Cập nhật: 26/12/2021 11:17:00
Xem cỡ chữ

Với những lợi thế sẵn có, Lạng Sơn có khả năng phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn kết hợp lưu trú homestay tại các thôn bản.

Phat trien du lich xu Lang: Pha vo loi mon, tao diem nhan rieng ​ hinh anh 1

Tượng đá nàng Tô Thị bồng con chờ chồng ở Xứ Lạng. (Ảnh: TTXVN phát)

Tiềm năng lớn, lợi thế là rất lớn song du lịch cộng đồng tại Lạng Sơn hiện phát triển chưa tương xứng với giá trị. Điều này bắt nguồn từ nhận thức và cách thức phát triển du lịch của người dân, chính quyền địa phương.

Ngành du lịch đang từng bước xây dựng giải pháp để tạo điểm nhấn riêng có, thu hút du khách đến với xứ Lạng.

Thách thức từ tuy duy “lối mòn”

Hầu hết các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng và lưu trú homestay tại Lạng Sơn đều là đồng bào dân tộc thiểu số sở tại.

Do tự bỏ kinh phí xây dựng với nguồn vốn hạn hẹp, đa số các hộ chưa đáp ứng yêu cầu về xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du khách.

Bên cạnh khó khăn nhất định như hệ thống đường giao thông chưa thuận lợi, dịch vụ viễn thông không ổn định... đa số các gia đình kinh doanh du lịch cộng đồng tại Lạng Sơn chưa hiểu rõ bản chất của loại hình du lịch này.

Hầu hết họ chỉ biết rằng homestay là dịch vụ ăn, ở cùng nhà dân và tìm hiểu văn hóa truyền thống dân tộc tại địa phương chứ chưa nghĩ đến việc tổ chức hoạt động kèm theo để tạo sức hút riêng cho du khách như cùng làm ruộng, đan lát, thêu thùa, đánh bắt cá hay vào bếp nấu ăn…

Theo anh Lê Đình Tứ, du khách đến từ Hưng Yên, tỉnh Lạng Sơn có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, một số điểm du lịch cộng đồng ở Lạng Sơn cần xây dựng thêm sản phẩm, biểu trưng của địa phương, vùng miền..., ví dụ như bày bán các logo thương hiệu du lịch, từ đó khách du lịch sẽ nhớ đến điểm du lịch đó.

Ngành Du lịch địa phương thẳng thắn nhìn nhận công tác xúc tiến, quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch chưa được quan tâm thường xuyên và lâu dài do eo hẹp về kinh phí hỗ trợ.

Sản phẩm du lịch của các địa phương chưa thực sự đa dạng. Các làng nghề truyền thống, hoạt động sản xuất, dịch vụ văn hóa, văn nghệ không diễn ra thường xuyên do lượng khách không đều.

Có thể nói việc khai thác tiềm năng du lịch văn hóa cộng đồng của địa phương là hướng đi đúng đắn. Do đó, thời gian tới rất cần sự quan tâm đầu tư của các cấp, ngành, doanh nghiệp trong việc xây dựng môi trường du lịch bền vững, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc.

Xây dựng hướng đi bền vững

Để giải quyết những vấn đề trên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn tập trung nghiên cứu phát triển các tour, tuyến du lịch mới và triển khai chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.

Phat trien du lich xu Lang: Pha vo loi mon, tao diem nhan rieng ​ hinh anh 2

Du khách tham quan thác Đăng Mò. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Sở tăng cường giới thiệu, quảng bá và mời gọi nhà đầu tư, công ty du lịch xây dựng sản phẩm du lịch để khách du lịch đến Lạng Sơn là nghĩ tới điểm du lịch cộng đồng hoang sơ, đậm tính miền núi chứ không chỉ là đi lễ đền chùa hay mua sắm tại các chợ cửa khẩu.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lạng Sơn Ngô Mạnh Tùng khẳng định đơn vị sẽ phối hợp với các điểm du lịch để tổ chức cho đoàn du lịch trong và ngoài tỉnh đến điểm tham quan. Đồng thời, đơn vị phối hợp với các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ, tạo dựng chương trình tour, tuyến mang tính du lịch cộng đồng cao gắn với điểm tham quan du lịch sẵn có.

Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, chủ trương “Người Lạng Sơn đi du lịch Lạng Sơn” của Ủy ban Nhân dân tỉnh là phù hợp thực tế. Cùng với đó, việc thành lập Công viên địa chất Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025 và Khu Du lịch Quốc gia Mẫu Sơn đang là điểm nhấn để tỉnh lan tỏa các luồng khách đi các không gian du lịch trên địa bàn.

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, cho hay ngoài phát triển sản phẩm và thị trường du lịch, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, Sở tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh xây dựng đề án du lịch thông minh, xây dựng tour, tuyến du lịch địa phương an toàn trong phòng, chống dịch.

Để người dân thấy rõ những lợi ích mà du lịch cộng đồng mang lại, ngành Du lịch Lạng Sơn tiếp tục xây dựng chương trình tập huấn, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch cộng đồng cho người dân. Từ đó, họ thay đổi tư duy, quan tâm đầu tư khai thác sản phẩm du lịch này một cách bền vững.

Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn, cho biết địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng. Thời gian qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai xây dựng, phát triển điểm du lịch cộng đồng phục vụ nhu cầu của khách du lịch, tạo ra điểm đến hấp dẫn, làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Thời gian tới, Lạng Sơn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, hỗ trợ các nhà đầu tư, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển một số điểm du lịch cộng đồng theo hướng văn minh, hiện đại, chất lượng cao.

Cùng với đó, chính quyền các cấp tuyên truyền tới người dân để nâng cao ý giữ gìn cảnh quan, bảo tồn, phát huy nét văn hóa đặc sắc truyền thống của địa phương và nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng...

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Lạng Sơn hoàn toàn có khả năng phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên cơ sở xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn kết hợp lưu trú homestay tại các thôn bản văn hóa.

Qua đó, không chỉ kéo dài thời gian lưu trú, tăng khả năng chi tiêu của du khách mà còn góp phần đưa du lịch cộng đồng tại xứ Lạng thoát khỏi “lối mòn” là chỉ thưởng thức ẩm thực dân tộc và giao lưu văn nghệ./

Theo Nguyễn Quang Duy (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/phat-trien-du-lich-xu-lang-pha-vo-loi-mon-tao-diem-nhan-rieng/765088.vnp