Bộ Y tế cho biết đến nay đã có hơn 2,12 triệu ca COVID-19 khỏi bệnh; trong số các F0 đang điều trị có hơn 2.200 ca nặng; Cảnh báo nguy cơ lây lan dịch COVID-19 sau Tết tại nhiều địa phương...
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.380.695 ca mắc COVID-19, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 24.111 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.373.577 ca, trong đó có 2.123.960 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (514.649), Bình Dương (293.000), Hà Nội (153.899), Đồng Nai (99.965), Tây Ninh (88.606).
Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.126.777 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.263 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 1.489 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 365 ca; Thở máy không xâm lấn: 57 ca; Thở máy xâm lấn: 336 ca; ECMO: 16 ca
Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 92 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 38.521 ca, chiếm tỷ lệ 1,6% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 32.389.970 mẫu tương đương 77.407.202 lượt người, tăng 65.340 mẫu so với ngày trước đó.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 183.196.831 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.148.668 liều, tiêm mũi 2 là 74.356.060 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 29.692.103 liều.
Cảnh báo nguy cơ lây lan dịch COVID-19 sau Tết
Sở Y tế TP HCM đã có văn bản khẩn gửi UBND TP Thủ Đức, quận, huyện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, Trung tâm Y tế TP Thủ Đức, cơ sở y tế công lập và ngoài công lập về việc đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Sở Y tế cho biết dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và sự gia tăng mức độ giao lưu, đi lại của người dân trong dịp Tết sẽ làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Sở Y tế đề nghị UBND TP Thủ Đức, quận, huyện tăng cường rà soát và lập danh sách những người trở về từ các tỉnh, thành phố hoặc đang sống trên địa bàn chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ để vận động người dân đến cơ sở y tế tiêm chủng phòng COVID-19.
Tăng cường truyền thông, nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, không lơ là chủ quan ngay cả khi đã tiêm đủ mũi vaccine phòng COVID-19. Tăng cường giám sát, kiểm tra công tác quản lý người nhập cảnh cách ly theo quy định.
Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động người dân từ các tỉnh, thành phố trở về và cư trú trên địa bàn tuân thủ thông điệp 5K, tự theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như sốt, ho, khó thở... hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm COVID-19 và xử trí theo quy định.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP tập trung triển khai, kiểm tra, giám sát hoạt động tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và mũi 2 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Tiếp tục triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 mùa Xuân.
Sở Y tế giao các cơ sở y tế công lập, ngoài công lập, phòng xét nghiệm có xét nghiệm COVID-19 tăng cường rà soát, sàng lọc người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm COVID-19 đến khám tại bệnh viện, thực hiện xét nghiệm và cách ly kịp thời, đảm bảo phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, khi phát hiện ca có dấu hiệu nghi ngờ biến chủng Omicron (qua xét nghiệm RT-PCR), các cơ sở khám, chữa bệnh phải báo cáo ngay đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP để thực hiện điều tra, xác minh và gửi mẫu thực hiện xét nghiệm giải trình tự gene theo quy định.
Các trung tâm y tế TP Thủ Đức và quận, huyện chỉ đạo trạm y tế thực hiện giám sát người nhập cảnh; tăng cường hoạt động giám sát nhằm phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường…
Hải Dương ghi nhận thêm 1.245 ca mắc COVID-19, tăng 400 ca so với 7/2, cũng là ngày số ca mắc cao nhất từ trước đến nay. Đáng chú ý, trong số này có 498 trường hợp sàng lọc cộng đồng, ho sốt cộng đồng, sàng lọc bệnh viện, còn lại là các F1 được cách ly tập trung, người đi từ tỉnh khác về.
Hải Dương ghi nhận thêm 1.245 ca mắc Covid-19, tăng 400 ca so với 7/2, cũng là ngày số ca mắc cao nhất từ trước đến nay. Đáng chú ý, trong số này có 498 trường hợp sàng lọc cộng đồng, ho sốt cộng đồng, sàng lọc bệnh viện, còn lại là các F1 được cách ly tập trung, người đi từ tỉnh khác về.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa, trong ngày 8/2, tỉnh ghi nhận 998 ca mắc mới. Trong số đó có 226 trường hợp phát hiện trong cộng đồng, 456 ca ghi nhận qua sàng lọc tại cơ sở y tế và 316 người đang được cách ly theo quy định. Đây là số ca mắc cao nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Nghệ An tiếp tục tăng số người dương tính. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An, trong 12 giờ qua (từ 6h đến 18h ngày 8/2/), địa phương này ghi nhận 1.441 ca mắc COVID-19.
Trong, đó có 310 ca cộng đồng tại 16 địa phương. Ghi nhận 778 ca có triệu chứng, 663 ca không có triệu chứng.
Lũy kế từ đầu mùa dịch đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 20.589 ca mắc COVID-19.
Trước số ca nhiễm tăng cao kỷ lục, TP Vinh sẽ dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, liên hoan sau Tết để phòng, chống dịch. Lãnh đạo TP Vinh cho biết địa phương sẽ lập đoàn kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm phòng, chống dịch trong thời gian tới.
Còn tại Quảng Trị, số ca mắc COVID-19 có chiều hướng tăng cao sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Cụ thể, trong các ngày 6-7/2, số ca mắc COVID-19 lần lượt được ghi nhận là 92 và 135. Đến ngày 8/2, tỉnh ghi nhận 225 ca mắc - cao nhất từ trước đến nay, trong đó có 144 ca được phát hiện thông qua giám sát cộng đồng, số ca còn lại cách ly tại nhà, cách ly y tế và trở về từ vùng dịch.
Đến nay, tỉnh đã ghi nhận 5.625 trường hợp mắc COVID-19; trong đó có 10 ca tử vong, trên 400 ca đang điều trị. Tỉnh vẫn đang kiểm soát được dịch COVID-19 và cơ bản hoàn toàn thích ứng với trạng thái "bình thường mới" khi vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục phát triển kinh tế-xã hội. Tỷ lệ người trên 18 tuổi đã tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19 đạt trên 95%. Tỉnh phấn đấu đến hết quý I/2022, hoàn thành tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên.
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 2 triệu ca mắc COVID-19 và trên 10.400 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 400 triệu ca, trong đó trên 5,77 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (212.724 ca), Brazil (171.483 ca) và Nga (165.643 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (2.018 ca), Ấn Độ (1.230 ca) và Brazil (1.090 ca). Như vậy, ca tử vong mới trong 24 giờ qua ở Mỹ lại vượt mốc 2.000 ca.
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ ghi nhận nhiều ca mắc nhất với trên 78,4 triệu ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 42,4 triệu ca và Brazil với trên 26,7 triệu ca.
Theo trang thống kê worldometers.info, trong 24h qua, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 96.309 ca mắc COVID-19 và 295 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 17.245.072 ca, trong đó 316.101 người tử vong.
Theo Thái Bình/suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/sang-9-2-hon-2200-f0-nang-dang-dieu-tri-canh-bao-nguy-co-lay-lan-dich-covid-19-sau-tet-169220209081250578.htm