Đến nay, số ca Covid-19 tại Việt Nam đã vượt qua con số 1,6 triệu, với hơn 30.000 trường hợp tử vong. Số mắc mới và tử vong có chiều hướng gia tăng trở lại trong tháng 12.
Theo thống kê của Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có hơn 1,6 triệu ca nhiễm, đứng thứ 31/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bình quân cứ một triệu người có 16.434 ca. Trong đó số mắc ghi nhận chủ yếu trong đợt dịch thứ 4, số mắc trong 3 đợt dịch trước chỉ dưới 3.000 ca.
Việt Nam cũng đã có hơn 30.000 trường hợp tử vong tại 51 tỉnh, thành phố, chiếm 1,9% so với tổng số ca nhiễm.
Cả nước hiện còn hơn 300.000 bệnh nhân đang được điều trị, giám sát. Trong số này có hơn 7.700 ca nặng, nguy kịch, chủ yếu là các trường hợp thở oxy qua mặt nạ, thở oxy dòng cao HFNC, có 890 bệnh nhân phải thở máy xâm lấn và 19 trường hợp phải can thiệp ECMO.
Số ca F0 ở miền Bắc tăng nhanh trong thời gian gần đây khiến việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW khó khăn hơn (Ảnh: Mạnh Quân).
Trong đợt dịch thứ 4, TPHCM là địa phương có tổng số mắc và tử vong cao nhất cả nước, với gần 500.000 ca mắc và hơn 19.500 trường hợp tử vong. Sau đó là Bình Dương với gần 300.000 ca và hơn 3.000 người tử vong, tiếp theo là Đồng Nai với hơn 96.000 ca mắc và hơn 1.200 ca tử vong.
TPHCM hiện có khoảng 60.000 bệnh nhân đang điều trị, với gần 2.600 ca nặng, nguy kịch. TP Hà Nội với số ca mắc mới tăng cao những ngày gần đây hiện có gần 20.000 bệnh nhân đang điều trị, với gần 300 ca nặng, nguy kịch.
Bộ Y tế nhận định số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương trên cả nước (trong tuần số mắc cộng đồng tăng tại 41 tỉnh, thành phố).
Vì thế, thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch nhất là giám sát phát hiện sớm, điều trị giảm bệnh nặng, tử vong và tiêm chủng vaccine. Lý do vì thời tiết chuyển mùa Đông-Xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus, gia tăng giao thương đi lại dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2022 và nguy cơ xâm nhập của biến chủng mới.
Mới đây, Bộ Y tế cũng có công điện yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp giảm tử vong do Covid-19. Theo đó, hiện nay số ca mắc tại các tỉnh, thành phố gia tăng, đặc biệt trên thế giới đã xuất hiện biến chủng mới siêu lây nhiễm có thể gây tác động rất lớn đến hệ thống y tế.
Cụ thể, các địa phương cần rà soát khả năng đáp ứng của các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19, Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác điều trị các tuyến, đảm bảo cung ứng đủ thuốc, trang phục phòng hộ cá nhân, bảo đảm oxy từ tuyến cơ sở đến bệnh viện các tầng 1, 2, 3… Đồng thời, cần rà soát, rút kinh nghiệm và khắc phục bất cập trong việc tổ chức, quản lý, điều hành thu dung, điều trị người bệnh Covid-19.
Các cơ sở y tế cần thực hiện đầy đủ việc "Phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị" theo hướng dẫn ngay từ trạm y tế, tổ Covid cộng đồng đến các cơ sở thu dung, điều trị.
Trạm y tế lập danh sách các trường hợp F0 tại nhà và phân chia theo các nhóm nguy cơ để quản lý, theo dõi chặt chỉ số SpO2 để đánh giá trường hợp tăng nặng và chuyển tuyến kịp thời. Các cơ sở thu dung, điều trị phân loại nguy cơ người bệnh ngay từ khi nhập viện, đồng thời đánh giá mức độ lâm sàng, tiến triển của bệnh để phân luồng vào các khoa, buồng bệnh phù hợp, thuận tiện cho theo dõi, chăm sóc, điều trị.
Bộ cũng lưu ý triển khai mạnh mẽ, toàn diện "Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ" bằng các biện pháp: rà soát các đối tượng chưa được tiêm đủ vaccine phòng Covid-19, đặc biệt chú trọng các đối tượng nguy cơ cao và rất cao (người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch...) để tiêm đầy đủ vaccine ngay cho đủ liều.
Theo Nam Phương/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/ca-nuoc-con-hon-7700-benh-nhan-covid19-nang-nguy-kich-20211225102454522.htm