Mỗi lần nói lời sau cùng trước khi tòa tuyên án, hầu hết đều trải lòng bằng những lời “gan ruột”. Dư luận thấy trong đó sự cay đắng, nỗi ân hận và cả những tiếc nuối.
Thời gian gần đây, những phiên tòa xử cựu cán bộ “nhúng chàm” đã không còn là chuyện lạ. Đó cũng là công đoạn cuối cùng trong cuộc chiến làm trong sạch đảng, trong sạch đội ngũ, từ kỷ luật Đảng đến truy tố, xét xử. Có người bị áp dụng hình thức tạm giam, có người được tại ngoại trước khi đến tòa nhưng tất cả trong số họ đều có khoảng thời gian tĩnh lặng để suy nghĩ, để chiêm nghiệm mà khi ở đỉnh cao quyền lực, nhiều khi họ không có thời gian để làm việc đó. Có người lần đầu ra tòa, có người lần thứ 2 thứ 3. Mỗi lần nói lời sau cùng trước khi tòa tuyên án, hầu hết đều trải lòng bằng những lời “gan ruột”. Dư luận thấy trong đó sự cay đắng, nỗi ân hận và cả những lời tiếc nuối.
Xin được “ăn cái Tết cuối cùng với gia đình”
Ngày 17/1/2018, phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM đã gây chấn động dư luận bởi đây là phiên tòa lịch sử. Lần đầu tiên, một cựu Ủy viên Bộ Chính trị bị đưa ra xét xử. Ông Thăng cùng 21 đồng phạm hầu tòa vì những sai phạm xảy ra khi làm Chủ tịch Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị (HĐTV/HĐQT) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Ông Đinh La Thăng đang phải chấp hành hình phạt tù tổng cộng là 30 năm
Nói lời sau cùng trước tòa, ông Thăng kể lại những năm tháng cơ cực cùng vợ lên nhận công tác tại công trường xây dựng sông Đà với khát vọng của tuổi trẻ, tất cả vì mục tiêu dòng điện ngày mai của Tổ quốc. Sau 33 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, trải qua nhiều cương vị công tác, ông luôn "nỗ lực cùng tập thể phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao".
"Bị cáo không bao giờ nghĩ mình đứng trước phiên toà để nói lời cuối cùng hôm nay. Đây thực sự là điều đau xót và bất hạnh đối với bị cáo và gia đình"- ông Thăng nói.
Xin lỗi Đảng, xin lỗi Nhân dân, bày tỏ ân hận vì còn nợ Nhân dân quá nhiều với những ước mơ và khát vọng chưa thực hiện kịp, ông Đinh La Thăng bày tỏ mong muốn sau cùng là thay đổi hình thức ngăn chặn để được "ăn cái Tết cuối cùng cùng bên gia đình và người thân" trước khi chấp hành hình phạt.
Tất nhiên, mong ước tưởng như bình dị nhất của ông Thăng sẽ không bao giờ được chấp nhận bởi không có ngoại lệ nào cho bị cáo, dù có ở đỉnh cao quyền lực đến đâu.
Tháng 3 năm 2021, ông Đinh La Thăng hầu tòa lần thứ 3 trong vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ, gây thất thoát hơn 543 tỷ đồng. HĐXX tuyên ông Đinh La Thăng mức án 11 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hợp hình phạt với các vụ án trước là 30 năm tù.
Một lần nữa nói lời sau cùng trước Tòa, ông Thăng "xin nhận thay cả phần hình sự lẫn dân sự' cho cấp dưới. Tuy nhiên, bị cáo này cho rằng, trong vụ án trên, các bị cáo không có sự bàn bạc, đồng phạm.
"Tôi làm thì tôi chịu trách nhiệm, nhưng khẳng định trong dự án này tôi không có sai sót. Tôi vô tội" - cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) bày tỏ.
Ông Tất Thành Cang tại phiên xét xử
Tại TP.HCM, sau 10 ngày xét xử, chiều 6/1/2022, phiên xét xử cựu cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang cùng 19 đồng phạm bước vào phần nghị án. Nói lời sau cùng trước tòa, bị cáo Tất Thành Cang đã cảm ơn các luật sư giúp mình nhận ra được bản chất vụ án. Ông Cang cho biết, khi đọc kết luận điều tra, cáo trạng chưa hiểu nhưng quá trình xét hỏi, tranh luận bị cáo đã nghe và hiểu ra được nhiều vấn đề.
Bị cáo Cang cũng xin toà, Viện xem xét hành vi của bị cáo và chấp hành phán quyết của tòa án.
Khẳng định bản thân không cố ý gây sai phạm, ông Tất Thành Cang nghẹn giọng nói "Hơn 30 năm công tác bị cáo chưa bao giờ sợ khó, sợ khổ. Điều đau xót nhất cuộc đời bị cáo đó là phải đứng trước tòa".
Theo truy tố, ông Tất Thành Cang đã có bút phê đồng ý phát hành 9 triệu cổ phiếu của Sadeco cho cho Công ty Nguyễn Kim, bỏ qua đấu giá giá trị cổ phần. Bút phê này của ông Cang đã khiến Sadeco thất thoát 1.103 tỷ đồng.
Những ăn năn, hối lỗi muộn màng
Khi đã đứng trước tòa, tiền bạc, chức tước bỏ lại phía sau. Vướng vòng lao lý, không chỉ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân mà gia đình, người thân cũng chịu nhiều áp lực. Không ít người bày tỏ nỗi ân hận khi nói lời sau cùng.
“Từ quá trình điều tra, tôi chưa bao giờ từ bỏ trách nhiệm cá nhân. Thiệt hại trong vụ việc này ảnh hưởng trực tiếp lên cá nhân, gia đình tôi khi bố già đã 85 tuổi, còn bản thân tôi mắc bệnh ung thư.” – Cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung giãi bày trong phiên tòa xét xử vụ án mua chế phẩm Redoxy-3C (tháng 12/2021).
Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Nguyễn Đức Chung
Hay như ông Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch Công ty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC), khi được nói lời sau cùng, ông Thanh nhấn mạnh “bản thân đã nghĩ rất nhiều về gia đình, bạn bè, đồng nghiệp”. Ông Thanh cho rằng, cuộc đời mình không phải toàn diện, bản thân cũng có rất nhiều lỗi lầm.
Một điểm tích cực là hầu hết các bị cáo đều nhận ra phần lỗi lầm thuộc về mình, bày tỏ mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Khi bị đưa ra xét xử trong vụ án xảy ra tại liên danh Nhật Cường – Đông Kinh (tháng 12/2021), ông Nguyễn Đức Chung bày tỏ lời cảm ơn đến Hội đồng xét xử và thừa nhận có trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu UBND TP Hà Nội. Ông Chung mong muốn nhận một bản án nhẹ nhất để sớm được đoàn tụ với bố mẹ già và điều trị căn bệnh ung thư sau khi đã trải qua hai lần phẫu thuật.
Trường hợp của ông Nguyễn Duy Linh, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo - Bộ Công an cũng tương tự. “Hiện giờ sức khoẻ của tôi rất yếu, cũng không mong muốn gì cả, chỉ mong HĐXX xem xét sức khoẻ, cống hiến, thân nhân để cho tôi nhận khoan hồng” – Ông Linh nói trước tòa.
Cựu Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Tình báo - Nguyễn Duy Linh
Từng là Anh hùng lao động, từng lãnh đạo bệnh viện tuyến cuối lớn nhất miền Bắc, ông Nguyễn Quốc Anh – nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội bị đưa ra xét xử trong vụ án nâng khống giá robot điều trị tại BV Bạch Mai. Ông Nguyễn Quốc Anh cho biết bản thân “cảm thấy đau xót” khi phải đứng trước tòa, chịu sự phán xét của pháp luật.
"Chúng tôi đã hết lòng vì người dân, rất mong muốn có các thiết bị này để điều trị cho người dân trong nước. Trong quá trình triển khai gây ra sự nóng vội, dẫn đến thiếu sót một số thủ tục hành chính, bên cạnh đó Thông tư 15 quy định không rõ ràng. Hôm nay đứng tại đây, chịu phán xét của pháp luật khiến bị cáo vô cùng đau xót" - cựu Giám đốc BV Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh nói với Hội đồng xét xử.
Trong vụ án xảy ra tại Sabeco, cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng khẳng định đã phải nhận những bài học đắt giá: “40 năm công tác, trải qua nhiều cương vị, tôi đã cố gắng hết sức hoàn thành công việc được giao. Nhưng cũng không tránh khỏi những sai sót, sai phạm. Vụ án xảy ra là bài học đắt giá, tôi đã nhận trách nhiệm với những việc tôi làm. Tôi mong được xem xét khách quan, toàn diện, để HĐXX có những phán quyết giúp tôi vừa nhận ra sai phạm, lỗi lầm của mình, vừa tạo điều kiện để quãng thời gian còn lại tôi có thể cố gắng sống tốt hơn”.
Cựu lãnh đạo BV Bạch Mai - Nguyễn Quốc Anh
Năm 2021, công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng tiếp tục được đẩy mạnh. Tiêu chí “không có vùng cấm” đã được thể hiện rõ nét trong nhiều vụ án. Nhiều quan chức cấp cao đã bị khởi tố, bắt tạm giam hoặc phải hầu tòa. Việc xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội với những cựu quan chức có sai phạm đã thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: Kỷ luật cán bộ thật đau xót, nhưng không thể không làm. Việc xét xử minh bạch sai phạm của những người từng giữ chức vụ cao vừa có tính răn đe, vừa góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Sau những bản án được tuyên, mỗi người đều phải trả giá cho những sai lầm của họ. Đó cũng là những bài học cảnh tỉnh cho những ai có ý định “nhúng chàm”./.
Theo Trọng Phú/VOV.VN
https://vov.vn/phap-luat/quan-chuc-nga-ngua-va-nhung-loi-sau-cung-day-dut-truoc-toa-post921041.vov