Trong thời kỳ mang thai, cơ thể phụ nữ trải qua nhiều thay đổi về thể chất để thích ứng với sự phát triển và tăng trưởng của thai nhi. Huyết áp bất thường khi mang thai là một nguyên nhân đáng lo ngại.
Huyết áp bất thường có thể gây nhiều nguy cơ bị các biến chứng về sức khỏe cho cả thai phụ và thai nhi. Tuy nhiên, thai phụ có thể ngăn ngừa các vấn đề bằng cách khám thai định kỳ trước khi sinh đều đặn để bác sĩ có thể theo dõi huyết áp chặt chẽ. Thai phụ cần chủ động tìm hiểu thêm về các tình trạng liên quan để có thể giúp quản lý các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp.
1. Cách phát hiện huyết áp bất thường
Xác định các chỉ số huyết áp bất thường ở người lớn không mang thai
Huyết áp cao là số tâm thu từ 120 - 129 và số tâm trương thấp hơn 80. (120-129/80mm Hg).
Tăng huyết áp giai đoạn 1: 130-139/80-89mm Hg
Tăng huyết áp giai đoạn 2: 140/ 90mm Hg hoặc cao hơn.
Trong cơn tăng huyết áp: >180/> 120mm Hg.
Không phải lúc nào một người cũng có thể biết được huyết áp của mình quá cao hay quá thấp. Trên thực tế, nhiều trường hợp tăng huyết áp và hạ huyết áp có thể không gây ra các triệu chứng đáng chú ý. Mọi người có thể căn cứ vào một số dấu hiệu nhận biết:
1.1 Các triệu chứng của tăng huyết áp
Huyết áp cao, hay tăng huyết áp trong thai kỳ thường được định nghĩa là huyết áp lớn hơn hoặc bằng 130/80 mm Hg. Tình trạng tăng huyết áp bệnh lý có thể gây những vấn đề sức khoẻ đối với một số phụ nữ mang thai và có thể gây ra các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng cho cả thai phụ và thai nhi. Các triệu chứng của tăng huyết áp bao gồm: Mặt nóng bừng, sưng bàn tay hoặc bàn chân, đau đầu, hụt hơi, đau bụng, buồn nôn, nôn, hoa mắt, mắt mờ.
1.2 Các triệu chứng của hạ huyết áp
Huyết áp thấp, hoặc hạ huyết áp, thường được định nghĩa là 90/60 mm Hg trở xuống. Nó có thể gây ra: Chóng mặt, khó tập trung, chân tay lạnh, mờ mắt, thở nhanh, lo lắng, phiền muộn, đột ngột mệt mỏi, có thể ngất xỉu.
Các triệu chứng của tăng huyết áp và hạ huyết áp không phải lúc nào cũng xuất hiện. Cách tốt nhất để biết mình có huyết áp bất thường hay không là kiểm tra huyết áp.
Nếu nghi ngờ mình có các triệu chứng tăng huyết áp hoặc huyết áp thấp nên đi khám ngay để giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Kiểm tra huyết áp thường được thực hiện vào các cuộc hẹn khám sức khỏe định kỳ trong suốt thai kỳ. Thai phụ cũng có thể chủ động kiểm tra huyết áp tại nhà.
Thai phụ nên khám thai định kỳ trước khi sinh đều đặn để bác sĩ có thể theo dõi huyết áp chặt chẽ
2. Nguyên nhân của huyết áp bất thường khi mang thai
Cứ 3 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp. Trong thai kỳ, tăng huyết áp có thể được phân thành tăng huyết áp mạn tính và tăng huyết áp liên quan đến thai kỳ. Tăng huyết áp mạn tính đề cập đến huyết áp cao đã có trước khi mang thai. Phụ nữ mang thai có thể được chẩn đoán mắc tình trạng này nếu bị tăng huyết áp trong 20 tuần đầu của thai kỳ và vẫn có thể gặp tình trạng này sau khi sinh con.
Rối loạn huyết áp cao liên quan đến thai kỳ thường phát triển sau 20 tuần đầu tiên của thai kỳ. Có một số loại rối loạn có mức độ nghiêm trọng. Tuổi tác, béo phì và các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn dường như góp phần gây ra những tình trạng này. Trong hầu hết các trường hợp, huyết áp cao khi mang thai sẽ giảm sau khi thai phụ đã sinh con. Tuy nhiên, trường hợp huyết áp vẫn tăng, sản phụ phải được theo dõi huyết áp thường xuyên và được kê đơn thuốc để huyết áp trở lại ổn định.
Tụt huyết áp ít phổ biến hơn nhiều, có thể liên quan trực tiếp đến việc mang thai bởi hệ thống tuần hoàn của bạn mở rộng trong thời kỳ mang thai để chứa thai nhi của bạn. Khi tuần hoàn mở rộng, bạn có thể bị giảm huyết áp một chút. Điều này thường xảy ra trong nhưng tháng đầu của thai kỳ.
3. Điều trị huyết áp bất thường khi mang thai
Tăng huyết áp trong thai kỳ phải được theo dõi chặt chẽ để đề phòng các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Thai phụ nên đến gặp bác sĩ thường xuyên để theo dõi thai nhi, cũng như xét nghiệm nước tiểu và máu. Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn theo dõi tần suất bé đạp mỗi ngày. Việc giảm cử động có thể là một vấn đề và có thể cho thấy cần phải sinh sớm.
Bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm trong một số mốc của thai kỳ để giúp đảm bảo rằng em bé đang phát triển bình thường. Thuốc cũng có thể được khuyến nghị tùy thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của tình trạng huyết áp của thai phụ.
Các trường hợp hạ huyết áp nhẹ thường không cần điều trị, bác sĩ sẽ tư vấn các biện pháp khắc phục tự nhiên tại nhà. Các bác sĩ không khuyên dùng thuốc cho phụ nữ mang thai trừ khi có các triệu chứng nghiêm trọng. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên thận trọng khi vận động, sinh hoạt tránh các hoạt động đột ngột để không bị ngã. Cần có nếp sinh hoạt khoa học, ăn đủ chất dinh dưỡng lành mạnh, ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi hợp lý, không thức khuya, chú ý đến tư thế khi ngủ...
4. Các biến chứng của huyết áp bất thường trong thai kỳ
Tăng huyết áp khiến thai phụ và thai nhi có nguy cơ bị các biến chứng cao hơn như sinh non (sinh trước 37 tuần), phải sinh mổ, thai nhi phát triển chậm, nhau bong non, tiền sản giật và sản giật.
Huyết áp thấp có thể gây ra những thách thức cho thai kỳ. Những phụ nữ bị hạ huyết áp liên tục trong thai kỳ có nhiều khả năng bị buồn nôn, nôn mửa, chảy máu âm đạo và thiếu máu.
Hình ảnh nhau bong non.
5. Ngăn ngừa huyết áp bất thường khi mang thai
Cách tốt nhất để giảm nguy cơ biến chứng là chủ động kiểm tra huyết áp để ngừa tình trạng huyết áp bất thường ngay từ đầu. Phụ nữ nên đến gặp bác sĩ để khám sức khỏe trước khi mang thai để có thể phát hiện sớm bất kỳ bất thường nào về huyết áp. Tốt nhất bạn nên có cân nặng hợp lý trước khi mang thai.
Nên cố gắng để có sức khỏe tốt nhất có thể trước khi mang thai bằng cách:
Có chế độ ăn uống lành mạnh: Thai phụ nên ăn đa dạng thực phẩm, ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống nhiều nước, hạn chế thức ăn không có lợi cho cơ thể như thức ăn nhiều dầu mỡ, đường, muối…
Kiểm soát được sức khoẻ của mình, nhất là các bệnh lý nếu có như bệnh đái tháo đường: Sản phụ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ cần được điều trị về mức đường huyết tối ưu bằng thuốc và chế độ dinh dưỡng, tập luyện; theo dõi đường huyết thường xuyên, khi sinh và sau sinh.
Hạn chế uống rượu: Vì rượu gây ra cho trẻ các vấn đề về phát triển trí não, chiều cao và cân nặng thấp hơn trung bình, kích thước đầu nhỏ hơn bình thường, đặc điểm khuôn mặt bất thường.
Bỏ hút thuốc lá và tiếp xúc với khói thuốc lá: Khi phụ nữ mang thai hút thuốc là hoặc hít phải khói thuốc lá, chất nicotine và các loại chất độc hại khác gây ra nguy cơ chửa ngoài tử cung, vỡ ối sớm... Với thai nhi bị phát triển chậm, tăng nguy cơ sinh non, gây ra các tổn thương não và phổi cho thai nhi,tăng nguy cơ thai chết lưu.
Tập thể dục phù hợp ít nhất ba lần mỗi tuần có rất nhiều lợi ích: Giúp thai phụ khỏe mạnh, phòng ngừa bệnh đái tháo đường thai kỳ, nguy cơ tiền sản giật, kiểm soát tốt cân nặng.
Lưu ý với phụ nữ mang thai có huyết áp bất thường
Thai phụ cần đi khám thai định kỳ để bác sĩ có thể theo dõi sức khỏe của thai nhi và chủ động kiểm soát bất kỳ dấu hiệu huyết áp bất thường nào. Nếu bác sĩ kê đơn thuốc để kiểm soát huyết áp, hãy đảm bảo dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn. Đối với các trường hợp huyết áp cao đã có từ trước, có thể cần tiếp tục dùng thuốc sau khi sinh con.
Thai phụ nên ăn đủ các loại thực phẩm như cá, thịt, rau, quả, ngũ cố nguyên hạt để đủ dinh dưỡng.