Cập nhật: 03/03/2022 17:10:00
Xem cỡ chữ

Trong giai đoạn phục hồi kinh tế, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Chính phủ tiếp tục tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giờ làm thêm trong tháng, trong năm để giải quyết nhu cầu của người lao động và nhu cầu của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Lao động đề xuất điều chỉnh giờ làm thêm trong tháng, trong năm ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Ngày 3/3, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, góp ý vào dự thảo báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, cần nhìn thẳng, nhìn kỹ hơn hai vấn đề dư luận xã hội hiện nay rất đồng tình.

Trước hết, đó là nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ trong việc phục hồi kinh tế, mở cửa trở lại, bình thường hóa mọi quan hệ trở lại. Theo ông, đây là một vấn đề rất lớn, cần phải tổng kết để đưa ra các giải pháp. Bộ trưởng cũng cho rằng, dư luận rất đồng tình về sự ổn định kinh tế vĩ mô, yếu tố có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Cũng theo Bộ trưởng Dung, điều đáng mừng từ sau Tết Nguyên đán đến nay số lao động quay trở lại các khu công nghiệp ở các tỉnh, thành phố tương đối cao. Cùng đó là thị trường lao động phục hồi tương đối nhanh so với yêu cầu. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là số lao động bị F0 tăng rất nhanh, nên ảnh hưởng tới tình hình sản xuất. Ngoài ra, do ảnh hưởng của giãn cách xã hội nên xảy ra tình trạng lao động “nhảy” việc.

"Đa số doanh nghiệp giữ mức lương cơ bản và giữ bảo hiểm cho người lao động. Các doanh nghiệp đều đưa ra các lời mời, các tiêu chí, lợi ích rất lớn để giành giật lao động, cho nên nhảy việc từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác diễn ra rất mạnh. Vì vậy dẫn đến tình trạng thiếu lao động cục bộ, tạm thời", ông Dung nêu.

Cùng với đó, vừa qua tình trạng đình công, dừng việc, tranh chấp quan hệ lao động diễn ra nhiều hơn so với bình thường hàng năm. Cụ thể, trước và sau Tết diễn ra khoảng 30 cuộc đình công, tạm dừng việc tập thể. Nguyên nhân do xung đột giữa chủ sử dụng lao động với người lao động xung quanh vấn đề là đòi hỏi nâng lương, đòi hỏi tăng phụ cấp…

Theo Bộ trưởng, vấn đề cần phải quan tâm trong bối cảnh hiện nay là đang thiếu tạm thời lao động phổ thông và lao động có trình độ cao. Trong đó, chủ yếu là thiếu lao động trình độ cao. Do vậy, cần chú trọng ổn định lao động trong nước, kể cả lao động giản đơn, lao động trình độ cao.

Trong giai đoạn phục hồi kinh tế, Bộ trưởng Dung đề nghị Chính phủ tiếp tục tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giờ làm thêm trong tháng, trong năm để giải quyết nhu cầu của người lao động và nhu cầu của doanh nghiệp.

Liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội của người lao động bị F0 phải điều trị tại nhà, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần quan tâm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đến nay, Trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí 77.799 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ 742.469 lượt người sử dụng lao động và trên 48,3 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.

Theo Luân Dũng/tienphong.vn

https://tienphong.vn/bo-truong-lao-dong-de-xuat-dieu-chinh-gio-lam-them-trong-thang-trong-nam-post1420463.tpo