Theo luật sư Diệp Năng Bình, người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên, là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Do đó, khi quyết định hình phạt, Tòa án sẽ xem xét áp dụng các tình tiết này để quyết định hình phạt cho bị cáo.
Những ngày gần đây, dư luận rúng động trước những thông tin liên quan đến Tịnh thất Bồng Lai, tên gọi mới là Thiền am bên bờ vũ trụ (Long An). Tịnh thất Bồng Lai không phải là cơ sở tu hành hợp pháp do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An quản lý. Cơ sở này là của gia đình bà Cao Thị Cúc (trú tại ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) xây dựng nhà riêng để ở, sau đó tự ý vận chuyển tượng Phật, các đồ thờ cúng vào để biến nơi này thành một cơ sở thờ tự bất hợp pháp.
Ông Lê Tùng Vân - người đứng đầu "Tịnh thất Bồng lai"
Tịnh thất Bồng Lai và Thiền am bên bờ vũ trụ đã gây hiểu nhầm và ngộ nhận tên cơ sở Phật giáo, khiến người dân và cộng đồng Phật giáo rất bức xúc. Nơi đây, cũng đã lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi để kêu gọi lòng tốt của mọi người trong và ngoài nước giúp đỡ, trục lợi cá nhân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Đặc biệt, nhóm người tại “Tịnh thất Bồng Lai” đã sử dụng nhiều tài khoản cá nhân khác nhau, đăng nhiều video với nội dung không đúng sự thật về diễn biến vụ việc xảy ra tại đây. Với kết quả giám định ADN mà cơ quan điều tra đang có được thì việc khởi tố bị can đối với ông Lê Tùng Vân tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân... và tội loạn luân là có cơ sở.
Trao đổi với phóng viên VOV, luật sư Diệp Năng Bình, văn phòng Luật Tinh Thông Luật (đoàn luật sư Hà Nội) nhận định, quyền con người nói chung, quyền “tự do tôn giáo, tín ngưỡng” nói riêng là những quyền tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ bởi pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Song, hiện nay có không ít các trường hợp lợi dụng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng này để làm các việc mờ ám, trục lợi cho bản thân, suy đồi về đạo đức và lối sống kiến dư luận xã hội căm phẫn.
Theo luật sư Bình, ở Việt Nam, để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, Điều 24 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, pháp luật cũng bảo vệ chế độ hôn nhân gia đình. Do đó hành vi phạm tội của bị can nếu có đã xâm phạm đến chế độ hôn nhân và gia đình được pháp luật ghi nhận, làm ảnh hưởng tới các giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc cũng như đem lại những hệ lụy về giống nòi.
“Tội loạn luân hiệu nay được quy định tại Điều 184 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”- luật sư Bình nhận định.
Theo vị luật sư này, để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội loạn luân, cơ quan điều tra cần phái xác định rõ hành vi giao cấu là thuận tình, không có dấu hiệu dùng vũ lực hoặc cưỡng ép và được thực hiện với người từ đủ 16 tuổi trở lên. Trong trường hợp tuy hành vi giao cấu giữa những người nói trên là thuận tình, nhưng nếu hành vi đó được thực hiện đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội loạn luân mà phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cấu với trẻ em (điểm c khoản 2 Điều 145 Bộ luật Hình sự 2015),
Trong trường hợp hành vi loạn luân kèm theo dấu hiệu dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác, thì tuỳ trường hợp người thực hiện hành vi đó phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm (điểm e khoản 2 Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015) hoặc tội hiếp dâm trẻ em (điểm a khoản 2 Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015); nếu hành vi loạn luân kèm theo dấu hiệu lợi dụng quan hệ lệ thuộc khiến bên kia phải miễn cưỡng cho giao cấu, thì tuỳ trường hợp người thực hiện hành vi đó phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng dâm (điểm d khoản 2 Điều 143 Bộ luật Hình sự 2015) hoặc tội cưỡng dâm trẻ em (điểm a khoản 2 Điều 144 Bộ luật Hình sự 2015); trong mọi trường hợp hành vi loạn luân được thực hiện đối với trẻ em dưới 13 tuổi, thì người thực hiện hành vi loạn luân phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em (điểm a khoản 2 Điểu 142 Bộ luật Hình sự 2015)
Đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội vì cho rằng các đứa trẻ là trẻ mồ côi nhưng thật ra là chính con của bị can Vân để mọi người thương tình quyên góp, ủng hộ tài sản...luật sư Bình cho rằng, đây là hành vi có dấu hiệu của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, được quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017. Mức cao nhất của tội này có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Do đó, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ số tiền mà bị can chiếm đoạt để có cơ sở định khung hình phạt.
Riêng trường hợp lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm phạm lợi ích hợp pháp của Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân, mức xử phạt cao nhất là 3 năm tù giam. Trường hợp cùng phạm tội này nhưng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì có thể bị xử phạt cao nhất là 7 năm tù giam theo Điều 331 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Đối với câu hỏi "ông Lê Tùng Vân đã 90 tuổi thì có được giảm trách nhiệm hình sự hay không?", luật sư Bình phân tích: Luật Người cao tuổi – Luật số 39/2009/QH12, quy định về quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi; trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.
Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 không có Chương, mục riêng để quy định riêng người cao tuổi phạm tội hay người cao tuổi là đối tượng bị xâm hại, nhưng các quy định để đảm bảo xử lý người cao tuổi phạm tội hình sự hay người cao tuổi là người bị xâm hại, đã được quy định tại các Điều luật tương ứng; theo đó người từ đủ 70 tuổi trở lên thuộc đối tượng điều chỉnh của Bộ luật hình sự. Cụ thể, về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên, là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm 0 khoản 1 Điều 52 BLHS. Do đó, khi quyết định hình phạt, Tòa án sẽ xem xét áp dụng các tình tiết này để quyết định hình phạt cho bị cáo./.
Theo PV/VOV.VN
https://vov.vn/phap-luat/vu-tinh-that-bong-lai-90-tuoi-bi-khoi-to-3-toi-danh-le-tung-van-chiu-bao-nhieu-nam-tu-post916530.vov