Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Thường trực Ủy ban đề nghị chỉ nâng mức trần thời gian làm thêm theo tháng lên 150%; nghiên cứu, quy định giới hạn số tháng liên tục áp dụng trần tối đa.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 9, chiều 10/3, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết về số giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết để kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh, hồi phục và tạo đà phát triển trong thời gian tới, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tăng số giờ làm thêm trong 1 tháng của người lao động và số giờ làm thêm trong 1 năm của người lao động và được áp dụng cho tất cả các ngành, nghề, công việc.
Thời gian thực hiện từ ngày ký đến thời điểm các biện pháp quy định tại Điểm 3 của Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV hết hiệu lực thi hành.
Nội dung quy định tại dự thảo Nghị quyết là khác so với Bộ luật Lao động năm 2019. Theo quy định pháp luật hiện hành, việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật Lao động thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Nhưng trong bối cảnh đặc biệt, đáp ứng yêu cầu cấp bách, đồng thời để việc triển khai chính sách hỗ trợ được tiến hành trong thời gian sớm nhất, kịp thời hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội căn cứ Nghị quyết số 30/2021/QH15 xem xét, quyết định thông qua.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng đại dịch COVID-19 đã để lại ảnh hưởng tiêu cực lớn đến nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động khi chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng cùng hàng loạt đơn hàng bị đứt gãy, đình trệ…, tác động mạnh tới người lao động, đẩy người lao động vào hoàn cảnh khó khăn do phải giãn việc, ngừng việc, nghỉ việc, mất việc làm.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, để nhất quán thực hiện chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch thì việc tăng thời giờ làm thêm trong thời điểm hiện nay được nhìn nhận và đánh giá như một giải pháp hỗ trợ khôi phục sản xuất, khắc phục những tổn thất do dịch COVID-19 gây ra cho người lao động và người sử dụng lao động trong hơn hai năm qua, góp phần cho quá trình phục hồi kinh tế-xã hội của đất nước là rất cần thiết, mặc dù đến thời điểm hiện nay mới trình là muộn hơn so với yêu cầu của thực tiễn.
Thường trực Ủy ban Xã hội và các ý kiến tham gia thẩm tra cơ bản đều đồng tình với quan điểm của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Nghị quyết quy định về biện pháp hết sức đặc biệt này như là một giải pháp tình thế và chỉ áp dụng trong một thời gian ngắn.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị chỉ nâng mức trần thời gian làm thêm theo tháng lên 150%. Đồng thời, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, quy định về việc giới hạn số tháng liên tục được áp dụng mức trần tối đa (2 hoặc 3 tháng).
Thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh căn cứ vào yêu cầu công việc, sức khỏe của người lao động, điều kiện của người lao động, việc tăng số giờ làm thêm trong 1 tháng, 1 năm của người lao động phải thỏa mãn các yêu cầu là thỏa thuận bình đẳng, công khai, không được áp đặt; bảo đảm sức khỏe lâu dài cho người lao động và người lao động phải được trả công xứng đáng theo thỏa thuận.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng bày tỏ đồng tình với việc tăng số giờ làm thêm trong 1 tháng nhưng phải được sự đồng ý của người lao động, đồng thời cần có chế độ tiền lương tương xứng với thời gian làm thêm kéo dài. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng ủng hộ tăng số giờ làm thêm trong 1 năm nhưng không áp dụng với toàn bộ các ngành, nghề.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật cho biết Tổng Liên đoàn đồng tình với việc mở rộng giới hạn giờ làm thêm trong tháng, nhưng kiến nghị Thường vụ Quốc hội xem xét chỉ nâng mức trần thời gian làm thêm theo tháng lên 150%; đồng thời, đề nghị không áp dụng chính sách đối với phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, công việc nặng nhọc, độc hại...
Cho ý kiến sơ bộ về nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đa số các ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết tăng thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động nhưng phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động; đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến, phối hợp xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét vào đợt 2 của phiên họp./.
Theo Hạnh Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/de-xuat-tang-so-gio-lam-them-trong-1-thang-va-1-nam-cua-nguoi-lao-dong/777492.vnp