Chủ tịch nước đề nghị Hoa Kỳ quan tâm nhiều hơn nữa tới hạ nguồn sông Mekong trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với tình trạng nước biển dâng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của người dân.
Sáng 23/2, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về Biến đổi khí hậu John Kerry. Đánh giá cao ông John Kerry về nỗ lực thúc đẩy hợp tác hai nước thời gian qua, trong đó có ứng phó với biến đổi khí hậu, Chủ tịch nước đề nghị Đặc phái viên John Kerry thúc đẩy Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực quan trọng này.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực, đóng góp của ông John Kerry trong tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đặc biệt là từ khi hai nước bình thường hoá quan hệ. Chủ tịch nước cũng hoan nghênh kết quả quan trọng từ các chuyến thăm Việt Nam của lãnh đạo Hoa Kỳ, nổi bật là chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris, thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước.
Cảm ơn Chủ tịch nước đã dành thời gian tiếp, ông John Kerry cho rằng, trên đà phát triển tốt đẹp, quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, bởi hai nước còn nhiều dư địa hợp tác; trong đó có vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu. Trên cương vị là Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về Biến đổi khí hậu, ông John Kerry cho biết Việt Nam và Mỹ sẽ tăng cường hợp tác chuẩn bị cho COP 27. Trao đổi về thực trạng nước biển ngày càng dâng cao và ảnh hưởng rất lớn tới khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và những vùng trũng của Việt Nam, ông John Kerry cho biết, Hoa Kỳ có thể giúp Việt Nam. Hoa Kỳ có nhiều ý tưởng và nguồn tài chính, nhân lực hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng sang mô hình năng lượng sạch, nhất là năng lượng mặt trời. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng có thể hỗ trợ Việt Nam thực hiện chuyển đổi số, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Đánh giá cao những nội dung trao đổi của ông John Kerry, nhất là trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam đang nỗ lực trong vấn đề này và đã quyết định chấm dứt dùng điện than vào năm 2050. Điều Việt Nam cần không chỉ là nguồn lực tài chính mà cả công nghệ và nhân lực để phát triển các dự án điện gió, mặt trời và thuỷ điện; do đó, mong muốn Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam.
Trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng nước biển dâng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của người dân, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hoa Kỳ quan tâm nhiều hơn nữa tới hạ nguồn sông Mê Kông.
Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ và cam kết của Chính phủ Hoa Kỳ, trong đó có cá nhân ông John Kerry đối với việc khắc phục hậu quả chiến tranh. Việt Nam mong Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường ngân sách trong khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin, rà phá bom mìn, hỗ trợ người khuyết tật và những vấn đề liên quan. Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác đầy đủ trên tinh thần nhân đạo trong tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam.
Chủ tịch nước nêu rõ, Việt Nam hoan nghênh Hoa Kỳ tăng cường hợp tác tại Châu Á – Thái Bình Dương, qua đó đóng góp tích cực hơn cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển tại khu vực. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị ông John Kerry tiếp tục thúc đẩy Chính phủ Hoa Kỳ dành sự quan tâm, nguồn lực và tài chính cho hợp tác giáo dục và đào tạo hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ. Đặc biệt là đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục đầu tư cho Đại học Fulbright tại Việt Nam, “đứa con tinh thần” của chính Đặc phái viên John Kerry./.
Theo Vũ Dũng/VOV
https://vov.vn/chinh-tri/chu-tich-nuoc-tiep-dac-phai-vien-tong-thong-hoa-ky-ve-bien-doi-khi-hau-post926032.vov