Cao Bằng, Bắc Kạn và Lạng Sơn là 3 tỉnh giáp ranh thuộc vùng chiến khu Việt Bắc. Cùng với nhiều nét tương đồng về lịch sử và văn hóa, tam giác Cao-Bắc-Lạng còn sở hữu nhiều kỳ quan thiên nhiên, đan xen với các di tích lịch sử hào hùng của dân tộc.
Trên các website du lịch, không khó để tìm một lịch trình khoảng 3 ngày 2 đêm từ Hà Nội đến hồ Ba Bể của tỉnh Bắc Kạn, sau đó đến thăm các điểm như khu di tích Pắc Bó, thác Bản Giốc ở tỉnh Cao Bằng và kết thúc hành trình tại các điểm du lịch Tam Thanh, Mẫu Sơn… của tỉnh Lạng Sơn. Tuy tuyến du lịch này đã hình thành từ nhiều năm nay, nhưng trên thực tế, lượng khách tham gia còn rất hạn chế. Nguyên nhân chính là do hạ tầng giao thông kết nối giữa các địa phương còn rất khó khăn, mất nhiều thời gian di chuyển trong lịch trình tour.
Đường tỉnh 212, con đường gần nhất nối từ hồ Ba Bể (Bắc Kạn) với Cao Bằng đã xuống cấp nghiêm trọng. Hạn chế về giao thông đang là trở ngại lớn cho sự hợp tác phát triển du lịch của 3 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn.
Chị Nguyễn Kim Ngân, một du khách đến từ huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An chia sẻ: "Gia đình tôi đã lên kế hoạch du lịch theo tuyến các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng và qua Lạng Sơn. Dự định của chúng tôi sau khi ở hồ Ba Bể sẽ đến hang Pắc Bó rồi qua thác Bản Giốc. Tuy nhiên sau khi đến Pắc Bó thì đã khá mệt do quãng đường di chuyển vất vả quá, đường đèo, cua dốc nên các cháu nhỏ say xe. Dù rất muốn ngắm thác nước đẹp nhất Việt Nam nhưng gia đình tôi phải hủy đi thác Bản Giốc, vừa vì mệt và cũng vì không đủ thời gian nữa, đành chờ dịp khác vậy".
Để tháo gỡ khó khăn về hạ tầng giao thông khu vực Cao-Bắc-Lạng, Chính phủ và các địa phương đang triển khai quyết liệt nhiều dự án phát triển giao thông đồng bộ, nhất là tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) đã khởi công và dự kiến sẽ hoàn thành trước 2025; các tuyến đường nối từ Thái Nguyên đến hồ Ba Bể (Bắc Kạn) cũng đang thi công khẩn trương. Khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn lực để nâng cấp tuyến đường từ Bắc Kạn lên Cao Bằng.
Để tháo gỡ khó khăn về hạ tầng giao thông khu vực Cao-Bắc-Lạng, Chính phủ và các địa phương đang triển khai quyết liệt nhiều dự án phát triển giao thông đồng bộ, nhất là tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) đã khởi công và dự kiến sẽ hoàn thành trước 2025
Ông Lã Hoài Nam - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Cao Bằng cho biết: "Chúng tôi sẽ tập trung đầu tư các tuyến đường trọng điểm cho phát triển du lịch, kinh tế cửa khẩu và nông nghiệp. Đến 2030 sẽ nâng cấp, xây dựng các tuyến trọng điểm kết nối như QL3, Đường tỉnh 212 nối Bắc Kạn, Quốc lộ 4A nối Lạng Sơn. Các tỉnh miền núi địa hình khó khăn, chia cắt nên định suất đầu tư cho giao thông rất lớn, trong khi các tỉnh đều khó khăn, nguồn lực hạn chế. Do đó, chúng tôi đề xuất đầu tư theo thứ tự ưu tiên, đồng thời kiến nghị Trung ương, Chính phủ hỗ trợ các tuyến giao thông trọng điểm”.
Các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và Lạng Sơn có nhiều nét văn hóa tương đồng như trang phục, ẩm thực, văn hóa văn nghệ... của đồng bào dân tộc thiểu số.
Bài toán về hạ tầng giao thông từng bước sẽ được tháo gỡ, vấn đề còn lại là các địa phương Cao-Bắc-Lạng cần có sự liên kết xây dựng và vận hành các tuyến, điểm du lịch liên thông nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc, đủ sức hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Mặc dù 3 tỉnh bước đầu cũng đã có sự hợp tác liên quan đến quảng bá, phát triển du lịch, nhưng đến nay vẫn chưa liên kết đủ để tạo dựng thành công các chuỗi sản phẩm du lịch liên thông thực sự hiệu quả trong chiến lược phát triển tiểu vùng du lịch Đông Bắc. Còn các doanh nghiệp du lịch ở địa phương chủ yếu vẫn hoạt động theo kiểu “mạnh ai nấy làm”.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho rằng: “Hiện việc kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị lữ hành còn chưa thường xuyên, liên tục. Nguyên nhân bởi du khách đến những vùng Cao-Bắc-Lạng vẫn còn theo mùa, chủ yếu tập trung vào dịp mùa Xuân hoặc trong các ngày lễ lớn của các tỉnh. Do đó, làm sao để kết nối được thường xuyên, liên tục và xây dựng được sản phẩm du lịch 4 mùa trong năm là hướng các tỉnh cần quan tâm…”.
Mỗi tỉnh cũng có những đặc sắc riêng về cảnh quan du lịch, khi kết hợp sẽ tạo nên những sản phẩm đủ hấp dẫn để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Đây cũng là mong muốn chung của ngành du lịch các tỉnh miền núi Đông Bắc hiện nay. Ông Hà Văn Trường, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn bày tỏ: “Tôi hy vọng trong thời gian tới, các tỉnh sẽ có động thái ngồi lại với nhau, bàn bạc kỹ lưỡng để có các chính sách tương đồng với nhau. Từ đó khuyến khích được các doanh nghiệp, nhà đầu tư khai thác tốt mối liên kết này. Đồng thời mong muốn có sự hướng dẫn, định hướng phát triển cho doanh nghiệp, để có những sản phẩm du lịch mang tính đồng bộ nhưng cũng khai thác được sự đa dạng của khu vực này”.
Nhằm duy trì và từng bước đa dạng gắn với nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch ở các tỉnh Cao-Bắc-Lạng, ông Lý Xuân Thạch, Giám đốc Công ty Du lịch Tâm Phát Travel nêu quan điểm: “Các công ty lữ hành của các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn quy mô vẫn nhỏ và nguồn nhân lực còn rất thiếu. Để giải quyết vấn đề này, tôi nghĩ rằng với các tỉnh cần có những chính sách hỗ trợ như có quỹ về du lịch để hỗ trợ về giá, dịch vụ. Bên cạnh đó, các tỉnh cũng cần có chiến lược, lộ trình rõ ràng về phát triển du lịch theo từng đặc thù vốn có, để kêu gọi các nhà đầu tư có tầm nhìn, cũng như nguồn lực tài chính để kết hợp với các doanh nghiệp địa phương”.
Khi điểm nghẽn về giao thông giữa các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn từng bước được tháo gỡ, cũng là lúc các địa phương nắm bắt cơ hội, liên kết, liên thông khai thác và phát huy những tiềm năng quý giá về du lịch.
Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn không chỉ có nhiều di tích lịch sử cách mạng như: ATK Chợ Đồn (Bắc Kạn), Khu tích rừng Trần Hưng Đạo, Pắc Bó (Cao Bằng); không chỉ có nhiều điểm tương đồng về văn hóa các dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Mông, Dao… mà các địa phương này còn đang sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ như: hồ Ba Bể (Bắc Kạn), đỉnh Phia Oắc, thác Bản Giốc, Mắt Thần Núi (Cao Bằng), Động Tam Thanh, Đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn). Theo các chuyên gia du lịch, nếu các địa phương liên kết tạo các tour du lịch về nguồn kết hợp với trải nghiệm, nghỉ dưỡng, sinh thái chắc chắn sẽ là những sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Ông Hà Văn Trường, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn nêu ý kiến: “Việc tạo được liên kết giữa 3 tỉnh là cần thiết, là cách phát huy sức mạnh hợp lực, từ đó chúng ta mới liên kết được phạm vi rộng hơn. Ví dụ có thể tính đến liên kết du lịch vùng Quảng Tây (Trung Quốc), liên kết du lịch các vùng Tây Nguyên, Tây Nam Bộ hay phương án liên kết với các nước khu vực Đông Nam Á. Nếu mỗi địa phương tự làm sẽ khó khăn, vất vả trong việc quảng bá cũng như tạo ra sản phẩm du lịch đủ lớn”.
Khi điểm nghẽn về giao thông giữa các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn từng bước được tháo gỡ, cũng là lúc các địa phương nắm bắt cơ hội, liên kết, liên thông khai thác và phát huy những tiềm năng về du lịch để phát triển kinh tế xã hội bền vững, cải thiện đời sống của người dân địa phương, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số. Đây cũng là hành động thiết thực để cùng hiện thực hóa mục tiêu chung trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của 3 tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn và Lạng Sơn nhiệm kỳ 2020-2025, đó là đưa du lịch trở thành mũi nhọn kinh tế địa phương./.
Theo Công Luận-Duy Thái/VOV-Đông Bắc
https://vov.vn/du-lich/lien-ket-de-phat-trien-du-lich-ben-vung-vung-cao-bac-lang-post937376.vov