Cập nhật: 08/01/2022 08:09:00
Xem cỡ chữ

Ở Bắc Hà (Lào Cai), mảnh đất vùng cao nơi người Mông bao đời sinh sống này có một món ăn tinh thần không thể thiếu, đó là tiếng khèn, điệu khèn với nhiều nét độc đáo, hấp dẫn.

“Cao nguyên trắng” Bắc Hà (Lào Cai) không chỉ nổi tiếng với di tích dinh thự Hoàng A Tưởng, chợ phiên nhộn nhịp thơm nức hương rượu ngô cùng những chảo thắng cố ngựa nghi ngút khói; mà mảnh đất vùng cao nơi người Mông bao đời sinh sống này còn có một món ăn tinh thần không thể thiếu, đó là tiếng khèn, điệu khèn với nhiều nét độc đáo, thú vị. 

Lên vùng cao Bắc Hà, không khó để có cơ hội được thưởng thức tiếng khèn Mông và chiêm ngưỡng người đàn ông, con trai Mông ôm khèn khom lưng, hất gót, xoay người xoắn ốc…, vừa dũng mãnh, vừa uyển chuyển, trữ tình. Khèn Mông hay ở chỗ, vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ, khiến người nghe, người xem bị cuốn vào những âm thanh, tiết tấu biến hóa điêu luyện. Từ quan niệm “con trai Mông là phải biết thổi khèn và múa khèn” nên bao đời nay khèn Mông ở Bắc Hà vẫn được lưu truyền, phát huy; thậm chí có cậu bé chỉ độ 10 tuổi ở Bắc Hà đã biết sử dụng thành thạo loại nhạc cụ này để mang theo bên mình mỗi khi lên nương, xuống chợ.

Chiếc khèn là biểu tượng đặc trưng của văn hóa Mông.

Chiếc khèn là biểu tượng đặc trưng của văn hóa Mông.

Theo ông Lý Seo Phỏng (xã Bản Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai), ý nghĩa của điệu khèn Mông là sự hiểu biết và giỏi giang của một người đàn ông. Còn có võ khèn, ngày xưa người ta có thể vác theo khèn đi đêm hoặc gặp trường hợp nào đó có thể dùng khèn để chiến đấu.

Tháng 8/2020, Câu lạc bộ khèn Mông Bắc Hà chính thức ra mắt với sự góp mặt của 20 thành viên, đều là những tay chơi khèn có tiếng đến từ khắp các làng, bản vùng cao ở xứ sở “cao nguyên trắng”. Cũng từ đó, khèn Mông Bắc Hà có nhiều sân chơi, đất diễn hơn, đội ngũ cũng nhanh chóng được củng cố "hùng hậu" với hơn 100 thành viên ở thời điểm hiện tại, cùng rất nhiều điệu khèn đa dạng, hấp dẫn.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ khèn Mông Bắc Hà – anh Giàng A Hải chia sẻ, bản thân là người Mông nên anh rất yêu loại nhạc cụ truyền thống được ví như “linh hồn” của dân tộc này. Càng nghiên cứu, tìm hiểu về khèn anh càng thấy được cái hay, ý nghĩa trong bản sắc của đồng bào mình. Từ đó, anh thấy được trách nhiệm phải giữ gìn và lan tỏa văn hóa khèn để nhiều người biết đến hơn.

"Câu lạc bộ chúng tôi xác định phải đưa tiếng khèn lên sân khấu và đi biểu diễn ở các điểm du lịch để phục vụ cho công chúng, đặc biệt là du khách nước ngoài. Qua đó sẽ đem lại thu nhập cho chính các thành viên trong câu lạc bộ" - anh Giàng A Hải nói.

Trẻ em người Mông tham gia học khèn tại câu lạc bộ.

Trẻ em người Mông tham gia học khèn tại câu lạc bộ.

Tiếng khèn đi theo cả cuộc đời của người Mông, vừa giúp kết nối với thần linh, tổ tiên, vừa là âm thanh vui tươi để giải tỏa buồn lo, chia sẻ tâm tư, tình cảm, gắn kết cộng đồng, chắp cánh cho tình yêu đôi lứa.

Giữa núi rừng Tây Bắc, những thanh âm trong trẻo vang cao, vang xa hòa cùng nhịp điệu mạnh mẽ, uyển chuyển là minh chứng rõ nét nhất cho văn hoá đa sắc màu, là niềm tự hào bao đời nay của đồng bào Mông Bắc Hà./.

Theo An Kiên/VOV-Tây Bắc

https://vov.vn/van-hoa/di-san/hap-dan-tieng-khen-mong-tren-cao-nguyen-trang-bac-ha-post916468.vov