Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp của Thường trực Chính phủ đánh giá tình hình Tết Nguyên đán Nhâm Dần và những triển khai nhiệm vụ trọng tâm sau Tết.
Chiều nay (3/2), tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ đánh giá tình hình Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết và công tác phòng, chống dịch COVID-19. Dự họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ
Tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tình hình, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; công tác khám, chữa bệnh; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết được đảm bảo. Trong dịp Tết, tình hình thị trường cả nước ổn định; không phát hiện những diễn biến bất thường nổi cộm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đảm bảo cung ứng điện, nhiên liệu đầy đủ, ổn định. Hoạt động tổ chức Tết trồng cây, ra quân sản xuất đầu năm được tổ chức theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong dịp Tết Nguyên đán, cả nước đã chi 8.324 tỷ đồng chăm lo đời sống cho 57,81 triệu lượt đối tượng là người có công với cách mạng, người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đồng bào ở các vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất... Chính phủ đã quyết định hỗ trợ tổng số hơn 18.687 tấn gạo cứu đói cho hơn 1,2 triệu nhân khẩu của 18 tỉnh dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và giáp hạt đầu năm 2022.
Tình hình giao thông trên toàn quốc, đặc biệt tại địa bàn thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được bảo đảm, ổn định, không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng; trong 03 ngày nghỉ Tết vừa qua tình hình tai nạn giao thông giảm cả 3 mặt (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với cùng kỳ năm trước. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên cả nước ổn định, không có diễn biến bất thường, không xảy ra các vụ việc phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng.
Các địa phương trong cả nước đã tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc, tạo không khí vui tươi phấn khởi cho nhân dân. Đội tuyển bóng đá nam và đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đều giành chiến thắng, tạo khí thế và hứa hẹn một năm nhiều thành công.
Các khu, điểm du lịch đều chấp hành nghiêm chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức các hoạt động phục vụ khách du lịch. Hầu hết các địa phương, các trường đại học, cao đẳng đã có kế hoạch đưa học sinh, sinh viên trở lại trường học bắt đầu từ các ngày 7-14/2.
Các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường tuyên truyền, quán triệt cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện nghiêm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện nghiêm quy định về việc cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức, không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định...
Trong dịp nghỉ Tết, tính đến ngày 3/2, chưa xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng. Công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân được đảm bảo. Đáng chú ý, công tác phòng, chống dịch COVID-19 được quan tâm. Trong 05 ngày nghỉ Tết (từ 29/01 - 02/02/2022), trung bình mỗi ngày cả nước ghi nhận khoảng 12.200 ca mắc và 100 ca tử vong do COVID-19, thấp đáng kể so với tuần trước đó. Thực hiện chiến dịch tiêm chủng thần tốc mùa Xuân năm 2022, trong các ngày từ 29/01 đến 02/02, cả nước tiêm chủng được hơn 782.000 liều vaccine tại 30 tỉnh, thành phố.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại cuộc họp
Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến nay, dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước; công tác phòng chống dịch đang từng bước đạt được những kết quả khả quan, số ca mắc mới, số chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm; các hoạt động giao thương, đi lại của người dân trong dịp Tết cơ bản diễn ra thuận lợi. Mặc dù vậy, trong bối cảnh nước ta đang dần mở cửa lại các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế xã hội; nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán có sự gia tăng giao lưu đi lại của người dân tại tất cả các địa phương, việc tổ chức lễ hội văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, việc thăm hỏi người thân, việc di chuyển của người dân trở lại làm việc sau Tết…dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca nhiễm bệnh sau dịp Tết, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả việc lây nhiễm biến thể Omicron. Nếu không kiểm soát, số mắc tăng quá mức, sẽ tăng ca nặng, gây quá tải hệ thống y tế dẫn đến nhiều trường hợp tử vong ngoài ý muốn./.
Theo Vũ Khuyên/VOV
https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-chu-tri-phien-hop-danh-gia-tinh-hinh-tet-nham-dan-2022-post922210.vov