"Tôi vẫn luôn tin rằng, khi tâm tưởng tốt thì mọi điều lành sẽ tới. Hãy gieo những nhân lành trong dịp đầu năm xuất phát từ những việc nhỏ nhất", Đại đức Thích Giác Giáo chia sẻ.
Đã đón hai Tết Nguyên đán diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh, điều thay đổi lớn nhất trong ngày Tết của gia đình chị Trần Ngọc Hương (Hà Nội) là không còn đi chùa trong ngày Mùng 1 đầu năm.
"Gia đình mình vẫn giữ truyền thống đi chùa cầu an mỗi dịp đầu tháng và đặc biệt là trong sáng Mùng 1 Tết Nguyên đán.
Thế nhưng, hơn hai năm vừa qua do tình hình dịch bệnh căng thẳng cũng như để đảm bảo sức khỏe cho cả nhà nên tôi chỉ đứng bên ngoài cửa chùa vái vọng.
Gia đình tôi tham gia hoạt động cầu an đầu năm bằng hình thức online chứ không còn đến chùa như xưa. Dù vậy, bản thân tôi rất mong một ngày sớm nhất dịch bệnh qua đi để mọi hoạt động tôn giáo được trở lại bình thường".
Do tình hình dịch bệnh không thể vào lễ chùa, nhiều người dân mua lễ đặt trước cửa chùa và đứng vái vọng từ xa (Ảnh: Tố Linh).
Không thể đến chùa cầu an năm mới, chị Hương vẫn phát tâm mỗi dịp cuối năm cận kề Tết Nguyên đán, chị thường mua ốc, cá để thả phóng sinh tại hồ Tây mỗi chiều 30.
Các mâm lễ trong ngày Tết chị thường chọn những món chay để dâng ông bà, tổ tiên. Cả nhà chị sẽ ăn chay trong ngày mùng 1 Tết với niềm tin "ngày đầu năm thiện lành cả năm sẽ được ban lộc sức khỏe".
Không chỉ có gia đình chị Hương mà rất nhiều gia đình giữ phong tục đi lễ chùa đầu năm cũng rất đắn đo, rằng làm thế nào để cầu an trong dịp Tết nếu không thể đến chùa vì tình hình dịch bệnh.
Chia sẻ về điều này, Đại đức Thích Giác Giáo (UV Ban VHTƯ GHPGVN - Trụ trì chùa Kim Ngưu - Lăng Quốc Hoa, Bắc Ninh) cho biết: "Trong hơn 2 năm vừa qua do ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới tất cả các tôn giáo đã có những hướng thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh mà vẫn giữ được các hoạt động tôn giáo.
Phật giáo Việt Nam nói riêng và Phật giáo trên toàn Thế giới nói chung, đã có những hình thức thay đổi, sử dụng các nền tảng thông minh, trực tuyến qua internet để giúp tăng ni, Phật tử hoạt động mà vẫn giữ được tinh thần chống dịch".
Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các hoạt động cầu may năm mới qua hình thức online của chùa Kim Ngưu đã được tổ chức thành công, diễn ra suôn sẻ, nhận được sự tham gia từ nhiều Phật tử trên cả nước.
Trong dịp Tết Nguyên đán 2022 tới đây, chùa Kim Ngưu tiếp tục thực hiện các hoạt động cầu an, lễ bái với hình thức online để giúp thuận tiện và đảm bảo an toàn cho các tăng ni, Phật tử.
Đại đức Thích Giác Giáo (UV Ban VHTƯ GHPGVN - Trụ trì chùa Kim Ngưu - Lăng Quốc Hoa, Bắc Ninh).
"Có rất nhiều tăng ni, Phật tử trên cả nước có nguyện vọng được trở lại chùa và tham gia các nghi lễ Phật giáo trong dịp năm mới.
Tuy nhiên, với những quy định của Chính phủ cũng như để đảm bảo an toàn cho các tăng ni, Phật tử, chùa Kim Ngưu vẫn tiếp tục thực hiện các nghi lễ Phật giáo bằng hình thức trực tuyến.
Năm nay do tình hình dịch bệnh khó khăn, nhà chùa cũng không đầu tư quá nhiều chi phí cho việc trang trí đón Tết Nguyên đán", Đại đức Thích Giác Giáo cho hay.
Theo Đại đức Thích Giác Giáo, nếu như tình hình dịch trong dịp Tết quá căng thẳng, người dân có thể an tâm ở nhà theo dõi các nghi thức cầu an qua màn hình nhỏ. Lễ cầu an sẽ được phát sóng trực tuyến trên kênh truyền hình An Viên, Fanpage chùa Kim Ngưu, và cho đăng ký online để tăng ni, Phật tử dễ dàng tham gia.
"Mọi người cứ nghĩ đầu năm là phải đi cầu may, cầu phúc,... Thực ra những điều đó đều xuất phát từ trong tâm mỗi người. Người ta nói: "Tâm an thì vạn sự an, tâm bất an mọi việc khó thành".
Nếu như các vị ở nhà cùng quý thầy thực hiện các nghi thức online, mọi người sẽ không cần lo lắng về yếu tố dịch bệnh, ảnh hưởng tới sức khỏe thì đó là việc nên làm. Nếu như đi chùa cầu an mà về nhà tâm lại bất an thì đó không phải là điều tốt.
Khi tâm tưởng tốt thì mọi điều lành sẽ tới. Hãy gieo những nhân lành trong dịp đầu năm xuất phát từ những việc nhỏ nhất.
Ta có thể tự tay vun trồng một cây xanh để góp phần bảo vệ môi trường, thực hiện nghi thức phóng sinh trong dịp đầu năm, hay có thể phát công đức tu sửa Chùa. Ngoài ra, các tăng ni, Phật tử có thể phát tâm, cúng dường qua ví điện tử khi không đến được chùa.
Tôi cho rằng, có những yếu tố văn hóa cần bảo tồn thì chúng ta nhất định phải gìn giữ, kể cả bảo thủ để giữ gìn cũng nhất quyết phải làm cho bằng được. Còn yếu tố nào có thể đổi mới thì nên sáng tạo để phù hợp với thời cuộc.
Trong hoàn cảnh éo le do dịch bệnh, chúng ta vẫn tìm ra những phương pháp, sáng tạo giúp cho hoạt động tôn giáo không bị giãn đoạn và đình trệ. Tăng ni, Phật tử trên cả nước hãy tuân thủ các quy định của Chính phủ để muôn người đón Tết Nguyên đán an yên, ta bảo vệ mình cũng chính là bảo vệ sức khỏe cộng đồng", Đại đức Thích Giác Giáo chia sẻ.
Theo Ngọc Linh/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/van-hoa/khong-the-den-chua-dip-dau-nam-nguoi-dan-nen-lam-gi-de-cau-may-20220122235657062.htm