Cuối tuần, tôi và vài người bạn thân hay xách xe chạy về phía núi, nơi mà mặt trời như to hơn ở phố, mặt trăng như sáng hơn. Và những con sông cũng trong hơn soi rõ gương mặt đầy bụi của chúng tôi khi mấy thằng lội qua đoạn ven bờ, cạn nước.
Một dạo, chưa dịch giã, cuối tuần, tôi và vài người bạn thân hay xách xe chạy về phía núi, nơi mà mặt trời như to hơn ở phố, mặt trăng như sáng hơn. Và những con sông cũng trong hơn soi rõ gương mặt đầy bụi của chúng tôi khi mấy thằng lội qua đoạn ven bờ, cạn nước. Con sông chạy viền quanh núi yên lặng đến khó ngờ. Đến nỗi nghe tiếng cá quẫy cũng đoán được loài cá to hay nhỏ. Như đời người sau bão giông cũng sẽ có những khúc trầm. Mình soi mình thấu đáy thấy những vệt thời gian, khi thì sẫm màu nóng dữ dội, lúc mỏng như sương như khói.
Ai rồi cũng vậy, vui buồn như sông suối, mùa hân hoan trào dâng, mùa hắt hiu cạn kiệt nhưng vẫn phải chảy không ngừng, bền bỉ. Gần gũi với thiên nhiên, mình chợt nhận ra những người ở núi, họ ít thèm khát tiện nghi; những nhu cầu vật chất cũng đơn giản hơn người thành phố. Họ thích cười hơn là trách móc, thích nhảy múa, hát ca hơn là soi mói nhau. Vậy tại sao mình không lên núi để nghe lời của núi.
Trong số bạn bè nơi điểm anh em hay đến có hắn. Thô ráp, râu ria mà lãng mạn. Hắn thích rủ những người thân về chơi núi. Ở đó có hết thảy trừ bụi bặm, gầm gào xe cộ thành phố: Hồ sương, núi trong mây, nhà sàn thơm khói bếp, những món đồ núi hăng hăng một vị hoang mộc. Trời đông lạnh, sương đến giữa chiều là là trên những khóm hoa. Những dãy nhà nhỏ hắn tự thiết kế cheo leo bám vào những triền đồi. Ở giữa lòng chảo như một khu “minh đường” tụ khí là cơ man hoa các loại, rực những sắc màu.
Tốt nghiệp đại học loại ưu, cơ hội để hắn làm việc tại thành phố có rất nhiều. Nhưng bỏ sang một bên những lời mời mọc, khuyên nhủ, hắn vay mượn mua chiếc xe phân phối lớn mà hắn mơ ước từ thời đi học... để lên đường tìm chân trời riêng mình. Rồi ấp ủ những dự định khai phá những vùng hoang vu, vừa kinh doanh du lịch vừa phát triển hạ tầng, mà vẫn bảo vệ được sự hài hòa với thiên nhiên, nâng cao ý thức cộng đồng. Lợi nhuận không phải là tất cả, việc giúp bà con bản địa cải thiện đời sống bằng cách quan tâm tới việc mở mang đường sá, dựng nhà, dựng cửa, cùng làm du lịch.
Hắn rời phố thị đi chinh phục những vùng đất hoang, mang theo người vợ hiền nhỏ xinh, thằng nhóc và cây guitar cũ. Bạt núi san đồi, những khu đất lạ thành quen, tiếng người ở đâu tiếng bản vang đến đó, quy tụ những cư dân đầu tiên. Vợ con hắn cũng leo đèo, lội suối hình thành bộ ba chinh phục thiên nhiên. Hắn tổ chức những tour hoang dã, “ném” lũ trẻ vào thiên nhiên, dạy chúng cách thích nghi với hoàn cảnh sống, với điều kiện tự nhiên. Chúng được hắn đưa đi men theo những con đường núi, được bơi lội trong những hẻm suối trong, tự mình nhóm lửa nướng cá, nướng khoai sắn cho bữa ăn qua ngày. Mô hình giống với những Khu quân sự cũ ở nhiều nơi sau chiến tranh được biến thành nơi “huấn luyện” kỹ năng sinh tồn, thích nghi hoàn cảnh hoang dã (!). Đêm về nơi góc rừng sương lạnh, dưới ánh đèn hoe hoe vàng, hắn ngồi như một Robinson xứ núi, cô đơn mà kiêu hãnh.
Chợt nhớ một ông bạn mãi tận cực Nam, có máu mặt trong làng văn nghệ, làm phim, viết báo ầm ầm, một ngày khi ngọn gió từ quê thổi ra phố thị hiu hiu một nỗi nhớ, bạn quyết định tạm gác lại chuyện chữ nghĩa, tác phẩm, về với đồng rộng sông dài, chỉnh trang lại những vuông tôm bát ngát; đắp bờ, xây chòi… như một ông nông dân đích thực. Lúc mệt ngả lưng ngay cánh dù võng, nghe muỗi vo ve, ca vài điệu cổ nhạc buồn. Sống thế, trang viết mới sinh động, những con chữ như thấm mồ hôi và những hơi gió, có hồn và phập phồng nhịp thở.
Không có trang sách nào hay hơn trang sách bao la từ thiên nhiên, núi non, sông suối. Bọn trẻ thành phố giờ bị nhốt trong những cái hộp. Bố mẹ đi làm cả ngày, chúng chui vào chiếc smartphone, không biết đến một tiếng chim kêu, một nhành lá vẫy, một trang sách mở. Những đứa trẻ “gà công nghiệp” giỏi lập trình máy móc lại thờ ơ với những bức tranh, trang sách. Chúng nghèo những kỹ năng sống. Đi biển, ra sông, chúng cũng núp vào phòng khách sạn, chối bỏ những vẻ đẹp hoang sơ ngoài kia…
Gợi cho trẻ yêu một nhánh cây non trỗi dậy từ cái hạt nhỏ, mai này lớn chúng mới yêu rộng dài núi sông, mới biết rung cảm trước ngọn gió thổi hoang sơ trên những dải đồng thơm mùi lúa. Sự tử tế của mỗi con người cũng cần được đắp bồi từ những điều thật giản dị, trong những không gian trong trẻo, tự núi cao và những triền sông khoáng đạt./.