Trong năm 2021, nhiều vụ án lớn được cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an phá thành công, trong đó có hàng loạt vụ liên quan đến lĩnh vực y tế.
1. Khởi tố Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường
Ngày 10/12, Bộ Công an phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao thi hành Quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú bằng biện pháp tạm giam đối với bị can Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế.
Trước đó 1 tháng, ông Trương Quốc Cường bị khởi tố do liên quan đến vụ án "Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường cùng đồng phạm buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại TP HCM, các tỉnh, thành phố khác và Cục Quản lý dược - Bộ Y tế".
Giữa tháng 7/2021, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã có kết luận, đồng thời đề nghị truy tố 14 bị can trong vụ án nêu trên. Đáng chú ý, trong số 14 bị can có một số bị can tại Cục Quản lý dược.
2. Bắt tạm giam nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn
Tháng 10/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng mua sắm Bệnh viện Tim Hà Nội về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Khi bị khởi tố, ông Tuấn giữ vị trí Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Ngày 9/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Quang Tuấn.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam các cựu lãnh đạo Bệnh viện Tim Hà Nội gồm: Hoàng Thị Ngọc Hưởng, nguyên Phó Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng mua sắm, Tổ trưởng Tổ thẩm định đấu thầu; Nguyễn Thị Dung Hạnh; nguyên Kế toán trưởng, Ủy viên Hội đồng mua sắm, thành viên Tổ thẩm định đấu thầu; Đoàn Trọng Bình, nguyên Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Vật tư, Ủy viên Hội đồng mua sắm, thành viên Tổ thẩm định.
Liên quan vụ vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Huy Lập, Giám đốc; Phạm Thị Kim Oanh - Kế toán trưởng - Công ty Cổ phần Thiết bị y tế Hoàng Nga về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
3. Bắt tạm giam Tổng Giám đốc Công ty Việt Á và Giám đốc CDC Hải Dương
Ngày 17/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tổ chức đấu tranh chuyên án với đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (gọi tắt là kit xét nghiệm) xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và các đơn vị, địa phương có liên quan.
Cơ quan chức năng đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm COVID-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng, Phan Quốc Việt đã chi tiền hoa hồng ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương số tiền gần 30 tỷ đồng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố 7 bị can, trong đó có Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) và Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương). Các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.
4. “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” tại Bệnh viện mắt TP.HCM
Tháng 2/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an đã khởi tố bị can, tạm giam Võ Thị Chinh Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, Phí Duy Tiến, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, Nguyễn Quốc Toản, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức Bệnh viện Mắt TP.HCM về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tiếp đó, cơ quan công an cũng thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM.
Mở rộng điều tra, tháng 11/2021, cùng tội danh trên, Bộ Công an tiếp tục ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam 4 cán bộ, viên chức của bệnh viện này gồm: Nguyễn Trí Dũng, Phó Giám đốc bệnh viện; Phan Thị Bích Hạnh, trưởng phòng tài chính - kế toán; Nguyễn Đỗ Nguyên, Trưởng khoa tổng hợp và Lương Ngọc Tuấn, Phó trưởng khoa khám mắt. Quá trình điều tra xác định, năm 2018, Bệnh viện Mắt TP.HCM tổ chức thực hiện gói thầu “Mua sắm Thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu năm 2018” để có vật tư phục vụ điều trị, khám chữa bệnh.
Khi thực hiện đấu thầu mua sắm, một số cá nhân lãnh đạo Bệnh viện Mắt đã làm trái quy định của pháp luật về đấu thầu khiến Bảo hiểm y tế và người bệnh phải chi trả thêm phần chênh lệch với tổng số tiền hơn 14 tỷ đồng.
5. Vi phạm quy định trong đấu thầu tại Sở Y tế Cần Thơ
Tháng 3/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 11 bị can.
Theo đó, ông Cao Minh Chu, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. 4 bị can khác. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng bắt tạm giam đối với 6 bị can, gồm Bùi Thị Lệ Phi, nguyên Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ; Lương Tấn Thành, nguyên nhân viên Ban quản lý dự án Sở Y tế Cần Thơ; Hoàng Thị Thúy Nga, nguyên Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn hành trình Thành công mới (NSJ Group); Lê Huy Bình, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn hành trình Thành công mới; Đoàn Thị Nở, nguyên Trưởng phòng Dự án, Công ty TNHH Công nghệ cao LTQ (trước là Công ty NSJ); Lê Thành Hưng, nguyên Nhân viên kinh doanh, Công ty TNHH NSJ.
Căn cứ tài liệu điều tra thu thập được, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định các đối tượng liên quan tại Sở Y tế Cần Thơ (chủ đầu tư), Công ty NSJ (đơn vị dự thầu), Công ty Cổ phần thẩm định giá BTC Value và Công ty Liên doanh TNHH Tư vấn Y tế Mediconsult Việt Nam (đơn vị tư vấn, thẩm định giá) có hành vi vi phạm quy định pháp luật về đảm bảo công bằng, minh bạch trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại Sở Y tế Cần Thơ gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước.
6. Khởi tố, bắt tạm giam ông Trần Văn Nam - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương
Tháng 7/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) tiến hành khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nhà ông Trần Văn Nam - nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 Bộ luật hình sự 2015. Ông Trần Văn Nam bị bắt liên quan đến vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (Tổng Công ty 3/2).
Ngày 24/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 4 bị can liên quan tới vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (Tổng công ty 3-2).
Cụ thể, các bị can bị khởi tố, bắt tạm giam gồm: Hồ Đắc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn và thẩm định giá Đông Nam; Hà Văn Thuận, cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính, hiện là Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và quản lý dự án Bình Dương; Nguyễn Kim Liên, cựu Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp tỉnh Bình Dương; Vũ Thị Lợi, cựu Trưởng Phòng nghiệp vụ thuộc Chi cục Tài chính doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, hiện là Phó Phòng Tài chính doanh nghiệp thuộc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương.
4 bị can trên đều bị khởi tố về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015.
7. Hai tướng cảnh sát biển bị khởi tố, bắt tạm giam
Thiếu tướng Lê Xuân Thanh, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 và Thiếu tướng Lê Văn Minh, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã bị khởi tố, bắt tạm giam vì ký các văn bản, hồ sơ để thanh toán chi phí xử lý vụ việc, thuê phương tiện, xăng dầu, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước và nhận hối lộ.
7. Khởi tố nguyên giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM liên quan đến SAGRI
Ngày 27/5, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự “che giấu tội phạm” xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV (SAGRI), quy định tại điều 389 Bộ luật hình sự 2015.
Đồng thời ra quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với: Ông Hồ Văn Ngon - nguyên phó tổng giám đốc, thành viên hội đồng thành viên SAGRI, ông Dư Huy Quang - nguyên giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM (hiện là trưởng phòng quản lý đất Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM), bà Lê Thị Diệp Cẩm - phó trưởng phòng nhân sự hành chính SAGRI. Cả ba người trên bị khởi tố điều tra về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “che giấu tội phạm”.
Trước đó, mở rộng điều tra sai phạm xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV (SAGRI), Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, phó chánh Văn phòng Thành ủy Trần Trọng Tuấn và một số bị can khác. Ông Tuyến, ông Tuấn cùng bị khởi tố điều tra về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015.
8. Khởi tố 3 cựu lãnh đạo Khánh Hòa liên quan sai phạm dự án "đất vàng"
Tháng 10/2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ba nguyên lãnh đạo tỉnh này vì liên quan đến sai phạm đất đai tại dự án đất vàng Nha Trang Golden Gate số 28E Trần Phú, P.Vĩnh Nguyên (TP.Nha Trang).
Ba nguyên lãnh đạo bị khởi tố gồm ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; ông Đào Công Thiên, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và ông Võ Tấn Thái, cựu Giám đốc Sở TNMT. Cả ba đều bị khởi tố tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát lãng phí liên quan đến sai phạm tại dự án đất vàng Nha Trang Golden Gate.
Trước đó vào tháng 5/2021, Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại dự án Nha Trang Golden Gate số 28E Trần Phú (TP.Nha Trang) do Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang làm chủ đầu tư.
Trước khi bị khởi tố trong vụ án nói trên, ngày 8/6, ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đã bị khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét chỗ ở để điều tra tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai trong vụ án xảy ra tại dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung thuộc khu vực núi Chín Khúc (Khánh Hòa).
9. Khởi tố 7 người trong đường dây sản xuất, tiêu thụ 3,2 triệu cuốn sách giáo khoa giả
Tháng 6/2021, cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam, khám xét đối với 7 bị can trong đường dây sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Các bị can gồm: Cao Thị Minh Thuận (42 tuổi, giám đốc Công ty TNHH thương mại và sản xuất Phú Hưng Phát, chủ các Nhà sách Minh Thuận), Hoàng Mạnh Chiến (39 tuổi, giám đốc Công ty cổ phần In và văn hóa truyền thông Hà Nội), Nguyễn Mạnh Hà (49 tuổi, phó giám đốc Công ty cổ phần In và văn hóa truyền thông Hà Nội), Hoàng Thị Ánh Vân (38 tuổi, kế toán trưởng Công ty cổ phần In và văn hóa truyền thông Hà Nội), Nguyễn Đức Khương (41 tuổi, chủ xưởng gia công sách Công ty cổ phần In và văn hóa truyền thông Hà Nội), Đỗ Đức Thắng (49 tuổi, nhân viên thiết kế đồ họa Công ty cổ phần In và văn hóa truyền thông Hà Nội), Nguyễn Hữu Trung (41 tuổi, nhân viên Công ty TNHH thương mại và sản xuất Phú Hưng Phát).
Cơ quan chức năng đã khám xét khẩn cấp hơn 50 địa điểm của đường dây sản xuất và tiêu thụ các loại sách giáo khoa giả trên địa bàn các tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Thanh Hóa.
Tại đây, cơ quan chức năng tạm giữ hơn 3,2 triệu cuốn sách giáo khoa giả các loại, 3 hệ thống dây chuyền máy in offset, nhiều máy gia công sách giả, hơn 1,5 triệu tem giả của Nhà xuất bản Giáo Dục và nhà xuất bản khác, 5 ôtô tải và nhiều máy móc, công cụ dùng để bốc xếp, vận chuyển sách, khoảng 20 tỉ đồng từ nguồn thu bất hợp pháp… Được biết đây là đường dây sản xuất, tiêu thụ sách giả với số lượng lớn nhất cả nước từ trước tới nay.
Tính đến ngày 20/8, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 12 đối tượng trong vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Môi giới hối lộ” xảy ra tại Công ty Cổ phần In và Văn hóa Truyền thông Hà Nội; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng, Đội Quản lý thị trưởng số 17, Cục Quản lý thị trường.
Bước đầu, Cơ quan điều tra đã làm rõ, đường dây sản xuất sách giáo khoa giả này đã sản xuất, tiêu thụ khoảng 150 triệu cuốn sách giáo khoa trên nhiều địa bàn khác nhau, diễn ra trong nhiều năm.
Ngày 17/8, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố đối với ông Trần Hùng (nguyên tổ trưởng tổ 304 nay là Tổ trưởng Tổ 1444, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương) về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ./.
Theo PV/VOV.VN
https://vov.vn/phap-luat/cac-vu-an-dinh-dam-duoc-phat-giac-trong-nam-2021-post913673.vov