Với chiêu trò mạo danh là nhân viên y tế, công an báo tin mắc Covid-19, nhóm đối tượng đã khiến bị hại "sập bẫy", chuyển hết tiền từ tài khoản của mình sang tài khoản được nhóm này hướng dẫn.
Từ việc giả danh nhân viên y tế thông báo tin nhiễm Covid-19...
Công an huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh hôm nay (1/3) đã lên tiếng cảnh báo người dân về hình thức lừa đảo mới với phương thức thủ đoạn rất tinh vi vừa xảy ra trên địa bàn.
Theo đó, ngày 21/2, Công an huyện Hải Hà tiếp nhận trình báo của chị N.T.H (trú tại thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà, Quảng Ninh) về việc bị các đối tượng mạo danh nhân viên y tế và công an gọi điện báo tin chị bị dương tính Covid-19, sau đó thực hiện lừa đảo…
Bị hại đã chuyển hết tiền trong tài khoản cho nhóm đối tượng lừa đảo với chiêu giả danh nhân viên y tế, công an (Ảnh minh họa: Internet).
Theo trình báo, sáng 19/2, chị H. nhận được cuộc gọi từ một đối tượng nữ tự xưng tên là Lê Thị Thanh - nhân viên Trung tâm Y tế quận Hà Đông, Hà Nội, thông báo chị H. bị dương tính với Covid-19 và yêu cầu đến trung tâm để thực hiện cách ly y tế… Người gọi điện còn nói thêm, nếu trốn cách ly sẽ bị xử lý phạt tiền, thậm chí xử lý theo pháp luật.
Thông tin trên khiến chị H. hoang mang vì bản thân chị H. không hề đi xét nghiệm ở bất cứ cơ sở y tế nào. Khi chị H. thanh minh thì đối tượng gọi điện lại bẻ hướng: "Nếu em cam đoan như vậy thì em đã bị lộ thông tin cá nhân rồi, người khác đã lợi dụng danh tính của em để đi test Covid-19; nếu người ta dùng danh tính của em để làm những việc phạm pháp thì em sẽ bị liên lụy…". Khi thấy chị H. tỏ ra hoang mang, đối tượng ngỏ ý muốn giúp bằng cách nối máy với bên hình sự để họ giúp.
Sau cú điện thoại đó, chị H. được giới thiệu liên lạc bằng zalo với một đối tượng nam có nick là "Hs Hn". Đối tượng này tiếp tục kết nối chị H. với một đối tượng nam khác với lời giới thiệu là "cấp trên" thuộc đơn vị "Cảnh sát Hình sự Hà Nội". Người xưng là cấp trên sau đó dồn dập hỏi chị H. về việc có mở tài khoản ở SBC không? Số chứng minh thư đã mở tài khoản ở những ngân hàng nào, đã từng làm những gì mà liên quan đến số chứng minh thư người đang mạo danh dùng…
Như bị thôi miên, toàn bộ những thông tin đối tượng hỏi đều được chị H "khai" ra hết. Sau khi tiếp nhận thông tin từ chị H., đối tượng còn tỏ ý thông cảm, xác định chị H. là bị hại và vì chị H. có con nhỏ nên bỏ qua không bắt về Hà Nội để điều tra.
... đến chiêu trò nhờ Cảnh sát hình sự giúp đỡ
Để sự việc trở nên nghiêm trọng hơn, đánh thẳng vào tâm lý hoang mang của chị H., đối tượng này còn bật mí: "Người đang sử dụng số chứng minh thư của chị H. có liên quan đến một đường dây rửa tiền và mua bán ma túy. Hiện đơn vị của đối tượng đã bắt được 500 người có liên quan và đang điều tra mở rộng".
Đối tượng này cũng tỏ ý răn đe chị H. khi đặt câu hỏi, có thể chị H. đã tạo tài khoản ngân hàng và bán với giá 200 triệu đồng để người kia sử dụng đi lừa đảo, rửa tiền, buôn ma túy. Vì vậy, yêu cầu chị H. phải bảo mật thông tin, không cho người thứ 3 biết vì rất có thể "bọn tội phạm" đang theo dõi và sẽ làm hại chị H. hoặc người thân trong gia đình.
Chưa hết, đối tượng còn hỏi kỹ từ hoàn cảnh gia đình của chị H. đến nghề nghiệp, thu nhập… và sau đó yêu cầu chị H. có bao nhiêu tiền thì chuyển hết vào tài khoản của "cơ quan viện kiểm sát, công an" để kiểm tra, xác minh.
Các đối tượng giả mạo giấy tờ cơ quan tổ chức (Ảnh: Công an cung cấp).
Để chị H. tin và chuyển tiền, đối tượng này còn gửi qua zalo cho chị H. một văn bản giả mạo là văn bản đóng dấu đỏ, ký cùng ngày 19/2/2022 của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao với nội dung: "Quyết định ban hành tạm giữ tài sản để phục vụ điều tra", có ghi rõ tên "Nghi can N.T.H".
Choáng váng bởi màn lừa đảo quá hoàn hảo của 3 đối tượng xưng là nhân viên y tế và Cảnh sát Hình sự Hà Nội, chị H. đã chuyển hết 6 triệu đồng từ tài khoản của mình sang tài khoản mà những kẻ lừa đảo hướng dẫn.
Khi chuyển tiền xong, chị H. mới sực tỉnh biết đã bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.
Từ vụ việc trên, Công an huyện Hải Hà khuyến cáo nhân dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.
Mỗi cá nhân không cung cấp thông tin cá nhân như ngày, tháng/năm/sinh, số căn cước công dân, số thông tin tài khoản đăng nhập khi sử dụng smartbanking, internetbanking (như user, mật khẩu, mã OTP,..) cho người khác. Không truy cập vào các đường link mà các đối tượng gửi qua điện thoại, tin nhắn, không chuyển khoản cho người tự xưng là cán bộ của các cơ quan chức năng qua điện thoại.
Để làm việc với công dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.
Theo An Nhiên/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/phap-luat/nguoi-phu-nu-sap-bay-lua-dao-cua-ke-gia-danh-nhan-vien-y-te-cong-an-20220301135819243.htm