Đức và Slovenia đã đồng ý về một thỏa thuận, theo đó Ukraine có thể nhận xe tăng do Liên Xô sản xuất, theo RT.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht xác nhận, Ukraine sẽ nhận một lô xe tăng chiến đấu từ Slovenia trong những ngày tới như một phần của thỏa thuận trao đổi giữa Ljubljana và Berlin.
Slovenia được cho là đã bàn giao hàng chục thiết bị hạng nặng do Liên Xô sản xuất cho Ukraine để đổi lấy xe chiến đấu bộ binh (IFV) và xe thiết giáp chở quân (APC) từ Đức.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức không tiết lộ cụ thể số lượng thiết bị quân sự mà mỗi bên sẽ trao đổi theo thỏa thuận này nhưng nói rằng. Ukraine sẽ nhận được lô viện trợ “trong vài ngày tới”.
Theo hãng tin AFP của Pháp và hãng thông tấn DPA của Đức, Slovenia sẽ giao xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 do Liên Xô sản xuất cho Ukraine và nhận xe chiến đấu bộ binh Marder và xe thiết giáp chở quân Fuchs từ Đức. Bà Lambrecht giải thích, mục đích của thỏa thuận là nhằm cung cấp cho Ukraine các thiết bị có thể sử dụng được càng sớm càng tốt.
“Vấn đề là mọi thứ cần phải được thực hiện nhanh chóng, vũ khí được chuyển giao càng nhanh càng tốt”, bà Lambrecht cho biết, đồng thời tiết lộ kho vũ khí có từ thời Liên Xô của các quốc gia Trung và Đông Âu là phù hợp nhất cho những kế hoạch như vậy. Các thiết bị quân sự này đã quen thuộc với lực lượng vũ trang Ukraine và không đòi hỏi phải có quá trình huấn luyện sử dụng.
Theo Euractiv, Ljubljana có thể giao khoảng 30-40 xe tăng T-72 cho Ukraine như một phần của thỏa thuận. Slovenia cho đến nay vẫn chưa bình luận về thỏa thuận mà chỉ thông tin rằng Bộ trưởng Quốc phòng Matej Tonin đã trao đổi với người đồng cấp Đức Lambrecht qua một cuộc gọi video ngày 20/4.
“Hai bên đã thảo luận về cách các nước đồng minh có thể giúp Ukraine đối phó với chiến dịch quân sự Nga và từ khía cạnh này, sự phối hợp của Slovenia và Đức có thể giúp Ukraine”, Bộ Quốc phòng Slovenia cho biết.
Theo một số thông tin truyền thông, Slovenia không có xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất mà sở hữu xe tăng M-84 của Nam Tư. Nam Tư bắt đầu tự nghiên cứu sản xuất xe tăng Liên Xô T-72 theo giấy phép năm 1982. Xe được sản xuất hàng loạt từ năm 1984, vì thế được định danh là M-84.
Các quốc gia phương Tây đã cung cấp vũ khí cho Ukraine gần như ngay sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở nước láng giềng cuối tháng 2 vừa qua. Hầu hết các đợt viện trợ trước đây chỉ bao gồm vũ khí cỡ nhỏ, tên lửa chống tăng và phòng không, cũng như nhiên liệu và đạn dược. Ukraine đã nhiều lần kêu gọi các nước hỗ trợ vũ khí hạng nặng, như xe tăng hoặc máy bay chiến đấu, nhưng nhiều quốc gia phương Tây vẫn do dự trong việc cung cấp các loại vũ khí này. Đã có một số thông tin về việc Cộng hòa Séc gửi xe tăng đến Ukraine nhưng Praha không chính thức xác nhận.
Các quan chức hàng đầu của Ukraine, trong đó có Tổng thống Volodymyr Zelensky và đại sứ Ukraine tại Đức Andrey Melnik, đã chỉ trích chính phủ Đức vì không cung cấp cho Kiev vũ khí hạng nặng.
Theo truyền thông Đức, Thủ tướng Olaf Scholz và đảng Dân chủ Xã hội của ông hoài nghi về ý tưởng cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine trong khi các đối tác trong liên minh cầm quyền - Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do - ủng hộ mạnh mẽ hơn.
Trong một tuyên bố ngày 13/4, ông Marcus Faber, chuyên gia quốc phòng của đảng Dân chủ Tự do, một đảng trong liên minh cầm quyền của Đức cho biết, liên minh này đã đồng ý cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine.
Tuy nhiên, ngày 20/4 vừa qua, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức cho biết, Berlin không có kế hoạch cung cấp vũ khí hạng nặng từ kho dự trữ của quân đội Đức cho Ukraine.
“Tôi có thể xác nhận rằng các hệ thống chiến đấu chính vẫn cần thiết đối với Bundeswehr (Quân đội Đức) để thực hiện các nhiệm vụ của họ. Không có kế hoạch nào được xem xét liên quan tới việc gửi vũ khí hạng nặng từ kho dự trữ của Bundeswehr cho Ukraine”, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức cho hay.
Đầu tuần này, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tiết lộ rằng Đức đã cung cấp nhiều vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine hơn so với xác nhận trước đó, với lý do cần phải chuyển giao chúng càng nhanh càng tốt. Các loại vũ khí chuyển tới Ukraine bao gồm tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không Stinger.
Theo Reuters, Berlin có kế hoạch chi thêm 2 tỷ euro (2,16 tỷ USD) cho các nhu cầu quân sự, trong đó phần lớn là nhằm cung cấp cho Ukraine. Trong khi đó, Ủy viên Quốc hội Đức về Lực lượng vũ trang, bà Eva Hoegl, cảnh báo rằng Berlin không thể gửi cho Ukraine bất cứ thứ gì họ có trong kho, đồng thời thừa nhận rằng, bản thân quân đội Đức vẫn chưa được cung cấp đủ trang bị hạng nặng và vũ khí cá nhân./.
Theo Hoàng Phạm/VOV.VN Tổng hợp
https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/duc-di-duong-vong-de-cung-cap-vu-khi-hang-nang-cho-ukraine-post939062.vov