Dị ứng thức ăn là vấn đề thường gặp trong ngày Tết. Các món ăn ngày Tết thường nhiều đạm, đường bột và ít rau quả tươi. Ngoài ra có thể có món lạ không giống như mọi ngày nên với những người có cơ địa dị ứng dễ phản ứng miễn dịch bất lợi với một loại protein nào đó có trong thực phẩm.
1. Tổng quan về dị ứng thực phẩm ngày Tết
Dị ứng thực phẩm là tình trạng hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức với một loại protein đặc biệt có trong thức ăn. Các triệu chứng có thể xảy ra khi tiếp xúc với chỉ một lượng nhỏ thức ăn.
Loại thức ăn thường gặp các phản ứng dị ứng gồm: Sữa bò, trứng, cá, đậu phộng, động vật có vỏ, đậu nành, hạt cây, lúa mì…
Tuy nhiên, ngày Tết chất gây dị ứng chính có trong thức ăn thường là các protein có nguồn gốc từ động thực vật, các protein này thường bền vững với nhiệt độ nên khi chế biến nấu chín vẫn giữ nguyên cấu trúc và gây dị ứng.
Ngoài ra, dị ứng cũng có thể xảy ra khi ăn những loại hạt hay để tiếp khách. Đây được coi là thực phẩm có tiềm năng gây dị ứng lớn nhất, theo nghiên cứu khoảng 0,5% dân số dị ứng với các hạt này, bệnh hiếm khi tự khỏi. Với những người bị dị ứng với một loại hạt cây thường cũng sẽ dị ứng với các loại hạt cây khác và có thể dị ứng chéo với lạc. Dị ứng hạt điều được cho là nặng hơn dị ứng lạc.
Phát ban là biểu hiện cơ bản của dị ứng thực phẩm
2. Nguyên nhân dị ứng thực phẩm
Dị ứng thức ăn là một phản ứng miễn dịch bất lợi với một loại protein trong thực phẩm. Phản ứng dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể xác định nhầm một protein là có hại, cho rằng cơ thể đang bị tấn công nên gửi các tế bào bạch cầu đến bảo vệ và gây ra phản ứng dị ứng. Thông thường dị ứng thức ăn dễ xuất hiện ở những bệnh nhân có cơ địa dị ứng, như người đã từng bị viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, chàm và hen suyễn…
Các yếu tố thuận lợi cho dị ứng thức ăn gồm: di truyền, chủng tộc và độ tuổi. Theo nghiên cứu khoảng 70% các cặp song sinh cùng trứng bị các bệnh dị ứng chung, 40% các cặp song sinh khác trứng có cùng một loại dị ứng. Cha mẹ mắc các bệnh dị ứng thì con cái của họ nguy cơ bị dị ứng cao hơn so với các trẻ khác.
Tuy nhiên, một số biểu hiện dị ứng lại không cùng kiểu gen, ví dụ cha mẹ bị dị ứng với đậu phộng thì con có thể bị dị ứng với cỏ phấn hương, nghĩa là khả năng phát triển bệnh dị ứng được kế thừa và liên quan đến một bất thường trong hệ thống miễn dịch, nhưng các chất gây dị ứng cụ thể thì không có tính kế thừa.
3. Dấu hiệu nhận biết dị ứng thực phẩm
Các phản ứng dị ứng với thức ăn thường xảy ra trong vòng vài phút sau khi ăn, đôi khi có thể xuất hiện một vài giờ sau đó.C ác triệu chứng của dị ứng thức ăn bao gồm:
- Phát ban hoặc đỏ, ngứa da.
- Ngạt mũi, ngứa mũi, hắt hơi hoặc ngứa mắt, chảy nước mắt.
- Nặng hơn là nôn mửa, đau bụng hoặc tiêu chảy, phù mạch hoặc sưng.
Trong một số trường hợp, dị ứng thức ăn có thể gây ra một phản ứng nghiêm trọng được gọi là sốc phản vệ. Các dấu hiệu của phản ứng này bao gồm:
- Khàn tiếng, cổ họng căng hay một khối sưng trong cổ họng.
- Thở khò khè, tức ngực hoặc khó thở.
- Ngứa ran ở bàn tay, bàn chân, môi hoặc da đầu.
Như vậy có thể thấy, dị ứng thực phẩm có thể chỉ nổi mề đay nhưng cũng có trường hợp nặng như: Khó thở, co thắt phế quản và phù thanh môn… thậm chí là sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.
4. Điều trị dị ứng thực phẩm
Dị ứng thực phẩm cần nhận biết sớm và điều trị theo nguyên tắc tránh tiếp xúc với các dị nguyên. Chính vì vậy, khi thấy có biểu hiện của dị ứng, cần ngừng ăn loại thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng để theo dõi các triệu chứng của bệnh có thuyên giảm không. Khi phát hiện chính xác thực phẩm hay thành phần của thực phẩm gây dị ứng, hãy ngừng ăn thực phẩm này cũng như các chế phẩm của loại thức ăn trên.
Đối với dị ứng thực phẩm nhẹ, không cần dùng thuốc điều trị mà cơ thể có thể tự điều chỉnh. Đối với biểu hiện dị ứng nặng, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế điều trị.
Đối với người có tiền sử dị ứng thực phẩm nổi mẩn đỏ, ngứa, sốt… cần lưu ý khi lựa chọn thực phẩm, xem kỹ thành phần thực phẩm và các chất phụ gia được ghi trên nhãn mác trước khi mua và cũng cần mang theo thuốc chống dị ứng để điều trị kịp thời.
Người cơ địa dị ứng nên cẩn thận với các loại hạt.
Dị ứng thức ăn hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị dị ứng phải tránh tiếp xúc với loại protein thức ăn đã gây dị ứng. Một số loại thuốc có thể sử dụng để ngăn ngừa, giảm nhẹ hoặc điều trị các phản ứng dị ứng. Chính vì vậy, trong một số trường hợp cần chẩn đoán chính xác tác nhân gây dị ứng, để có thể đến các khoa Dị ứng - Miễn dịch tại các bệnh viện để thăm khám kiểm tra các test dị nguyên. Không được tự ý mua hay sử dụng thuốc bởi hành động này có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ khôn lường như sốc phản vệ, dị ứng nặng hơn.
Tóm lại: Dị ứng thực phẩm có thể khởi phát cấp tính, từ vài giây đến vài giờ; Mức độ nặng và số lượng thực phẩm gây dị ứng cũng thay đổi theo từng cá nhân. Biểu hiện dị ứng thực phẩm có thể nhẹ, trong thời gian ngắn (vài giây) nhưng cũng có thể kéo dài hàng giờ với biểu hiện nhẹ ở da, đường tiêu hóa, nhưng cũng có thể rất nặng với những biểu hiện của hệ hô hấp và tuần hoàn.
Chính vì vậy, ngày Tết có các món lạ với người có tiền sử dị ứng cần xem xét kỹ có nên ăn không, nếu ăn phải ăn từ từ từng lượng nhỏ để tránh tình trạng dị ứng sẽ nguy hại tới sức khoẻ.
Hiện nay chưa có phương pháp chữa dị ứng thức ăn và cũng không có thuốc để phòng ngừa phản ứng. Do vậy cần thực hiện tránh tiếp xúc với protein thức ăn có thể gây ra phản ứng dị ứng. Nghĩa là thức ăn gây dị ứng phải được loại bỏ khỏi khẩu phần ăn của người bệnh, người bệnh cần đọc kỹ các thành phần trong thức ăn trước khi ăn các thực phẩm chế biến sẵn, hoặc tự chẩn bị thức ăn cho riêng mình.
Theo BS. Nguyễn Thị Ngọc Hường/suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/di-ung-thuc-an-ngay-tet-nhan-biet-va-cach-xu-tri-169220127203644467.htm