Theo Al Jazeera, Omicron đang khiến các nước châu Á và phương Tây bộc lộ rõ sự khác biệt trong việc ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới và hướng tới sống chung với đại dịch.
Châu Á có đang thận trọng quá mức?
Trong khi một số quốc gia phương Tây đang chấp nhận sự lây lan của biến thể Omicron như một bước để hướng tới sống chung với đại dịch, các nước châu Á lại siết chặt biên giới và áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt trong nước để ngăn chặn sự lan truyền của biến thể siêu lây nhiễm.
Các nước châu Á đang thắt chặt các hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron. Ảnh: Reuters
Những chính sách chống Covid-19 khác nhau xuất hiện trong bối cảnh ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khả năng gây bệnh nghiêm trọng và tử vong khi nhiễm Omicron thấp hơn so với Delta, dù biến thể mới có khả năng lây lan cao hơn nhiều so với các biến thể trước đây.
Khi biến thể Omicron được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 11/2021, nhiều quốc gia đã siết chặt việc nhập cảnh. Tới nay, giới chức ở các nước châu Á chưa có động thái nới lỏng các hạn chế dù có tỷ lệ tiêm chủng cao và có nhiều nghiên cứu chứng minh mức độ ít nghiêm trọng hơn của Omicron.
“Omicron rất khó kiểm soát. Nó rất dễ lây lan, nhưng hầu hết không gây ra mối đe dọa đáng kể nào đối với con người. Tuy nhiên, nếu số ca mắc bệnh tăng quá cao, đó sẽ là điều nguy hiểm”, Kentaro Iwata, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Kobe, nói với Al Jazeera.
Tại Hong Kong (Trung Quốc), nơi theo đuổi nghiêm ngặt chiến lược zero Covid, các nhà chức trách hôm 6/1 đã cấm các chuyến bay từ 8 quốc gia, bao gồm cả Mỹ và Anh, đồng thời thắt chặt các hạn chế. Giới chức Hong Kong (Trung Quốc) cũng đặt ra các quy tắc nghiêm ngặt về giãn cách xã hội, bao gồm việc đóng cửa các quán bar và phòng tập thể dục, cấm ăn tối trong nhà hàng sau 18h.
Tại Trung Quốc đại lục, chính quyền thành phố Tây An đã áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, khiến hơn 13 triệu dân không được rời khỏi nhà mà không có lý do đặc biệt, gây ra sự thiếu hụt thực phẩm và chăm sóc y tế.
Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore đã bắt buộc cách ly đối với tất cả du khách quốc tế kể từ tháng 12/2021. Nhật Bản, quốc gia áp đặt biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất, đã cấm hầu hết du khách nước ngoài nhập cảnh vào nước này. Hàn Quốc cấm các nhà hàng hoạt động sau 21h tối đến ít nhất ngày 16/1.
Jayant Menon, thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) có trụ sở ở Singapore, cho rằng “phản ứng thái quá” với các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt là điều không còn phù hợp ở giai đoạn này của đại dịch.
Phương Tây học cách sống chung với Omicron
Lập trường thận trọng của các nước châu Á trái ngược với các quốc gia như Mỹ, Anh và Australia, nơi số ca mắc bệnh đang tăng cao kỷ lục. Những nước phương Tây nhận ra rằng việc kiểm soát chặt chẽ sự lây lan của biến thể mới là không thể hoặc không đáng so với những tổn thất về kinh tế và xã hội.
Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 3/1 tuyên bố “những ngày phong tỏa sẽ không còn nữa”. Trong những tuần gần đây, các quan chức y tế nói với người dân cần chấp nhận thực tế rằng tất cả mọi người đều có nguy cơ nhiễm biến thể Omicron. Tuy nhiên, một số khu vực đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế để giảm bớt số ca mắc Covid-19 tăng đột biến, với bang New South Wales cấm ca hát và khiêu vũ tại các hội trường.
Các quan chức Australia đã nhiều lần nới lỏng các quy định xét nghiệm và cách ly để giảm bớt sự gián đoạn cho các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng do số lượng người dương tính với SARS-CoV-2 ở mức cao kỷ lục.
Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 5/1 bày tỏ hy vọng nước này sẽ vượt qua làn sóng lây nhiễm Omicron hiện tại mà không phải áp dụng thêm biện pháp hạn chế nào.
Mặc dù biến thể Omicron, được cho là có khả năng lây truyền cao gấp 2-3 lần so với Delta, đã gây áp lực lên các bệnh viện ở cả Anh và Australia, nhưng số ca tử vong và phải chăm sóc đặc biệt vẫn ở dưới mức đạt đỉnh trước đó. Tại Anh, nơi phát hiện ca nhiễm Omicron đầu tiên cách đây 6 tuần, số bệnh nhân Covid-19 phải dùng máy thở ít hơn 1/4 so với mức đạt đỉnh hồi tháng 1/2021.
Tại Nam Phi, nơi đầu tiên phát hiện biến thể Omicron, số ca tử vong trong làn sóng lây nhiễm lần này chưa bằng 1/5 trong đợt bùng phát do biến thể Beta ở nước này vào tháng 1/2021. Paul Glasziou, Giám đốc Viện chăm sóc sức khỏe tại Đại học Bond ở Australia ước tính rằng biến thể Omicron có thể gây tử vong bằng 1/3 so với biến thể Delta đối với những người chưa tiêm chủng và ít gây tử vong hơn so với bệnh cúm đối với những người đã tiêm chủng.
Ooi Eng Eong, giáo sư về bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Trường Y Duke-NUS ở Singapore, nói rằng ông tin rằng các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao có thể bắt đầu giảm bớt các hạn chế được áp dụng trước khi có vaccine.
“Tôi nghĩ rằng mỗi quốc gia sẽ cần phải thông báo và chuẩn bị cho người dân về việc giảm bớt bất kỳ biện pháp hạn chế nào. Nếu không, những quan niệm sai lầm cùng với thông tin sai lệch được lan truyền rộng rãi sẽ dẫn đến sự không tin tưởng vào các cơ quan y tế công cộng, điều này có thể làm ảnh hưởng tới các biện pháp phòng chống Covid-19. Việc thu hẹp quy mô các biện pháp hạn chế sẽ mang lại lợi ích nếu được cân nhắc và lựa chọn theo từng giai đoạn một cách hợp lý”, ông Ooi Eng Eong nói.
Thira Woratanarat, nhà dịch tễ học tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, cho biết, ông không nghĩ rằng các quốc gia châu Á đang phản ứng quá mức trước biến thể Omicron, do năng lực y tế ở khả năng tiếp cận vaccine ở châu lục này còn hạn chế, đặc biệt là ở những vùng nghèo hơn trong khu vực.
“Nếu họ kiểm soát lỏng lẻo, khi dịch bệnh bùng phát bất ngờ với tốc độ cao và nhanh chóng, khu vực này sẽ đối mặt với thảm họa và khó có thể kiểm soát được tình hình”, ông Woratanarat nói./.
Mai Trang/VOV.VN (biên dịch)
Theo Al Jazeera3.
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/omicron-vach-ra-hai-xu-huong-song-chung-voi-covid-19-cua-chau-a-va-phuong-tay-post916817.vov