Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình lùi dự án Luật Đất đai (sửa đổi) 1 kỳ họp, trình Quốc hội ở Kỳ họp thứ 4 như Ủy ban Pháp luật đề xuất.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 10, sáng 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2023, điều chỉnh Chương trình năm 2022 căn cứ trên ba nguyên tắc.
Đó là ưu tiên đề xuất vào Chương trình những dự án cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, ưu tiên đề xuất vào Chương trình các dự án cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; xây dựng, ban hành kịp thời Chương trình, chính sách phòng, chống dịch COVID-19; xây dựng cơ chế, chính sách cấp thiết nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...
Nguyên tắc cuối cùng là đảm bảo tính khả thi của Chương trình, tránh dồn nhiều dự án vào một kỳ họp hoặc dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan soạn thảo, thẩm tra hoặc vào kỳ họp cuối năm; không đưa vào những dự án thiếu hồ sơ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trên cơ sở các nguyên tắc này, Chính phủ đề nghị đưa 15 dự án luật vào Chương trình năm 2023. Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội dự kiến thông qua 9 dự án gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.
Quốc hội cho ý kiến 4 dự án là: Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Phát triển công nghiệp.
Tại Kỳ họp thứ 6, dự kiến thông qua 4 dự án (là các dự án đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5) và cho ý kiến 2 dự án là: Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Về đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2022, Chính phủ đề nghị điều chỉnh đối với 17 dự án. Với việc điều chỉnh này, số lượng các dự án thuộc Chương trình năm 2022 sẽ là 27 dự án, tăng 14 dự án so với Chương trình đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Tại Kỳ họp thứ 3, bổ sung vào Chương trình cho ý kiến 3 dự án, gồm: Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Đáng chú ý, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đến sau thời điểm Trung ương có chủ trương, định hướng, chỉ đạo về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai làm cơ sở chính trị cho việc sửa đổi dự án Luật. Thời điểm đó, Chính phủ sẽ hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội.
Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị của Chính phủ, cơ quan thẩm tra, các cơ quan đã phối hợp chặt chẽ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; bổ sung, điều chỉnh Chương trình năm 2022.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Các đại biểu nhấn mạnh, thời gian qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ Chính phủ mới, công tác xây dựng thể chế được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội quan tâm và có nhiều cố gắng đổi mới. Chính phủ đã tổ chức nhiều phiên họp chuyên đề và có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có nhiều đổi mới và bố trí các nội dung thảo luận về các luật, pháp lệnh một cách kỹ càng, cẩn thận.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội đã tổ chức các phiên họp chuyên đề để cho ý kiến sớm về định hướng xây dựng pháp luật. Quốc hội dành thời gian thảo luận về các luật, pháp lệnh có chất lượng, đổi mới, tổ chức phiên họp đại biểu Quốc hội chuyên trách, kỳ họp bất thường bàn về các luật cấp bách.
Do đó, số lượng luật được thông qua nhiều, chất lượng luật được nâng lên; phối hợp công tác giữa các cơ quan tốt hơn, giải quyết nhiều vấn đề mới, khó và cấp bách, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Về đề nghị lùi thời điểm trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội dự án Luật nhưng không đề xuất thời hạn lùi cụ thể.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng chỉ rõ, đây là dự án Luật rất cấp thiết, cần phải ban hành sớm và đã được đưa vào Chương trình từ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2019), sau đó phải điều chỉnh nhiều lần, lần này là đề nghị điều chỉnh lần thứ tư.
Lý do của Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình là đợi Hội nghị Trung ương 5 xem xét tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đây không phải là vấn đề mới, khi Quốc hội xem xét đưa dự án vào Chương trình cũng đã cân nhắc vấn đề này. Do đó, đề nghị chỉ nên lùi 1 kỳ để trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này tại kỳ họp thứ 4 và vẫn xem xét, thông qua theo quy trình tại 3 kỳ họp.
Giải trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, Bộ cơ bản đã hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo tờ trình, tổng kết việc thi hành Luật Đất đai năm 2013, đánh giá tác động các chính sách sửa đổi...
Ông Võ Tuấn Nhân khẳng định, cần đổi mới chính sách pháp luật về đất đai và phải có Nghị quyết của Trung ương làm cơ sở chính trị. Đây là căn cứ quan trọng để lấy ý kiến, thẩm định trình Quốc hội.
"Chính phủ xác định sẽ trình dự thảo Luật này vào kỳ họp tháng 10/2022, sau Hội nghị Trung ương vào tháng 5/2022," Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đồng tình lùi dự án Luật Đất đai (sửa đổi) 1 kỳ họp, trình Quốc hội ở Kỳ họp thứ 4 như Ủy ban Pháp luật đề xuất. Chủ tịch Quốc hội cho biết, về xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Đảng đoàn Quốc hội đã làm việc với Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW, sau Kỳ họp thứ Nhất đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về nội dung này. Vì thế, lần này phải quyết tâm không thể nào lùi được nữa.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý lùi thời hạn trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Đất đai (sửa đổi) 1 kỳ họp, từ Kỳ họp thứ 3 sang Kỳ họp thứ 4; xem xét vào Kỳ họp thứ 5 và Kỳ họp thứ 6./.
Theo Phan Phương (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/trinh-quoc-hoi-cho-y-kien-du-an-luat-dat-dai-sua-doi-o-ky-hop-thu-4/784084.vnp