Ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc có sự tham gia của gần 100 đồng bào 13 dân tộc với nhiều hoạt động lễ hội đặc sắc, trò chơi dân gian tiêu biểu, các món ăn truyền thống dịp năm mới.
Đồng bào dân tộc Tà Ôi vui múa hát các điệu múa truyền thống trong ngày hội. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Nhằm tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Nhâm Dần năm 2022, từ ngày 1-28/2/2022, tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc.”
Ngày hội với nhiều hoạt động lễ hội đặc sắc, trò chơi dân gian tiêu biểu, các món ăn truyền thống dịp năm mới và các loại sản vật đặc trưng của từng dân tộc và các hoạt động biểu diễn các dân ca, dân vũ phong phú, hấp dẫn do các chủ thể văn hóa thực hiện.
Ngày hội có sự tham gia của gần 100 đồng bào 13 dân tộc gồm Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu, Ê Đê, Khmer và 12 địa phương như Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Sóc Trăng.
Hoạt động điểm nhấn trong Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” diễn ra vào ngày 12-13/2/2022 gồm lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Nhâm Dần năm 2022; Lễ cắt băng khánh thành nhà truyền thống Nghệ An và nhà Rường truyền thống Quảng Nam, Khu các làng dân tộc IV và trồng cây lưu niệm; Tái hiện các Lễ hội truyền thống của các dân tộc nhân dịp đầu Xuân năm mới Nhâm Dần 2022; Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt, nói chuyện và chúc Tết đồng bào các dân tộc tại Ngôi nhà chung, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Chương trình "Bài ca Mừng Đảng quang vinh-Mừng Xuân đất nước" diễn ra vào lúc 9 giờ 30 ngày 12/2/2022- thứ Bảy (ngày 12 tháng Giêng) tại Sân Lễ hội làng dân tộc Ba Na, khu các làng dân tộc II.
Lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô tỉnh Hà Giang sẽ được tái hiện vào lúc 9 giờ ngày 12/2/2022 - thứ Bảy (ngày 12 tháng Giêng) tại Khu các làng dân tộc I.
Lễ cưới của dân tộc Ba Na tỉnh Gia Lai sẽ được tái hiện chiều 12/2 tại Khu các làng dân tộc II. Du khách có thể tìm hiểu Lễ mừng lúa mới (nhô lir bong) của dân tộc K'ho tỉnh Lâm Đồng, sẽ diễn ra vào 9 giờ 30 ngày 12/2/2022 (ngày 12 tháng Giêng) tại Sân Lễ hội làng dân tộc Ba Na, khu các làng dân tộc II.
Hội Xuân là nhóm hoạt động tại không gian các làng dân tộc gắn với cảnh sắc thiên nhiên mùa xuân: hoa cải, hoa đào, hoa mận… diễn ra từ 8 giờ đến 16 giờ 30 ngày 12-13/2/2022 (ngày 12,13 tháng Giêng âm lịch) tại sân khấu Bánh chưng bánh giầy, không gian làng dân tộc I và các địa điểm khác cùng những nét văn hóa của đồng bào đang hoạt động hàng ngày tại làng.
Ngoài các hoạt động điểm nhấn, các hoạt động theo chủ đề, cuối tuần, cuối tháng như chương trình dân ca dân vũ “Khúc hát mùa xuân” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên (ngày 3/2, tức mùng 3 Tết Nhâm Dần), giới thiệu âm nhạc dân gian với các nhạc cụ từ tre nứa như đàn Đinh gong, đing Pút, Đàn tơ rưng, những bản nhạc về mùa xuân Tây Nguyên, vòng xoang Tây Nguyên...; chương trình giao lưu văn nghệ “Vui Tết đón Xuân” tại làng dân tộc Thái (ngày 4-5/2, tức mùng 4 -5 Tết Nhâm Dần) cùng các trò chơi như đi cà kheo, đánh yến, ném còn... và tổ chức chương trình “Hội xuân” đậm sắc màu Tây Bắc của đồng bào các dân tộc đang hoạt động hàng ngày; Tổ chức hoạt động hưởng ứng Tết trồng cây năm 2022 và phong trào “Sắc xanh bản làng” với ý nghĩa mùa nào thức ấy, vùng miền nào cây trồng ấy: Trồng 54 cây mận hậu tại không gian làng dân tộc Thái, Khu các làng dân tộc I (dự kiến ngày 5/2, tức ngày mùng 5 Tết Nhâm Dần); Tái hiện lễ hội Ariêu Aza – lễ hội “Mừng lúa mới” của đồng bào dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu tỉnh Thừa Thiên Huế (27/2)...
Vào các ngày cuối tuần, các hoạt động “Vui Tết đón Xuân” tại không gian các làng đồng bào thể hiện các phong tục chúc Tết theo truyền thống và mang đậm sắc màu dân tộc vùng miền, nhất là thời gian từ mùng 5 Tết đến 15 tháng Giêng; Giới thiệu các nghi thức đón Tết của đồng bào các dân tộc theo truyền thống vùng, miền; Các làng dân tộc đi chúc Tết, thăm hỏi nhau, giao lưu đầu năm mới giữa các làng và khách du lịch; Tổ chức các hoạt động lễ hội, âm nhạc đầu năm mới; Giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu mang âm sắc mùa Xuân như múa xòe, nhảy sạp, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa…; Tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống mùa xuân như: Ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đánh yến; Tìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc của đồng bào các dân tộc...
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các hoạt động trong Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" năm 2022 diễn ra trang trọng, tiết kiệm, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19./.
Theo Phương Lan (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/nhieu-hoat-dong-van-hoa-trong-ngay-hoi-sac-xuan-tren-moi-mien-to-quoc/770902.vnp