh giá mới: 2,45 tỷ đồng/m2.
Sau một số trường hợp trúng đấu giá cao bất thường, Thủ tướng đã ban hành Công điện 1767 về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Theo đó, Bộ Xây dựng có trách nhiệm chính trong việc đánh giá tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, nhất là các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường nhà ở, bất động sản; Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất đảm bảo đúng quy định; đơn vị nào vi phạm quy định phải xử lý nghiêm.
8. Thành tựu nổi bật về văn hóa, con người Việt Nam trên trường quốc tế
|
Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên
|
Tại phiên họp toàn thể kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 diễn ra sáng 23/11 tại Paris, Pháp UNESCO thông qua nghị quyết vinh danh và tham gia kỷ niệm 200 năm ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu; 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Ngày 15/12 (giờ Việt Nam), trong kỳ họp lần thứ 16 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Paris, Pháp, nghệ thuật xòe Thái đã được UNESCO ghi danh Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trên đấu trường quốc tế, đại diện nhan sắc Việt - Người đẹp Nhân ái của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018 Nguyễn Thúc Thùy Tiên giành vương miện Hoa hậu Hòa bình Quốc tế (Miss Grand International). Người đẹp sinh năm 1998 chiến thắng hoàn toàn thuyết phục, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao, đặc biệt là về trí thông minh, sự tự tin và khả năng làm chủ hoàn toàn tình huống, ứng xử tuyệt vời bằng ngoại ngữ.
Tại cuộc thi Hoa hậu Du lịch sinh thái quốc tế 2021 (Miss Eco Teen International) diễn ra đêm chung kết tại Ai Cập. Bella Vũ Huyền Diệu (sinh năm 2008), đại diện Việt Nam xuất sắc giành ngôi vị cao nhất. Vũ Huyền Diệu được khán giả biết đến là “công chúa tài năng” với khả năng ca hát, chơi đàn piano, bơi lội... đạt được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.
9. Đội tuyển Việt Nam vào Vòng loại cuối World Cup, đội tuyển Futsal vượt qua vòng bảng FIFA Futsal World Cup
|
Đội tuyển Việt Nam thi đấu ấn tượng. Ảnh: Hữu Phạm
|
Năm 2021, Bóng đá Việt Nam ghi dấu ấn đậm nét trên đấu trường quốc tế. Đó là việc đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên tiến đến vòng loại cuối World Cup khu vực châu Á. Đây là thành tích cao nhất cấp ĐTQG của bóng đá Việt Nam. Dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo, đội tuyển Việt Nam giành được 11 điểm, đứng thứ nhì tại bảng G, chỉ sau UAE, ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á. Thành tích này giúp thầy trò HLV Park Hang-seo giành vé vào tham dự Vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á, với tư cách 1 trong 5 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất. Màn trình diễn của đội tuyển Việt Nam thực sự ấn tượng khi chỉ thua 1 trận duy nhất trước UAE ở lượt về (lượt đi thắng 1-0 trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình), thắng cả 2 lượt trận trước Malaysia, Indonesia và 2 lần cầm hoà 0-0 trước Thái Lan. Đội tuyển Việt Nam trở thành đại diện duy nhất ở Đông Nam Á vào Vòng loại cuối. Đây được đánh giá là bước đệm quan trọng để bóng đá Việt Nam chuẩn bị cho mục tiêu dài hơi phía trước, đoạt vé dự VCK World Cup 2026. Giải đấu này dự kiến sẽ nâng số đội tham dự lên 48, trong đó châu Á có 8,5 suất (8 suất trực tiếp, 1 suất play-off).
Đội tuyển Futsal Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Phạm Minh Giang cũng để lại ấn tượng đẹp tại FIFA Futsal World Cup 2021 tại Lithuania trong lần thứ 2 liên tiếp dự giải. Nằm chung bảng đấu có nhà vô địch thế giới Brazil, đội tuyển Futsal Việt Nam vẫn hoàn thành mục tiêu vượt qua vòng bảng và chỉ chịu dừng bước trước Á quân thế giới Nga sau màn rượt đuổi tỉ số ngoạn mục. Đội tuyển futsal Việt Nam thậm chí đã vây hãm đối thủ trong những phút cuối, đẩy “ông lớn” thế giới vào thế phòng ngự chật vật. Ông bầu Trần Anh Tú cho biết sau giải đấu này, thành công tại đấu trường World Cup sẽ tạo tiền đề cho futsal thu hút được nhiều sự quan tâm của công chúng, qua đó có thể phát triển mạnh hơn.
10. Triệt phá những vụ trục lợi chấn động từ dịch bệnh, bóc gỡ các đường dây đánh bạc xuyên quốc gia và lừa đảo qua mạng
|
Ông Trương Quốc Cường – nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế
|
Năm 2021, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều cán bộ lãnh đạo ngành y: Thứ trưởng Trương Quốc Cường, Giám đốc BV Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc BV Mắt TPHCM.... Trong đó, ông Trương Quốc Cường bị cáo buộc “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong quy trình xét duyệt hồ sơ, cấp số đăng ký cho 2 loại thuốc giả mang nhãn mác Health 2000 Canada, gây thiệt hại 50,6 tỷ đồng. Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng.
Sự việc còn chưa lắng xuống, Cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục khởi tố ông Phan Quốc Việt, tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á. Cùng bị khởi tố còn có Vũ Đình Hiệp, phó tổng giám đốc Công ty Việt Á, Hồ Thị Thanh Thảo, thủ quỹ Công ty Việt Á; Phạm Duy Tuyến - giám đốc, Nguyễn Mạnh Cường - nguyên kế toán trưởng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương. Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19 và đã cung ứng kit cho nhiều tỉnh, thành phố với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng. Phan Quốc Việt cho nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào để nâng giá bán bộ kit lên 470.000 đồng; đồng thời chi phần trăm “khủng” cho lãnh đạo bệnh viện, CDC. Tại Hải Dương, đã chi gần 30 tỷ đồng cho Phạm Duy Tuyến trong gói hợp đồng 151 tỷ hợp đồng. Trước đó, vụ án nâng khống giá máy thở cũng bị triệt phá.
Năm 2021, lực lượng công an liên tiếp bóc gỡ các đường dây đánh bạc xuyên quốc gia, số tiền giao dịch hàng chục nghìn tỷ đồng do các đối tượng trẻ tuổi cầm đầu. Tháng 11/2021, Cục Cảnh sát Hình sự triệt phá đường dây đánh bạc 1,1 tỷ Euro do Đỗ Ngọc Hà (SN 1984) và Bùi Hoàng Sơn (SN 1988, cùng trú tại Hà Nội) cầm đầu; Công an TP HCM triệt phá đường dây đánh bạc 87.000 tỷ đồng do Huỳnh Long Bạch (SN 1991) và Nguyễn Đắc Quý (SN 1994, cùng trú tại TP HCM) cầm đầu…Trong đó, nhiều đường dây đánh bạc biến tướng, hoạt động theo kiểu đa cấp, núp bóng kinh doanh đầu tư tiền ảo USDT, ETH, TRON…
Theo Báo Tiền Phong (Bình chọn)
https://tienphong.vn/10-su-kien-noi-bat-nam-2021-post1403638.tpo