Mặc dù ngày Tết rất đa dạng về đồ ăn, thức uống nhưng không phải thực phẩm nào cũng có giá trị dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe của thai phụ.
Phụ nữ mang thai trong ngày Tết cũng phải đảm bảo ăn uống đầy đủ dưỡng chất, không ăn quá no, cũng không ăn quá ít. Ăn một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh sẽ giúp thai phụ cảm thấy thoải mái và cung cấp mọi thứ thai phụ và thai nhi cần.
Thực phẩm mà thai phụ ăn là nguồn dinh dưỡng chính của thai nhi, vì vậy điều quan trọng là phải nhận được tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết.
Trong những ngày Tết, thai phụ cũng nên lập một thực đơn lành mạnh.
1. Một số thực phẩm ngày Tết mà thai phụ không nên ăn
1.1 Rượu, bia, cà phê, trà, nước ngọt có gas, nước tăng lực
Bổ sung đủ chất lỏng khi mang thai là điều cần thiết. Phụ nữ mang thai nên uống 2-3 lít mỗi ngày. Uống chất lỏng trong ngày đảm bảo hydrat hóa tốt và giúp thải các chất cặn bã ra khỏi cơ thể mẹ và bé qua đường tiểu. Kết hợp với chế độ ăn uống nhiều chất xơ, chất lỏng cũng giúp ngăn ngừa táo bón.
Nước là thức uống lý tưởng khi mang thai. Nước ép trái cây và rau, nước canh, súp và sữa cũng góp phần vào tổng lượng chất lỏng của mẹ. Tuy nhiên, nên hạn chế hoặc tránh những đồ uống có chứa cafein như cà phê, trà, nước ngọt và nước tăng lực. Nếu có thói quen uống trà thảo mộc, thai phụ nên uống các loại như trà gừng để giảm buồn nôn, trà bạc hà giảm ốm nghén, trà bồ công anh tốt cho bà bầu, lợi sữa, trà tía tô giảm táo bón, trà hoa cúc thanh nhiệt… nhưng cũng không nên quá 2 chén mỗi ngày. Trà xanh không nên uống vì ảnh hưởng đến nhịp tim của thai nhi.
Rượu, bia có thể gây ra các vấn đề cho em bé trong suốt thai kỳ, kể cả trước khi phụ nữ biết mình mang thai. Sử dụng rượu bia trong ba tháng đầu của thai kỳ có thể khiến em bé có những đặc điểm bất thường trên khuôn mặt. Các vấn đề về tăng trưởng và hệ thống thần kinh trung ương (ví dụ, nhẹ cân, các vấn đề về hành vi) có thể xảy ra do sử dụng rượu bất cứ lúc nào trong thai kỳ. Bộ não của em bé đang phát triển trong suốt thai kỳ và có thể bị ảnh hưởng khi tiếp xúc với rượu.
Nên hạn chế uống cà phê trong thai kỳ.
Cà phê và trà: Cà phê và trà không bị cấm uống trong thời kỳ mang thai, nhưng nên hạn chế. Phụ nữ được khuyến cáo không nên dùng quá 300 mg caffeine mỗi ngày. Caffeine kích thích hệ thần kinh của mẹ và thai nhi. Quá nhiều caffeine có thể khiến tim đập nhanh, hồi hộp và rối loạn giấc ngủ. Đôi khi, thai kỳ khiến phụ nữ nhạy cảm hơn với tác động của caffeine. Ngoài ra, quá nhiều caffeine sẽ làm tăng nguy cơ sẩy thai và sinh non.
Nước ngọt, nước ngọt có gas, nước tăng lực: Phụ nữ mang thai nên để ý lượng nước ngọt và sô cô la, vì chúng cũng chứa caffeine. Một lon cola 355 ml chứa 36–50 mg caffeine. Lượng caffeine tối đa mà một loại nước tăng lực có thể chứa là 180 mg trên 591 ml hoặc ít hơn.
Tuy nhiên, một số sản phẩm vẫn có thể vượt quá giới hạn này. Bất kể mức độ caffeine là bao nhiêu, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên phụ nữ mang thai không nên uống nước tăng lực.
1.2 Thực phẩm xông khói, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn tái, các món chiên rán
Các món ăn chế biến sẵn như thịt xông khói, giò chả, nem chua, nem rán… luôn có sẵn trong những ngày Tết. Tuy nhiên, đây là những loại đồ ăn rất dễ khiến mẹ bị rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, khó tiêu và làm gia tăng chứng ốm nghén, nôn ói. Giò lụa, giò thủ, thịt xông khói… chứa quá nhiều muối và năng lượng nên bạn nên ăn điều độ.
Các loại bánh kẹo ngọt, mứt: Ăn quá nhiều đồ ngọt khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ mẹ tăng cân, mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật và làm tăng nguy cơ trẻ bị thừa cân sau này.
Bánh chưng, bánh tét: Được làm từ gạo nếp, đậu xanh và thịt mỡ nên chứa hàm lượng dinh dưỡng khá cao. Do đó mẹ bầu chỉ nên ăn vừa phải để tránh tình trạng khó tiêu, nóng ruột, đầy bụng. Trong một bữa ăn chỉ nên dùng 200gr, không nhất thiết phải tiêu thụ các nguồn tinh bột khác như cơm, bánh mì,… Đặc biệt những mẹ bầu đang gặp phải tình trạng béo phì, cao huyết áp hay đái tháo đường thì cần hạn chế tối đa.
Nếu thai phụ bị viêm loét dạ dày, đại tràng, hay ợ nóng, nôn nghén nhiều hoặc đang có các rối loạn tiêu hóa khi mang thai thì không nên dùng món dưa hành. Món ăn này sẽ khiến dạ dày tiết dịch vị nhiều hơn vì thế làm các bệnh trên của mẹ bầu sẽ tiến triển nặng hơn.
Canh măng: Đây là một trong những món ăn phổ biến ngày Tết nhưng các chuyên gia khuyến cáo các thai phụ, nhất là với những ai đang trong tam cá nguyệt đầu tiên thì nên hạn chế ăn. Lý do là bởi trong những tháng đầu thai kỳ, do chưa thích nghi được với thay đổi của cơ thể và bị ốm nghén, hầu hết các mẹ thường không ăn được nhiều.
Măng chứa nhiều chất xơ, nếu ăn nhiều dễ dẫn đến no lâu và đầy hơi. Hơn nữa nếu không biết cách chế biến, món ăn này dễ dẫn đến tình trạng ngộ độc, rất nguy hiểm cho mẹ bầu và thai nhi.
Móng giò tốt cho phụ nữ mang thai nhưng do móng giò chứa một lượng chất béo lớn nên thai phụ cần ăn ở một mức nhất định, không nên ăn quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng khó tiêu hóa, ăn không ngon miệng.
Hạn chế hấp thụ chất béo từ một số món ăn truyền thống trong ngày Tết như thịt lợn kho măng, thịt kho trứng… với những những món này nên ăn với rau củ quả luộc, hoặc hấp…
2. Những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng thai phụ nên ăn
Một số loại hạt ngày Tết tốt cho bà bầu không chỉ cần thiết cho sức khỏe mẹ mà còn hỗ trợ thai nhi phát triển toàn diện.
Trong những ngày Tết, mẹ bầu nên ăn các loại hạt dưa, hạt bí, hạt hạnh nhân, hạt dẻ, hạt điều… Những loại hạt này rất giàu dinh dưỡng, giúp mang đến năng lượng, sức khỏe và vẻ đẹp cho các mẹ bầu trong thai kỳ. Hạt dưa chứa protid - một chất dinh dưỡng cần thiết cho hệ thần kinh và sự phát triển của máu, xương và cơ. Ăn một ít hạt dưa hàng ngày có thể giúp tăng cường trí nhớ và ngăn ngừa bệnh tim mạch vành.
Bên cạnh đó, hạt bí ngô chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho hệ miễn dịch và giúp thai phụ ngủ ngon. Hạt hướng dương có thể làm chậm quá trình lão hóa và tăng cường sự phát triển của các tế bào thần kinh, trong khi hạt điều ngăn ngừa khỏi các bệnh tim mạch vành, tốt cho lượng đường trong máu và giảm nguy cơ đột quỵ.
Axit béo có trong dầu của các loại hạt này được đưa vào sữa mẹ chính là thực phẩm tốt. Tuy nhiên, thai phụ nên lưu ý không mua những loại hạt bị tẩm hóa chất tạo màu, chất bảo quản và chỉ nên dùng tay tách hạt, không nên đưa vào miệng cắn.
Ăn nhiều loại rau tốt cho sức khỏe của thai phụ, có thể luộc hoặc hấp rau. Súp lơ xanh, bắp cải, cà tím… chứa nhiều chất xơ và giúp giảm tác động tiêu cực của chất béo từ các loại thịt, bánh chưng, bánh tét… Một loại không thể thiếu nữa là nấm, chứa rất ít calo nhưng nhiều vitamin B.
Về trái cây, bạn nên chọn những loại ít đường như táo, đu đủ chín, cam,… để vừa bổ sung vitamin vừa giúp cơ thể sảng khoái sau những bữa tiệc. Các loại trái cây nhiều vitamin C như chuối, kiwi, dâu tây, mận sấy khô… giúp kháng viêm, dễ tiêu hóa và tăng sức đề kháng.
3. Ăn uống đủ dinh dưỡng đảm bảo sức khỏe cho thai phụ ngày Tết
Ăn nhiều cá sẽ giúp ngon miệng vì các món ăn ngày Tết thường nhiều dầu mỡ.
Những bữa ăn và lịch đi chơi ngày Tết thường không theo ý muốn, tuy vậy thai phụ cần tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm nhiều loại thức ăn và đồ uống bổ dưỡng. Nên chuẩn bị sẵn trong nhà hoặc có thể mang đi chơi xa hoặc có kế hoạch thăm hỏi họ hàng như một ít trái cây, bánh hoặc các sản phẩm từ sữa không có chất béo hoặc ít chất béo và thực phẩm protein, các loại ngũ cốc nguyên hạt. Những thứ này vừa an toàn, đảm bảo dinh dưỡng vừa giúp thai phụ chống đói khi đến bữa ăn mà chưa được ăn. Hạn chế ngũ cốc và tinh bột tinh chế, có trong thực phẩm như bánh quy và một số thức ăn nhẹ.
- Bí quyết để vui Tết mà không lo tăng cân là thay vì ăn quá nhiều một loại thực phẩm, hãy ăn đa dạng nhưng với số lượng vừa phải. Thịt gà là món ăn tốt nhất để kiểm soát cân nặng, nhưng sẽ tốt hơn khi chọn phần nạc thay vì da hoặc mỡ.
- Ăn nhiều cá sẽ giúp ngon miệng vì các món ăn ngày Tết thường nhiều dầu mỡ.
- Bánh là thức ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Bạn có thể ăn bánh quy, sô cô la nhưng không quá 100gr/ ngày. Lý tưởng hơn là chọn trái cây ít đường thay vì bánh ngọt.
- Mứt: Các loại mứt ít năng lượng được ưa chuộng hơn các loại có năng lượng cao như: mứt gừng,… nhưng cũng nên dùng vừa phải.
- Uống nhiều nước để cung cấp đủ nước cho cơ thể khi mang thai là rất cần thiết, trung bình một ngày các mẹ nên uống 8 cốc nước, ngoài việc uống nước lọc thì mẹ có thể bổ sung thêm nước ép trái cây hoặc sữa đều được. Như vậy sẽ tốt cho sức khỏe của thai phụ và thai nhi.
4. Thay đổi thói quen
Các bà nội trợ thường cố gắng tiêu thụ hết thức ăn thừa, hâm lại nhiều lần hoặc cất vào tủ lạnh nhiều ngày. Tuy nhiên, những việc làm này lại vô tình làm tăng chất béo, đường, muối,… trong thức ăn thừa và khiến cơ thể thai phụ béo hơn kèm theo nguy cơ cao mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp và các bệnh về đường huyết.
Ngoài ra, bảo quản thức ăn lâu trong ngăn mát tủ lạnh không đúng cách vẫn có nguy cơ nhiễm khuẩn gây ngộ độc.
Để Tết trở nên ý nghĩa hơn cả về vật chất và tinh thần, thai phụ cần kiểm soát cân nặng hiệu quả thông qua chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng kết hợp với lối sống lành mạnh, tránh tăng cân để đảm bảo một năm mới dồi dào sức khỏe, sinh bé khỏe mạnh.
Theo suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/loai-bo-nhung-sai-lam-ve-che-do-dinh-duong-cho-ba-bau-trong-ngay-tet-169220124232519421.htm