Cập nhật: 19/01/2022 13:58:00
Xem cỡ chữ

Thế giới vẫn đang chứng kiến sự gia tăng các ca mắc mới và tử vong vì Covid-19 và Omicron được cảnh báo không phải là biến thể cuối cùng. Điều này buộc WHO liên tục phải đưa ra lời kêu gọi công bằng vaccine, chia sẻ dữ liệu vaccine.

Trong cuộc họp báo mới nhất của WHO, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu ra thực trạng về tình hình dịch bệnh toàn cầu: “Omicron tiếp tục càn quét thế giới. Tuần trước, có hơn 18 triệu trường hợp mắc bệnh được báo cáo. Chúng tôi lo ngại về tác động của Omicron đối với các nhân viên y tế vốn đã kiệt quệ sức lực và hệ thống y tế quá tải. Hiện vẫn chưa có quốc gia nào thoát khỏi tình trạng nguy hiểm. Nhiều quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp, và người dân có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao hơn gấp nhiều lần”.

Ảnh: AP

Ảnh: AP

Australia ngày 18/1 ghi nhận kỷ lục số ca tử vong tại 3 bang đông dân nhất, là New South Wales, Victoria và Queensland. Cùng ngày, Vương quốc Anh ghi nhận 438 ca tử vong mới do Covid-19, con số cao nhất trong ngày kể từ ngày 24/2/2021. Số ca tử vong do Covid-19 tại Mỹ vẫn ở mức 1.700 ca/tuần và số ca tử vong được ghi nhận tại các nhà dưỡng lão cũng tăng trong hai tuần qua.

Tại Nga, Thủ tướng Mikhail Mishustin đã phải kêu gọi người sử dụng lao động tạo điều kiện cho nhân viên làm việc từ xa. Trong khi, Ba Lan đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ 5.

Dịch bệnh vẫn đang khiến thế giới quay cuồng, buộc các nước liên tục phải thay đổi các quy định chống dịch, sửa đổi các chính sách tiêm chủng vaccine, phân nhóm đối tượng tiêm mũi tăng cường.

Trước tình hình như vậy, tại Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới đang diễn ra, các nhà lãnh đạo thế giới thúc giục một hành động chung để đối phó với các thách thức toàn cầu, trong đó có đại dịch Covid-19. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, đã nêu ra thực thế rằng thế giới chưa đạt được mục tiêu tiêm chủng do WHO đề ra. Bất bình đẳng trong việc phân phối đang kéo lùi cuộc chiến chống dịch.

“Chúng ta không đạt được mục tiêu tiêm chủng do WHO đề ra trước đây. Tỷ lệ tiêm chủng ở các nước giàu cao gấp 7 lần so với các nước châu Phi và chúng ta cần sự công bằng vaccine. Giờ đây, tất cả các quốc gia và tất cả các nhà sản xuất phải ưu tiên cung cấp vaccine cho cơ chế COVAX và hỗ trợ nhau trong việc sản xuất kít xét nghiệm, vaccine và phác đồ điều trị Covid-19”, Tổng Thư ký Guterress nhấn mạnh.

Còn theo Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA), các hãng dược nên tính đến việc phát triển nhiều thứ hơn một liều vaccine Covid-19 được nâng cấp. Các loại vaccine này cần đảm bảo không chỉ có khả năng kháng lại Omicron mà còn với cả các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 trong tương lai./.

Theo Đình Nam/VOV1 Tổng hợp

https://vov.vn/the-gioi/the-gioi-van-quay-cuong-vi-dai-dich-can-thiet-nang-cap-va-chia-se-vaccine-post919281.vov