Cập nhật: 18/01/2022 16:00:00
Xem cỡ chữ

Năm nay là năm thứ hai liên tiếp mùa lễ hội tại Hà Nội bị gián đoạn do dịch, tuy nhiên các địa phương vẫn tổ chức nghi lễ dâng hương quy mô nhỏ để tri ân các bậc tiên thánh có công với đất nước.

Ha Noi tam dung to chuc nhieu le hoi Xuan do anh huong dich hinh anh 1

Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội) năm 2020. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều lễ hội Xuân trên địa bàn Hà Nội tạm dừng tổ chức để đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Như vậy, đây là năm thứ 2 mùa lễ hội tại Hà Nội tiếp tục bị gián đoạn. Tuy nhiên, các địa phương vẫn tổ chức nghi lễ dâng hương ở quy mô nhỏ để tri ân các bậc tiên thánh, tiên hiền có công với quê hương, đất nước.

Chùa Hương (huyện Mỹ Đức) là lễ hội lớn đối với Hà Nội và khu vực phía Bắc, kéo dài tới 3 tháng, thu hút hàng triệu người tới tham quan, trẩy hội.

Từ tháng 5/2021 đến nay, chùa Hương cũng như các di tích khác tạm dừng đón khách theo yêu cầu của ủy ban nhân dân thành phố. Dù không tổ chức lễ hội nhưng Ban quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn mong muốn được đón khách trở lại. Tuy vậy, đến thời điểm này, chùa Hương chưa có phương án chính thức cho việc đón khác trở lại.

Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức đang xây dựng kế hoạch, đưa ra nhiều phương án mở cửa trở lại tùy theo cấp độ của dịch để xin ý kiến của ủy ban nhân dân thành phố.

Lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn) được biết đến là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại với những nghi thức độc đáo còn lưu truyền đến ngày nay. Trong 3 ngày từ mùng 6-8 tháng Giêng, lễ hội đền Sóc thu hút hàng vạn khách thập phương tham dự.

Do dịch bệnh, năm nay, huyện Sóc Sơn quyết định tạm dừng tổ chức các lễ hội Xuân trên địa bàn. Huyện chỉ tổ chức dâng hương ở quy mô nhỏ.

Ông Đoàn Văn Sinh, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Sóc Sơn cho biết khi huyện có quyết định tạm dừng tổ chức lễ hội, các xã, thị trấn có lễ hội đầu Xuân đã thông báo rộng rãi trên phương tiện truyền thông về việc không đón khách và tổ chức lễ hội trên địa bàn.

Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn đề nghị, các phòng ban chuyên môn phối hợp cùng 26 xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Trên địa bàn huyện Đông Anh có 96 lễ hội, trong đó có hai lễ hội là di sản văn hóa quốc gia là lễ hội đền Cổ Loa và lễ hội đền Sái. Ông Đặng Giang Sơn, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đông Anh cho biết do tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp, huyện tạm dừng toàn bộ hoạt động các lễ hội, tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân.

Riêng hai xã có lễ hội cấp quốc gia, huyện đã giao cho địa phương xây dựng phương án quản lý chặt chẽ. Đến ngày lễ hội chỉ có những cụ từ ra thắp hương, các dòng họ ra dâng hương không được quá 5 người...

Huyện Đông Anh sẽ thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện tại các địa bàn có lễ hội. Bên cạnh đó, huyện tạm dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao mừng Xuân trên địa bàn.

Ngoài ra, các lễ hội lớn trên địa bàn thành phố như Lễ hội Đống Đa (quận Đống Đa), lễ hội Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), lễ hội chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ), lễ hội Tản Viên Sơn Thánh (huyện Ba Vì)… cũng tạm dừng tổ chức, thực hiện dâng hương ở quy mô nhỏ.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới có công văn gửi các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các Sở chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan tham mưu, trình ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định việc tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và hoạt động bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần./.

Theo Đinh Thuận (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-tam-dung-to-chuc-nhieu-le-hoi-xuan-do-anh-huong-dich/768978.vnp