Sau thời gian dài “đóng băng” do đại dịch Covid-19, bước sang năm 2022, ngành du lịch Việt Nam đã có những dấu hiệu khởi sắc ở cả thị trường du lịch nội địa và quốc tế, hứa hẹn khả năng phục hồi mạnh mẽ, nhanh chóng để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Khách du lịch tham quan Đại nội Huế dịp Tết Nhâm Dần. (Ảnh MINH NGHĨA)
Ngay trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, hoạt động du lịch đã nhộn nhịp trở lại ở một số trung tâm du lịch trên cả nước. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong chín ngày nghỉ Tết (từ 29/1 đến 6/2/2022), ngành du lịch đã phục vụ 6,1 triệu lượt khách nội địa, trong đó có 3,2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú; tổng thu từ du lịch đạt hơn 25 nghìn tỷ đồng. Dẫn đầu về lượng khách du xuân là các điểm đến: Tây Ninh (đón 595.000 lượt khách, công suất phòng lưu trú khoảng 65%); Bà Rịa-Vũng Tàu (đón 419.735 lượt khách, công suất khách sạn 3-5 sao đạt 97%); Lâm Đồng (đón hơn 300.000 lượt khách, công suất cơ sở lưu trú hơn 95%); TP Hồ Chí Minh (đón 300.000 lượt khách, công suất khách sạn 4-5 sao đạt từ 40 đến 45%); Thanh Hóa (đón hơn 290.000 lượt khách, công suất sử dụng phòng đạt khoảng 36%); Hà Nội (đón hơn 105.000 lượt khách, công suất sử dụng phòng đạt 22,4%); Kiên Giang (đón 98.000 lượt khách, công suất sử dụng phòng khoảng 56,3%; riêng Phú Quốc có 79.000 lượt khách; công suất sử dụng phòng đạt 71,3%)… Đây là số lượng khách được ghi nhận trong bối cảnh tại nhiều tỉnh, thành phố, các lễ hội xuân, các sự kiện tập trung đông người đã được dừng tổ chức để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch. Điều này cho thấy nhu cầu tham quan, du lịch trong nước của người dân hiện nay rất lớn. Du khách trong nước cũng đang dần mạnh dạn, tự tin hơn khi tham gia hoạt động du lịch theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh.
Theo ghi nhận từ các hãng lữ hành lớn như Vietravel, Saigontourist, Fiditour…, lượng khách đặt mua tour trong Tết và sau Tết theo xu hướng tới điểm đến gần, thời gian từ hai đến bốn ngày là khá lớn. Tổng cục Du lịch nhận định: Những kết quả này có được là nhờ Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời, đúng hướng, được các địa phương và nhân dân đồng lòng ủng hộ, thực hiện nghiêm túc; công tác đẩy nhanh tiêm chủng vắc-xin được thực hiện quyết liệt; hoạt động phục hồi du lịch được Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ; doanh nghiệp du lịch quyết tâm hành động và thích ứng linh hoạt; người dân tin tưởng vào khả năng phòng, chống dịch và thực hiện tốt quy định 5K. Các doanh nghiệp du lịch đều kỳ vọng, những tín hiệu khởi sắc này sẽ sớm làm hồi sinh hoạt động kinh doanh du lịch. Dữ liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights cho thấy, từ đầu tháng 1/2022, lượng tìm kiếm thông tin về du lịch nội địa trên toàn quốc tăng cao rõ rệt so với hai tháng trước đó và cao hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là dấu hiệu tích cực cho sự tăng tốc du lịch giai đoạn nghỉ lễ 30/4-1/5 và mùa cao điểm du lịch hè sắp tới.
Ở thị trường du lịch quốc tế, cùng với tin vui về việc Việt Nam gỡ bỏ hạn chế tần suất khai thác các chuyến bay quốc tế từ giữa tháng 2/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất lộ trình mở cửa hoạt động du lịch quốc tế bảo đảm an toàn, hiệu quả. Theo đó, từ nay đến 30/3/2022 sẽ tiếp tục Chương trình thí điểm đón khách quốc tế giai đoạn hai theo hướng mở rộng đối tượng đón, phạm vi đón khách (các địa phương đã tiêm phủ mũi ba, vùng xanh cho phép được đón khách); linh hoạt trong yêu cầu xét nghiệm, có thể xét nghiệm tại điểm đến (cơ sở lưu trú); mở rộng địa điểm du lịch, khách có thể đến các vùng cho phép đón, không phân biệt khách nội địa với khách quốc tế, không hạn chế thời gian đi du lịch của khách. Và từ 31/3/2022 hoạt động du lịch quốc tế sẽ mở hoàn toàn cả mảng inbound (đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam) và outbound (đưa khách đi du lịch nước ngoài) qua các tất cả các cửa khẩu quốc tế. Và sáng 15/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan bàn phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3 theo tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, bảo đảm thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Việc xác định rõ ràng lộ trình, thời điểm mở cửa du lịch quốc tế không chỉ giúp các doanh nghiệp, địa phương có kế hoạch hoàn thiện năng lực tiếp đón, kịp thời triển khai tuyên truyền mà còn giúp du khách quốc tế có thông tin chính xác để lên kế hoạch du lịch. Ngay trong thời điểm du lịch quốc tế tê liệt, Việt Nam vẫn duy trì các hoạt động truyền thông quảng bá trực tuyến trên website Vietnam.travel và các trang mạng xã hội nhằm duy trì nhận diện thương hiệu và nhắc nhớ với du khách quốc tế về một Việt Nam an toàn, hấp dẫn, khơi dậy cảm hứng đi du lịch của du khách quốc tế. Đặc biệt, từ tháng 11/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức triển khai chiến dịch truyền thông “Live fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn ở Việt Nam) trên website và các trang mạng xã hội nhằm hướng đến thị trường khách quốc tế kết hợp giải pháp chuyển đổi số du lịch, từng bước hình thành một hệ sinh thái du lịch thông minh. Đây là những tiền đề quan trọng giúp du lịch quốc tế được dự đoán sẽ phục hồi và tăng trưởng nhanh thời gian tới.
Như vậy, “băng” đã dần tan, vấn đề quan trọng lúc này là các địa phương, doanh nghiệp du lịch cần có sự chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về nhân lực, vật lực để có thể đón khách an toàn mà vẫn bảo đảm các trải nghiệm du lịch. Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhận định, sau hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, hệ thống doanh nghiệp du lịch vẫn chưa kịp củng cố do nhiều đơn vị chuyển ngành nghề, nguồn nhân lực du lịch cũng chưa kịp phục hồi, một bộ phận cơ sở lưu trú vẫn thiếu lao động. Đây là những khó khăn cần nhanh chóng được khắc phục để bảo đảm chất lượng du lịch. Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cũng cho rằng, chất lượng dịch vụ du lịch được quyết định bởi nhân lực, cho nên để khôi phục lực lượng này cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về tập huấn, đào tạo lại.
Theo VIỆT ANH/nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-du-lich/du-lich-pha-bang-chi-dau-phuc-hoi-685822/