Cập nhật: 26/03/2022 08:07:00
Xem cỡ chữ

Ngày 26/3, sẽ diễn ra vòng chung kết Cuộc thi học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ IV. Tại đây, phiên đối thoại chính sách thúc đẩy phong trào khởi nghiệp cho HSSV cũng sẽ được tổ chức.

70 dự án lọt vào chung kết

Sự kiện "Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên" do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn TNCSHCM và các đơn vị tổ chức hằng năm với mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên; giúp HSSV thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực.

Đây là lần thứ 4 sự kiện được tổ chức. Điểm nhấn của năm nay, cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" (SV_STARTUP) được tổ chức trên quy mô toàn quốc với 400 trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các trường THCS, THPT tham gia.

Cuộc thi dành cho học sinh sinh viên (HSSV) có đội tuổi từ 12-24 tuổi, đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng sư phạm, THCS, THPT trên toàn quốc.

Được phát động từ tháng 4/2021, cuộc thi đã nhận được gần 400 dự án. Các dự án được đánh giá chất lượng, đa dạng, tập trung vào nhiều lĩnh vực. 

Có 70 dự án xuất sắc nhất đã lọt vào vòng bình chọn và vòng chung kết của cuộc thi, trong đó có 2 dự án xuất sắc đến từ học sinh THCS.

70 dự án lọt vào chung kết Cuộc thi HS,SV với ý tưởng khởi nghiệp - 1

Sau gần một năm phát động, cuộc thi đã nhận được gần 400 dự án (Ảnh: P.M).

Tại sự kiện, sẽ diễn ra hoạt động tham quan các không gian trưng bày ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên thuộc 8 lĩnh vực: Khoa học công nghệ; công nghiệp, chế tạo sản phẩm; nông, lâm, ngư nghiệp; giáo dục, y tế; dịch vụ, du lịch; tài chính, ngân hàng; kinh doanh tạo tác động xã hội; các ngành nghề khác và lĩnh vực kinh doanh khác.

Có khoảng 70 không gian trưng bày được lựa chọn từ gần 400 ý tưởng, dự án gửi đến Ban Tổ chức.

Trong khuôn khổ "Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 4" cũng diễn ra phiên đối thoại "Chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên - vai trò của nhà trường, doanh nghiệp, quỹ đầu tư và địa phương".

Được biết vòng Chung kết Cuộc thi HSSV với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ IV chia làm hai chặng. 

Chặng 1, chấm thi trực tiếp tại gian hàng các dự án vào chiều 26/3/2022 để chọn ra 12 dự án khối sinh viên và 7 dự án học sinh khối THCS, THPT.

Chặng 2, các dự án thuyết trình trước Ban giám khảo vào sáng 27/3/2022 tại Hội trường trong Ngày Hội khởi nghiệp Quốc gia HSSV năm 2021.

Trước khi tham gia Vòng Chung kết, các dự án đã được tham gia dự thi tại vòng Bình chọn online kéo dài từ 12h00 ngày 25/2/2022 đến hết 12h00 ngày 25/3/2022.

Trải qua một tháng bình chọn đã thu hút hơn 11 triệu truy cập, hơn 700 nghìn người dùng và gần 3 triệu bình chọn các dự án, trong đó có gần 10% là người dùng ngôn ngữ khác.

Đưa khởi nghiệp vào chương trình đào tạo chính khóa

Sau ba lần tổ chức, số dự án khởi nghiệp của HSSV tăng dần theo từng năm và hàm lượng khoa học công nghệ trong các dự án ngày càng cao.

Khoảng 50% các đại học, học viện, trường đại học đã có các cuộc thi về khởi nghiệp cấp trường, hằng năm mỗi trường có khoảng từ 10 đến 20 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của sinh viên tham dự các cuộc thi.

100% các Sở GD-ĐT đã có học sinh tham gia Cuộc thi HSSV với ý tưởng khởi nghiệp. Một số địa phương đã tổ chức được các cuộc thi riêng và có số lượng dự án ý tưởng lớn. Một số ý tưởng, dự án của sinh viên đã được thành lập doanh nghiệp hoặc được các doanh nghiệp lớn mua lại. Trong số đó, một số doanh nghiệp đã đến các vòng gọi vốn Series B, Series C.

Theo Bộ GD-ĐT, trong giai đoạn tiếp theo, đơn vị này sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong các nhà trường.

Trong đó, tiếp tục chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghiên cứu xây dựng môn học đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đưa vào chương trình đào tạo dưới dạng chính khóa (bắt buộc hoặc tự chọn) hoặc đưa vào các chương trình đào tạo ngoại khóa, ngắn hạn.

Nghiên cứu đề xuất số lượng giảng viên, cán bộ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp đảm bảo các hoạt động hiệu quả. Xây dựng các chương trình ươm tạo, tăng tốc đối với các dự án khởi nghiệp của sinh viên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của cựu sinh viên trên cơ sở kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức ươm tạo ngoài cộng đồng để hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tiếp tục huy động các nguồn lực của trường, nguồn lực xã hội hóa xây dựng các không gian chung, các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành dành riêng cho khởi nghiệp để hỗ trợ việc sản xuất thử và phát triển các sản phẩm khởi nghiệp đảm bảo thiết thực, phù hợp với các nhóm, ngành đào tạo.

Tăng cường phối hợp nhà trường và doanh nghiệp để hỗ trợ học sinh, sinh viên thực hành, trải nghiệm, phối hợp sản xuất thử các sản phẩm mẫu.

Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ ngành nghiên cứu tháo gỡ khó khăn cho việc triển khai các Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo, thành lập các Quỹ cộng đồng, quỹ quyên tặng để đầu tư ban đầu cho các dự án khởi nghiệp của HSSV.

Đặc biệt, Bộ GD-ĐT cũng sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ HSSV khởi nghiệp.

Theo Hạnh Nguyên/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/nhip-song-tre/70-du-an-lot-vao-chung-ket-cuoc-thi-hssv-voi-y-tuong-khoi-nghiep-20220324172611343.htm