Cập nhật: 06/01/2022 08:57:00
Xem cỡ chữ

Về nguyên tắc, khi nhận được bất kỳ thông tin đe dọa an ninh hàng không nào thì cơ quan chức năng phải đánh giá rủi ro trước khi triển khai tiếp các lực lượng…

Liên quan đến vụ việc chuyến bay VN5311 của Vietnam Airlines bị dọa bắn hạ khi chuẩn bị bay qua Vịnh Tokyo - Nhật Bản ngày 5/1, trao đổi với PV Dân trí, một lãnh đạo chuyên trách trong lĩnh vực an ninh hàng không cho biết, các tình huống đe dọa an ninh hàng không đều được lường trước, nằm trong phương án được xây dựng theo các kịch bản khác nhau. Khi có bất kỳ sự cố nào xảy ra đều có phương án xử lý.

Theo đó, các hãng hàng không Việt Nam đều phải xây dựng chương trình an ninh hàng không riêng. Các tình huống an ninh đều phải được bao quát trong đó. Cục Hàng không Việt Nam là cơ quan phê duyệt chương trình an ninh hàng không này.

"Về nguyên tắc, khi nhận được bất kỳ thông tin đe dọa an ninh hàng không nào, cơ quan chức năng sẽ phải đánh giá rủi ro trước khi triển khai tiếp các lực lượng" - vị lãnh đạo nhấn mạnh.

Vụ máy bay Việt Nam bị dọa bắn hạ: Kịch bản khẩn nguy được lường trước - 1

Chuyến bay VN5311 bị dọa bắn hạ khi chuẩn bị bay qua Vịnh Tokyo (Ảnh minh họa: VNA).

Định kỳ hàng năm, các hãng hàng không phải đánh giá lại chương trình an ninh hàng không để kịp thời sửa đổi, bổ sung nếu cần thiết. Chương trình an ninh, quy chế an ninh hàng không phải được kịp thời sửa đổi, bổ sung khi không còn phù hợp với quy định hiện hành hoặc không đáp ứng yêu cầu trong quá trình triển khai, thực hiện.

Vị lãnh đạo thông tin: "Chỉ cần một thay đổi về nhân sự trong dây chuyền đảm bảo an ninh hàng không, mua thêm một loại tàu bay mới… Chương trình đảm bảo an ninh hàng không cũng sẽ phải phê duyệt lại. Chương trình an ninh hàng không giống như "tài liệu sống", buộc phải có với tất cả các hãng hàng không trên thế giới".  

Với vụ việc máy bay Vietnam Airlines bị đe dọa bắn hạ, lãnh đạo này khẳng định phương án xử lý đã nằm trong các kịch bản được lường trước. Vietnam Airlines kịp thời triển khai quy trình ứng phó khẩn nguy an ninh để xử lý vụ việc theo đúng quy định, bảo đảm an toàn cho chuyến bay.

Như Dân trí đã đưa tin, ngày 5/1, chuyến bay VN5311 của Vietnam Airlines chở theo 47 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn bị dọa bắn khi vừa cất cánh rời sân bay Narita - Nhật Bản về Việt Nam được 40 phút.

Sự việc xảy ra vào khoảng 11h10 (giờ địa phương), chi nhánh Vietnam Airlines tại Nhật Bản nhận được cuộc điện thoại từ một đối tượng giọng nam giới tự xưng là người Mỹ, nói tiếng Nhật, với nội dung đe dọa: "Chuyến bay VN5311 tốt nhất là quay lại Narita, nếu không sẽ bị bắn hạ khi bay qua Vịnh Tokyo".

Khi nhân viên nhận điện thoại hỏi: "Ông có thể nói lại điều ông vừa nói được không" thì người đàn ông trả lời: "Tôi đang chuẩn bị bắn VN5311 khi bay qua Vịnh Tokyo, tốt nhất nên quay lại".

Thời điểm này, chuyến bay VN5311 chuẩn bị bay qua Vịnh Tokyo. Trước tình huống này, chuyến bay phải chuyển hướng hạ cánh khẩn nguy xuống sân bay Fukuoka, Nhật Bản.

Nhà chức trách và Cảnh sát sân bay Fukuoka đã lên tàu bay kiểm tra, phỏng vấn tổ bay và hành khách, nhưng không áp dụng các biện pháp an ninh và cho phép tàu bay được đỗ tại sân bay Fukuoka trong khoảng 2 giờ đồng hồ để xem xét, đánh giá thông tin, cũng như sự an toàn của chuyến bay.

Sau khi xác định chuyến bay an toàn, không có dấu hiệu bất thường, nhà chức trách và Cảnh sát sân bay Fukuoka đã thông báo cho phép chuyến bay VN5311 khởi hành về Hà Nội. Đến 18h12 (giờ Việt Nam), chuyến bay VN5311 hạ cánh an toàn xuống sân bay quốc tế Nội Bài - Hà Nội.

Hiện Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để phối hợp với các nhà chức trách liên quan của phía Nhật Bản điều tra, làm rõ vụ việc.

Theo Châu Như Quỳnh/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/vu-may-bay-viet-nam-bi-doa-ban-ha-kich-ban-khan-nguy-duoc-luong-truoc-20220106001909386.htm