Các xe tải nằm ùn ứ nhiều ngày ở phía Myanmar chờ thông quan, khiến trái cây thối rữa vứt đầy đường, do Trung Quốc siết chặt các biện pháp chống Covid-19.
Dưa hấu thối rữa bị vứt bỏ ở biên giới Myanmar - Trung Quốc do không thể thông quan (Ảnh: SCMP).
Hàng nghìn tấn dưa hấu bị ném bỏ ven đường ở khu vực biên giới giữa Myanmar và tây nam Trung Quốc, trong bối cảnh nhiều người hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu phàn nàn rằng các lệnh kiểm soát nghiêm ngặt ngăn Covid-19 của Trung Quốc khiến việc giao dịch những hàng hóa dễ hư hỏng "gần như không thể tiến hành".
Các con đường chính dẫn tới thành phố Thụy Lệ ở tỉnh Vân Nam - cửa ngõ làm ăn chính giữa Trung Quốc với Myanmar - đang kẹt cứng với hàng trăm xe tải đang chờ được thông quan.
"Trước đại dịch, chúng tôi thường xuất khẩu hơn 500 xe tải hoa quả mỗi ngày sang Trung Quốc, hầu hết là trái cây nhiệt đới như dưa hấu, dưa lê, xoài. Giờ đây, chỉ ít hơn 10 xe tải được thông quan mỗi ngày", Lee Htay, chủ sở hữu một công ty vận tải, phàn nàn.
Hoạt động kinh doanh ở biên giới Trung Quốc - Myanmar mới chỉ vừa được nối lại sau 5 tháng gián đoạn vì dịch bệnh. Trung Quốc mở lại tuyến đường chính ở Wanding, Thụy Lệ vào 26/11/2021 nhưng quá trình thông quan chậm chạp khiến hàng hóa ùn ứ hàng loạt.
"Chúng tôi phải tìm cách xuất hàng hóa ra các nước khác hoặc bán ở chợ địa phương, nhưng chúng rất mất thời gian. Trong hầu hết mọi trường hợp, chúng tôi phải ném bỏ hết dưa hấu đi", ông Lee nói.
Ít nhất 200 xe tải hoa quả vẫn đang kẹt lại trên đường tại thành phố Mandalay, Myanmar tới thị trấn Muse, con đường chính nối giữa Wanding và Jiegao ở Thụy Lệ, Vân Nam.
"Một số tài xế đã bỏ cuộc sau vài ngày chờ đợi và ném bỏ những thùng hàng thối rữa. Họ quyết định vận chuyển những hàng hóa khó bị hỏng như ngọc bích và gỗ", ông Lee nói.
Xe cộ ùn ứ ở con đường dẫn tới Thụy Lệ, Vân Nam (Ảnh: SCMP).
Ngoài dịch Covid-19, diễn biến xung đột phức tạp ở Myanmar cũng tác động tới tình hình làm ăn của người dân. Wanding chỉ cách thị trấn Pang Hseng ở bang Shan, Myanmar 50 mét. Đây là nơi là quân đội Myanmar và lực lượng vũ trang người dân tộc thiểu số Shan đang giao tranh từ tháng 8 năm ngoái. Hoạt động giao thương ở cửa khẩu Wanding đã giảm khoảng 40% so với năm ngoái.
Ngoài hoạt động giao thương ở Thụy Lệ bị đình trệ, thành phố du lịch Cảnh Hồng nổi tiếng ở Vân Nam cũng bị ảnh hưởng sau khi 2 ca Covid-19 không triệu chứng được phát hiện ở đây.
Thành phố đã thực hiện chính sách phong tỏa chặt chẽ và xét nghiệm diện rộng ít nhất 2 lần để quyết ngăn chặn đà lây lan của mầm bệnh. Tuy nhiên, điều này đã gây ảnh hưởng tới ngành du lịch ở Cảnh Hồng, với lượng du khách thưa thớt và các khách sạn, nhà hàng phải đóng cửa chống dịch trong bối cảnh Tết Âm lịch - thời điểm Cảnh Hồng thu hút đông đảo khách du lịch - đang tới gần.
"Thật khó để chúng tôi có thể vượt qua đại dịch. Quá nhiều điều không chắc chắn ở phía trước và tôi không thể làm gì được", một người quản lý khách sạn tên Ouyang cho biết.
Hiện Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chiến lược "Không Covid" với quyết tâm không để mầm bệnh lây lan rộng thông qua việc áp dụng các lệnh phong tỏa cứng rắn, truy vết và xét nghiệm nhanh chóng khi mầm bệnh có dấu hiệu lây lan ra cộng đồng. Trung Quốc là một trong những nước hiếm hoi trên thế giới vẫn đang theo đường lối chống dịch này.
Theo Đức Hoàng SCMP/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/the-gioi/trai-cay-un-u-thoi-rua-o-bien-gioi-myanmar-do-trung-quoc-siet-chong-dich-20220106090912149.htm